Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi nhau hứng tiền cúng cô hồn bằng lồng gà ở Sài Gòn

“Đội quân cô hồn” xuất hiện trên các tuyến đường, khu dân cư mang theo lồng gà, vợt để chầu chực hứng tiền lẻ được thả xuống từ trên cao chiều ngày rằm tháng bảy.

Giành giật đồ cúng trên phố ở Sài Gòn Sau khi cúng lễ Vu Lan xong nhiều gia đình thả tiền, đồ ăn cho người đi đường để lấy may. Cảnh cướp giật lại diễn ra như mọi năm làm náo loạn cả khu phố Trần Hưng Đạo.
Chiều 28/8 (rằm tháng 7), nhiều gia đình ở Sài Gòn làm lễ cúng cô hồn. Trên mâm thắp hương có gà, hương hoa, vàng mã, mía, cóc, khoai lang, gạo, muối, trái cây. Gia đình, cửa hàng nào sang hơn thì cúng cả heo quay.
Họ quan niệm lễ nghi này sẽ cứu giúp các linh hồn khốn khổ, vất vưởng, lang thang không có nơi thờ. Những người kinh doanh buôn bán thường chuẩn bị đồ cúng một cách hậu hĩnh để lấy may, mong các cô hồn không quậy phá để yên ổn làm ăn.
Khi mâm cúng xuất hiện hoặc vừa thắp hương xong, chủ nhà còn đang đốt vàng mã, nhiều người đã sớm tập trung chờ để lấy đồ cúng khi hương chưa tàn (còn gọi là giật cô hồn).
Nhiều gia đình giàu có hoặc các công ty ăn nên làm ra thường tổ chức làm lễ rất lớn. Có người mang tiền ra rải cho người nghèo nhặt. Đây cũng là dịp đội quân cướp đồ cúng "chuyên nghiệp" xuất hiện lên tới vài chục người, họ tập trung chủ yếu ở những khu vực đông người Hoa sinh sống như quận 5, 6, 8. Trong ảnh: Khoảng hơn 20 người chờ, giành tiền và đứng xem một cửa hàng kinh doanh thuốc bắc tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Phùng Hưng, quận 5 rải những xấp tiền lẻ xuống đường chiều muộn ngày 28/8.
"Đội quân" này di chuyển khắp các con đường, ngõ hẻm Sài Gòn và mang theo cả những chiếc vợt lớn hoặc lồng gà để hứng tiền gia chủ thả xuống từ trên tầng cao.
Từ một phong tục tốt đẹp mang ý nghĩa chia sẻ, ngày cúng cô hồn trong nhiều năm trở lại đây thường trở nên hỗn loạn khi xuất hiện nhiều hình ảnh tụ tập tranh giành, thậm chí cướp đồ cúng khi gia chủ đang làm lễ. Có nhà phải cúng bên trong phòng, khoá cửa lại để tránh bị giật đồ khi đang cúng và thả tiền từ trên lầu.
Phía dưới, vài chục người dõi theo để xông tới giành lấy.
Khi những tờ tiền mệnh giá nhỏ lẻ bay xuống, hàng loạt cánh tay giơ lên đón. Năm nay xuất hiện thêm cả lồng gà, sọt để đảm bảo chắc ăn.
Thông thường họ hứng bị trượt do tiền mỏng nhẹ, bay lượn trong không khí. Lúc này, tất cả thi nhau hùa vào nhặt ở dưới đất.
Chen lấn, xô đẩy nhau để vớt được lộc.
Người cúi tìm nhặt, kẻ ngó lên lầu gia chủ chờ đợt rải tiền mới.
Nhiều tờ tiền rơi ngay trong sân nhà, một số người luồn tay vào nhặt
Chiến lợi phẩm của một thanh niên giành tiền "chuyên nghiệp".
Sau một buổi chiều len lỏi khắp các ngõ hẻm khu vực Chợ Lớn, quận 5 nhặt tiền cúng, bé Đạt (6 tuổi) kiểm đếm số tiền lẻ nhặt được. Ước tính cũng đủ để ăn bát phở ở nhà hàng.
Nhiều cửa hàng kinh doanh làm ăn suôn sẻ đã phát phiếu nhận quà cho người nghèo nhân dịp rằm tháng bảy. Hàng chục người lao động nghèo như bán vé số, chạy xe xích lô... qua các cửa hàng này ghé vào nhận phiếu để hôm sau tới lấy quà.
Gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm... là những thực phẩm được các ông chủ kinh doanh phân phát cho người nghèo dịp rằm tháng bảy.

Tục cúng cô hồn có từ rất nhiều năm, là một trong hai lễ lớn đợt rằm tháng 7 ngoài lễ Vu lan báo hiếu. Thời gian cúng cô hồn thường diễn ra trong vài ngày trước rằm, cao điểm hơn cả là vào ngày 15 âm lịch.

Tại Sài Gòn, các gia đình người Hoa ở khu Chợ Lớn và các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thường có lễ cúng long trọng với chi phí lên tới hàng triệu, tiền vàng mã, lợn gà quay, hoa quả...

Cúng xong họ ném tiền và đồ cúng ra ngoài đường gọi là bố thí cho các vong hồn, âm binh lang thang. Do đó, nhiều năm gần đây đã xuất hiện tình trạng thanh niên đổ ra đường hứng và tranh cướp đồ cúng trong đó chủ yếu là tiền. 

Họ quan niệm rằng càng cướp giật được nhiều và nhanh càng có nhiều phúc lộc trong năm. Có hộ gia đình vừa bày mâm cúng ra cửa nhà chưa kịp thắp hương đã bị giật sạch đồ cúng.

Lê Quân

Bạn có thể quan tâm