Kể từ khi loạt sút luân lưu lần đầu xuất hiện tại một kỳ World Cup vào năm 1982, đến nay đã có 30 trận đấu phải giải quyết thắng thua trên chấm 11 m. Các kỳ World Cup có nhiều trận sút luân lưu 11 m nhất là 1990, 2006, 2014, 2018, đều có 4 trận. Có 2 trận chung kết phải dùng đến nó để quyết định đội vô địch: Brazil thắng Italy năm 1994 và Italy thắng Pháp năm 2006.
Chuẩn bị càng kỹ càng tốt
Ngày trước, đây là loạt sút được coi là mang tính may rủi cao. Ví dụ tại giải năm 1998, Anh đối đầu với Argentina ở vòng 16 đội, khi đến loạt 11 m, HLV Glenn Hoddle của Anh lập tức nhận ra các cầu thủ của ông không sẵn sàng cho cuộc chơi cân não này: “Tôi có hỏi vài người, một số ra vẻ tự tin như David Batty, anh ta cũng nói với tôi: từ trước đến giờ tôi chưa thực hiện quả phạt đền nào, nhưng điều đó không thành vấn đề. Vậy là tôi phải chọn những người tự tin như anh ta”. Batty là người đá hỏng cú sút 11 m trận đó, Anh bị loại. Rõ ràng, Hoddle đã không cho các cầu thủ tập sút.
Cú sút 11 m đưa bóng đi vọt xà của Roberto Baggio trong trận chung kết World Cup 1994 khiến ông ám ảnh cho đến bây giờ. Ảnh: Reuters. |
Bây giờ thì khác. Các đội nghiên cứu băng hình, đủ các kiểu số liệu thống kê, vị trí thủ môn đối phương hay đổ người, vị trí cầu thủ đối phương ưa thích sút bóng và tập luyện chuẩn bị cho loạt sút này rất kỹ. HLV Gareth Southgate cho biết trước World Cup 2018, đội của ông đã chuẩn bị các chiến lược cho sút 11 m từ tháng 3/2018. Đội Anh đã thắng Colombia ở vòng 16 đội. Nhưng họ thua Italy trong loạt sút 11 m trận chung kết Euro năm ngoái.
HLV Louis Van Gaal trước giải đấu năm nay còn thiết kế một hội trại đặc biệt mời cả cầu thủ không được gọi đi Qatar đến để chuẩn bị cho các cầu thủ của ông tập sút 11 m. Hà Lan có lẽ là đội đau khổ nhất với các loạt sút 11 m. Họ đã có 7 lần tham gia loạt sút này tại các giải World Cup và Euro, thua 5 lần.
Sút 11 m trên sân tập không khó. Vấn đề là cầu thủ phải thực hiện nó dưới tiếng hò hét của vài vạn CĐV, hàng chục triệu khán giả truyền hình, trong một trận đấu lớn mà một sai lầm cơ bản khiến cả đội trả giá. Kevin Keegan, cựu HLV tuyển Anh, có lần nói: “Đừng có bận tâm tập luyện sút 11 m, vì trên sân tập, bạn có tái tạo được đám đông, bầu không khí và áp lực đâu”.
Nhưng có nhiều HLV cố gắng tái tạo phần nào áp lực đó. HLV Guus Hiddink từng bắt các cầu thủ Hàn Quốc tập sút trước đám đông sinh viên được đưa đến kín sân Gwangju. Năm 2006, đội Anh thuê dân địa phương Baden Baden, nơi đóng quân của họ tại Đức, đến đứng phía sau khung thành để tạo không khí cho buổi tập sút.
Tuy không thể có điều kiện tập như thật, nhưng tập vẫn hơn. Các phi công trước khi ra bay vẫn phải tập rất nhiều thời gian trên thiết bị mô phỏng. Nếu không đạt đến 70% điều kiện thật thì 40% cũng tốt, còn hơn là không tập, không có chút áp lực nào. Danh thủ Alan Shearer khuyên các tuyển thủ Anh, dù họ không phải là người sẽ thực hiện cú sút phạt đền trong trận, nhưng mỗi khi thấy Harry Kane tập sút 11 m, thì hãy ra tập cùng, tập càng nhiều và học được từ chuyên gia như Kane sẽ giúp ích cho họ, bởi sẽ đến lúc họ phải làm việc này, và không cầu thủ nào muốn đá hỏng đâu.
