Ngày 1/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo việc thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai tại 2 tỉnh là Thái Bình và Hà Nam. Mục đích của đề án nhằm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định đề án. Sau đó, cơ quan này phải trình Chính phủ đề án để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Trước đó, Hà Nam đã thực hiện tích tụ ruộng đất tại Huyện Lý Nhân và thành phố Phủ Lý cho doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 300 hộ dân của xã Nhân Khang đã nhất trí cho Công ty cổ phần An Phú Hưng và doanh nghiệp Nhật Bản thuê hơn 34 ha đất bãi ven sông Châu để triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Thời hạn thuê đất 20 năm với giá 150 kg ngô/sào/năm (giá ngô được tính tại thời điểm thanh toán). Người dân cho thuê đất được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng làm công nhân nông nghiệp trong doanh nghiệp với mức lương ổn định. Việc tích tụ ruộng đất được thực hiện theo nguyên tắc: đảm bảo quyền được Nhà nước giao đất lâu dài của người dân (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ dân giữ và quản lý).
Một dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Báo Chính Phủ. |
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã trực tiếp triển khai thuê đất của người dân. Theo đó, Nhà nước đứng thuê đất nông nghiệp của người dân và cho doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó tỉnh có cơ chế ứng tiền ngân sách, hỗ trợ lãi suất để tích tụ ruộng đất.
Ngoài ra, Hà Nam thực hiện chuyển đổi (đất đổi đất) đối với những hộ dân có nhu cầu tiếp tục trực tiếp sản xuất nông nghiệp ra khỏi vùng quy hoạch.
Hà Nam cũng làm hạ tầng gắn với quy hoạch để thu hút đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Trước đó, cuối tháng 8, Chính phủ đã có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong đó có nội dung về sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch.
Theo đó, Chính phủ sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.