Trong thí nghiệm, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Quân y Hải quân Trung Quốc thực hiện phẫu thuật gắn một cá thể chuột đực và một cá thể chuột cái với nhau, khiến chúng có chung hệ tuần hoàn máu.
Tám tuần sau phẫu thuật ghép, nhóm nghiên cứu cấy tử cung của một con chuột cái thứ ba vào con đực. Sau đó, phôi thai chuột được cấy vào tử cung này, cũng như tử cung của con chuột cái bị ghép đôi.
Sơ đồ thí nghiệm "làm chuột đực có thai" của các nhà khoa học Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. |
Nếu phôi phát triển thành thai, chuột con sẽ được lấy ra sau 21 ngày bằng phương pháp mổ đẻ.
Theo nhóm nghiên cứu, trong 163 con chuột đực tham gia thí nghiệm, 6 con có thể “mang thai”. Tỷ lệ thành công là 3,68%. Những con chuột con trong thí nghiệm bình thường, không bị khuyết tật.
“Nghiên cứu của chúng tôi tiết lộ khả năng phát triển bình thường của thai trong cá thể động vật có vú đực. Nghiên cứu có thể có tác động sâu rộng lên nghiên cứu sinh học sinh sản”, các tác giả nhận xét. “Theo như chúng tôi biết, chưa có trường hợp cá thể động vật có vú đực mang thai nào được ghi nhận trước đây”.
Tuy vậy, thí nghiệm này phải nhận phản ứng trái chiều của dư luận. Sau khi được đăng tải trên Weibo, chủ đề này có tới hơn 330 triệu lượt xem, tính đến sáng 20/6.
“Đây là điều đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Những nghiên cứu kiểu này có ý nghĩa gì”, một tài khoản bình luận, theo South China Morning Post.
“Quá trình thí nghiệm thật tàn ác. Dường như cả chuột đực và chuột cái bị biến thành lò đẻ”, một tài khoản khác nhận xét.
Con đực mang thai là hiện tượng tự nhiên hiếm gặp, thường chỉ được phát hiện ở các loài thuộc họ Cá Chìa Vôi như cá ngựa hay chìa vôi. Không loài thú đực nào có thể mang thai tự nhiên.