Nên có một thủ môn là chuyên gia chặn cú sút 11 m
Nếu thủ môn số 1 trong đội đồng thời là chuyên gia chặn phạt đền thì tốt, ví dụ như Wojciech Szczesny chặn được 2 quả phạt đền cho Ba Lan vòng bảng chẳng hạn. Nếu không thì trong 3 thủ môn, hãy chọn 1 thủ môn có thành tích cản phá các cú 11 m tốt vào đội tuyển.
Mỗi đội bóng nên chuẩn bị một thủ môn chuyên chặn phạt đền khi đi sâu trong giải. Ảnh: Reuters. |
Đội Úc có mặt tại World Cup 2022 là nhờ họ thắng Peru trong loạt sút 11 m trận tranh vé vớt. Đến phút cuối của hiệp phụ, HLV Graham Arnold tung thủ môn dự bị Andrew Redmayne vào sân. Chưa cần biết thủ môn này có bắt 11 m giỏi không, nhưng các cầu thủ Peru bị ảnh hưởng tâm lý đôi chút: “À, thì ra họ có chuyên gia”. Ít nhiều sẽ có sự dè dặt, hoang mang, sợ hãi trong các cầu thủ Peru.
Vào loạt sút, Redmayne nhảy nhót như thằng hề trước khung thành, cầm tờ giấy chỉ dẫn bắt phạt đền của thủ môn Peru đặt sau khung thành đi chỗ khác, tức là giấu bí kíp của đối thủ. Trò chơi tâm lý của Redmayne phát huy tác dụng trận đó. Nếu đêm qua, đội Úc dắt được Argentina đến loạt sút 11 m, hẳn anh ta đã có đất dụng võ. Trò nhảy múa giữa khung thành đã được Bruce Grobbelaar thực hiện thành công cho Liverpool ở trận chung kết Cúp C1 năm 1984. Và 21 năm sau, một thủ môn Liverpool khác là Jerzy Dudek cũng thành công trong trận chung kết Champions League.
Tại World Cup 2014, Hà Lan có một chuyên gia như vậy là Tim Krul. Anh này bắt phạt đền không phải giỏi, chỉ mới cản phá được 2 cú cho đến lúc đó. Nhưng HLV Van Gaal lại nhận thấy sự tinh ranh của Krul trong việc làm xao lãng đối thủ, như cố tình đưa bóng vào cuộc lâu, ý kiến với trọng tài, trì hoãn thời gian của người sút, hoặc đơn giản là tác động bằng lời nói, ví dụ “tôi biết góc cậu sút rồi”, “cậu sẽ sút hỏng thôi”. Theo lẽ tâm lý thường, người sút mà càng bị trì hoãn càng có thêm thời gian lo lắng, bất an.
Krul được đưa vào thay thủ môn chính Jasper Cillessen ở phút 120 trận tứ kết gặp Costa Rica đã giúp Hà Lan vượt qua loạt sút 11 m. Kể từ đó, sự tự tin của Krul cũng thay đổi hẳn. Trước năm 2014, Krul chỉ cản được 2 trong 34 cú sút 11 m. Sau giải đó đến nay, anh cản được 8 trong 31 cú sút 11 m.
Nhưng đến trận bán kết sau đó vài ngày, Hà Lan gặp Argentina, họ đã hết quyền thay người trong 120 phút, không đưa Krul vào sân được nữa. Cillessen không cản được cú sút 11 m nào của Argentina, trong khi hai cú sút của Ron Vlaar và Wesley Sneijder bị cản, Hà Lan thua trận.
Năm nay, các đội được đưa 26 cầu thủ đến Qatar, mỗi trận được thay 5 người, vào hiệp phụ được thay thêm 1 người, thừa chỗ cho thủ môn dự bị vào sân. Nhưng kỳ này, ông Van Gaal không đưa Krul đến Qatar, liệu ông sẽ hối tiếc với quyết định này?
Italy đăng quang ngôi vô địch Euro 2020 là nhờ họ thắng Tây Ban Nha và Anh ở bán kết và chung kết đều bằng các loạt sút luân lưu 11 m. Ảnh: Reuters. |
Các lựa chọn trước khi vào thi sút 11 m
Trước khi vào sút 11 m, trọng tài sẽ tung đồng xu cho 2 đội chọn. Thông thường, nếu được chọn, các đội sẽ chọn sút trước. Lý thuyết là các đội sút sau chịu áp lực lớn hơn, hoặc vì đối thủ đã ghi bàn và mình cần phải theo kịp, hoặc vì đối thủ đã sút hỏng nên mình phải tận dụng lợi thế.
