Chiều 2/8, tại tiệm vàng Hòa Thuận ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức, Quảng Ngãi) do vợ chồng ông V. làm chủ xảy ra vụ hỏa hoạn. Hậu quả, con trai ông V. là em T. (18 tuổi) tử vong. Lực lượng công an xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do T. đã mua 4 lít xăng đem vào phòng riêng tự thiêu.
Trước khi tự thiêu, T. dùng điện thoại di động nhắn tin cho cha và một số người bạn thân bày tỏ nỗi thất vọng vì thi rớt đại học nên không còn động lực trong cuộc sống. Hành động của T. khiến nhiều bạn đọc thương cảm, tiếc nuối, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm bản thân khi trải qua kỳ thi đại học cam go.
Độc giả có nick Tommy không giấu được sự thương cảm: "Em ơi, sao em dại quá. Đại học đâu phải con đường duy nhất. Anh xót xa cho em, cho ba mẹ em. Như anh, dù anh học đại học đến năm thứ 3 rồi mới cảm thấy bị tuột dốc vì quá chán nản với chuyên ngành học, nợ môn ngập đầu nhiều lúc nghĩ nếu như chết mà có thể kết thúc hết những bế tắc hiện tại thì chết quách cho xong. Nhưng còn bố mẹ thì sao, mình có như thế nào vẫn là con bố mẹ, được nuôi dưỡng bằng bao tình cảm vật chất hai chục năm. Anh không làm được, anh không thể quá ích kỷ mà bất hiếu được.
Em còn trẻ mà, mới 18 tuổi, còn nhiều con đường lựa chọn, chưa muộn mà em. Nhưng dù gì thì chuyện cũng lỡ rồi em yên nghỉ nhé. Gửi lời chia buồn đến cô chú mong cô chú sẽ sớm vượt qua nỗi đau lớn này".
Nhiều con đường để đến cổng trường đại học
Cũng từng trải qua lứa tuổi 18 với nhiều suy nghĩ còn nông cạn, Minh Hoàng chia sẻ bản thân học trường chuyên của tỉnh nhưng thi rớt đại học nguyện vọng 1, vì vậy, anh phải học trường dân lập, đóng tiền học phí rất cao. Hoàng cũng chán chường, suy nghĩ nhưng không dại dột như T. vì sợ chết.
“Cách làm của tôi là chỉ tránh mặt bạn bè, nhưng sau khi học xong đại học, tôi gặp lại họ và nhận ra, chúng tôi đều như nhau, chẳng ai hơn ai. Có lẽ T. đã rơi vào vòng lẩn quẩn trong suy nghĩ, không lối thoát nên mới hành động như vậy”, Hoàng nhận định.
Độc giả Nhiên (SN 1990) ở Buôn Mê Thuột nhớ lại, ngày trước anh thi rớt đại học và buồn lắm. Mỗi ngày anh đi ra đi vào, tinh thần không thoái mái. Bạn bè, người thân hỏi thăm đều khiến anh căng thẳng nhưng anh nghĩ, nếu anh muốn vào đại học không chỉ có một con đường. Vì vậy, anh quyết định đi đường vòng, từ trung cấp anh học liên thông lên đại học.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn đường vòng để đến được giảng đường đại học. Ảnh: Giáo dục |
Nguyên cũng đã chán nản, áp lực khi có kết quả báo rớt đại học. Tuy nhiên, anh nghĩ: “Rớt thì thôi”. Anh nộp đơn vào trường trung cấp và nỗ lực học tập đã mang lại thành công là bây giờ anh đi làm lương được cao hơn hẳn so với các bạn cùng lứa học đại học.
“Cuộc đời có nhiều con đường để đi, đều do mình chọn lựa. Nếu bạn biết chắt chiu cơ hội, thành công sẽ đến với bạn dù bạn đậu hay rớt đại học. Tôi không nghĩ một số bạn đậu đại học là giỏi vì 4 năm ngồi ghế nhà trường hoàn toàn khác xa so với 2 năm đi làm. Các bạn dù có rớt cũng không nên buồn vì các bạn chỉ 18 tuổi, còn quá trẻ để làm mọi thứ mình mong muốn”, Nguyên khuyên.
Cần sự động viên từ gia đình
Câu chuyện của T. cũng là lời cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh hiện nay. Bởi việc ép con phải học theo ý mình vô tình khiến con trẻ gặp áp lực rất lớn.
Với một số em thường xuyên tâm sự với bậc sinh thành sẽ mạnh dạn nói nguyện vọng, sở thích và việc lựa chọn đó có phù hợp hay không, khiến các em thoải mái. Với những em sống khép kín, không thường xuyên trao đổi với người thân, cách áp đặt của cha mẹ sẽ khiến các em nghĩ quẩn, trầm cảm và hành động dại dột. Trường hợp của T. là minh chứng cho việc này.
“Ba mẹ là điều đáng quý nhất. Tôi từng học hành trầy trật nhưng ba mẹ vẫn luôn ở bên cạnh vạch ra phương hướng giúp tôi học tốt hơn. Bây giờ, tôi đã đi làm, đỡ đần cho gia đình. Là người con, trước khi làm điều gì cũng phải nghĩ tới đấng sinh thành, nghĩ tới sự đau đớn của người thân phải chịu vì hành động dại dột của mình”, Thạnh Nguyên góp ý.
Còn anh Hưng Phát đưa ra lời khuyên, đại học là con đường giúp mỗi chúng ta tiếp cận đến thành công nhanh nhưng điều quan trọng vẫn là nghị lực của chính mình. Anh có những kinh nghiệm từ bản thân muốn gửi đến các bạn trẻ. Thứ nhất, khi bạn có thông báo rớt đại học, nếu bạn bè, người thân nói xấu, dùng lời đụng chạm đến “vết thương” của bạn nghĩa là họ không biết sẻ chia. Khi bạn ra đời cũng phải học cách chấp nhận vì đó là sự ganh đua ở bên trong mỗi con người. Cách giải quyết là bạn mặc kệ lời họ nói để tâm trạng không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, nếu bạn cảm thấy cô đơn nên trò chuyện cùng cha mẹ vì họ là chỗ dựa đáng tin cậy. Bạn cũng có thể tìm đến những cách khác để giải tỏa nỗi buồn như đi bơi, đi câu cá… và suy nghĩ lạc quan về tương lai chứ không phải dằn vặt mãi về quá khứ.
Thứ ba, bạn không nên suy nghĩ dại dột đến việc tự tử, bỏ nhà đi, đóng cửa phòng tự nhốt mình,… cho người thân có cơ hội giúp đỡ.