Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hải Phòng vừa có văn bản thông báo về việc sắp xếp, điều chuyển hoạt động vận tải hành khách cố định tại bến xe Cầu Rào sang các bến khác để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào 1.
Văn bản này được gửi đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong cả nước, Công ty Cổ phần bến xe Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cố định tại bến xe Cầu Rào.
Bến xe Cầu Rào (khoanh đỏ) nằm sát Cầu Rào 1. Ảnh: Hồng Phong. |
Sở GTVT Hải Phòng công bố các bến xe đủ điều kiện tiếp nhận các phương tiện từ bến xe Cầu Rào, gồm các bến xe: Phía Bắc, Thượng Lý, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Trong tháng 10, đơn vị sẽ công bố thêm bến xe Vĩnh Niệm.
Các bến không đủ điều kiện tiếp nhận là Niệm Nghĩa, Lạc Long. Lý do là các bến này dừng hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng theo lộ trình thực hiện quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ, bãi đỗ xe TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở GTVT khẳng định việc điều chuyển sẽ không làm ảnh hưởng đến tần suất, giờ xe của doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe tiếp nhận.
Cũng trong văn bản này, Sở GTVT Hải Phòng đề nghị các đơn vị gửi hồ sơ đăng ký khai thác tuyến theo mẫu về cơ quan quản lý tuyến trước ngày 23/9.
Dự án đầu tư mới Cầu Rào 1 có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, xây dựng trên 4 quận gồm: Ngô Quyền, Lê Chân, Dương Kinh và Hải An.
Theo thiết kế, Cầu Rào 1 là cầu vĩnh cửu có kết cấu thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, rộng 30,5 m, dài 456,5 m, gồm 11 nhịp, nhịp chính có vòm thép, nhịp dẫn dầm bản rỗng.
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào 1. |
Nút giao dưới cầu được xây dựng thành nút giao khác mức gồm các nhánh cầu dạng hoa thị đơn trộn dòng trong nút giao hình xuyến, kết hợp kênh hóa đảo giao thông ở tầng 1 để đi các tuyến Lạch Tray, Ngô Gia Tự, Thiên Lôi, Cát Bi, đường trục đô thị và ngược lại. Riêng đường Lạch Tray sẽ mở rộng từ nút giao đến số nhà 392 và khu vực Công ty Da giày Hải Phòng. Thời gian thực hiện dự án 2020-2022.