Số liệu không chứng minh sự khác biệt lớn giữa sút trước hay sút sau. Trong 30 loạt sút luân lưu ở World Cup, 15 đội đá trước thắng, 15 đội đá sau thua. Một dữ liệu khác nghiên cứu 663 loạt sút 11 m từ năm 1970 đến nay ở các giải quốc tế lớn cho nam, nữ, trẻ, tỉ lệ thắng của đội sút trước là 50,8%. Tuy vậy, khi được chọn, các đội vẫn chọn sút trước. Các đội sút sau cũng nên yên tâm vì số liệu cho thấy họ không thua thiệt lắm.
Chọn cầu môn sút thì rõ ràng, đội bóng sẽ chọn khán đài có nhiều CĐV đội mình. Họ sẽ cổ vũ cho mình và có các tác động tâm lý khiến đối thủ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì tỷ lệ các trận đấu có loạt 11 m được tổ chức ở các sân trung lập cao, nên chưa có số liệu cụ thể về việc chọn cầu môn. Nhưng có thể đoán, chọn cầu môn có khán giả mình lợi hơn.
Qua 30 loạt đá luân lưu tại các kỳ World Cup, 279 cú phạt đền được thực hiện, trong đó có 196 cú được ghi, tỷ lệ chuyển hóa thành bàn thắng là 70%. Nhiều số liệu có thể thu thập được từ đây. Đầu tiên, đưa đội trưởng vào danh sách sút. Đội trưởng thành công 25/31 cú, tỷ lệ thành công 81%, điều này có ý nghĩa: đội trưởng thường có tinh thần dẻo dai, khả năng dẫn dắt, vì vậy họ có thể đối phó với áp lực tốt hơn.
Đôi khi một cầu thủ siêu sao như Messi cũng thực hiện hỏng cú đá được coi là dễ nhất trong bóng đá. Ảnh: Reuters. |
Nếu một cầu thủ đã ghi bàn trong 120 phút, nhiều khả năng anh ta cũng đá 11 m thành công, 20/25 người làm được điều này. Thậm chí còn tốt hơn nếu anh ta đã thực hiện tốt một quả phạt đền trong 120 phút. Có lẽ đáng ngạc nhiên là ngay cả 3 người đã bỏ lỡ các quả phạt đền trong 120 phút vẫn đá thành công trong thi sút luân lưu: Zico năm 1986, Asamoah Gyan năm 2010 và Luka Modric năm 2018.
Kỹ năng sút của các tiền đạo tốt nhất. 76% tiền đạo thực hiện thành công, so với 69% ở các tiền vệ và 68% ở các hậu vệ. Chưa thủ môn nào thực hiện cú sút trong loạt sút luân lưu ở World Cup. Có sự khác biệt không đáng kể giữa những người thuận chân trái và phải (71% thành công so với 69%), nhưng trên thực tế, qua phỏng vấn các thủ môn, họ nói họ thường khó đọc được các tín hiệu hình thể từ những người thuận chân trái hơn. Có một ngoại lệ, hậu vệ Andreas Brehme của Đức sút thành công bằng chân trái vào lưới Mexico năm 1986, và bằng chân phải vào lưới Anh 4 năm sau đó.
Đừng sợ tuổi trẻ. 15 trong số 19 cầu thủ từ 21 tuổi trở xuống thực hiện tốt cú sút 11 m trong loạt đá luân lưu ở World Cup, tỷ lệ thành công là 79%. Gồm có cả Michael Owen trong trận đấu với Argentina năm 1998. Lớn tuổi cũng có lợi thế về kinh nghiệm, 69 cầu thủ từ 30 tuổi trở lên đã thực hiện các quả 11 m, trong đó 52 người đã ghi bàn, đạt tỷ lệ 75%. Sergei Ignashevich của Nga, 38 tuổi đá thành công vào lưới Tây Ban Nha năm 2018.
Danh tiếng có khi làm hại. Số liệu nói, chỉ 60% cầu thủ đã nhận các danh hiệu cá nhân như Quả bóng vàng sút trúng. Trước khi các siêu sao này nhận giải thưởng cá nhân, tỉ lệ sút trúng của họ là 90%.
Muốn chiến thắng trong loạt sút, hãy chọn người giỏi nhất thực hiện cú đầu tiên, như Lionel Messi khi đá với Hà Lan năm 2014. Trong 30 đội thắng thi sút 11 m ở World Cup, có 25 cầu thủ của họ sút thành công cú đầu tiên. Cầu thủ tốt nhất tiếp theo thường các đội sẽ xếp để đá quả thứ 5 quyết định, 17 trường hợp đã lập công. Nhưng hãy giành cho lượt thứ 4 một cầu thủ giá trị: 11 trường hợp cầu thủ thứ 4 thực hiện cú sút đem lại chiến thắng cho đội.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...