Việc thiếu hụt các khu xử lý rác thải đang trở thành vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội. Cùng với đó là các vấn đề về vệ sinh môi trường và vệ sinh công cộng như mùi hôi và nước thải do phương pháp xử lý không thích hợp, đổ rác bừa bãi…
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), rác thải không ngừng tăng lên theo năm tháng cả về lượng và chất do dân số tại thủ đô gia tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Nhật Bản vừa xây dựng xong mô hình thí điểm ô chôn lấp rác thải theo công nghệ chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka tại Hà Nội. Ảnh minh họa: JICA. |
Trước thực trạng này, JICA Việt Nam đã phối hợp với lãnh đạo Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm ô chôn lấp rác thải theo công nghệ chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka tại xã Xuân Sơn (Tây Sơn, Hà Nội).
Đây là phương pháp xử lý rác tăng cường độ phân hủy của rác thải bằng việc lắp đặt các ống hút dưới đáy bãi chôn lấp và hoạt hóa các vi sinh vật trong đất. Rác thải sẽ được phân hủy bằng bán hiếu khí khiến cho các lớp rác chìm thấp xuống hơn so với các bãi chôn lấp truyền thống (kỵ khí) vào cùng thời điểm.
Nhờ vậy, thời gian chôn lấp của bãi rác sẽ được dài hơn. Bên cạnh đó, so với phương pháp chôn lấp mở hoàn toàn (chỉ đổ rác vào hố và không xử lý), phía Nhật Bản khẳng định phương pháp Fukuoka sẽ giúp cho bãi chôn lấp gần như không có mùi hôi đặc trưng của các bãi rác thải.
“Những kinh nghiệm thu được qua Dự án sẽ được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh, thành khác sao cho phù hợp với những đặc điểm, điều kiện và nhu cầu của thành phố”, JICA cho biết.
Gần đây, người dân ở TP.HCM bức xúc do Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với công nghệ được quảng cáo là hiện đại nhất Việt Nam ngày càng phình to, bốc mùi hôi thối. Khu xử lý chất thải này do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư, tổng số vốn hơn 100 triệu USD, đi vào hoạt động từ năm 2007.
Trước áp lực của dư luận và lượng rác tăng đột ngột, công ty của ông David Dương từng đề nghị trả lại TP.HCM 2.000 tấn rác.