Những dãy núi ở An Giang từ lâu trở thành nơi săn bọ cạp, mối chúa của dân bản địa. Tại xã An Phú, thị trấn Nhà Bàng của huyện Tịnh Biên và xã Ô Lâm của Tri Tôn, nhiều gia đình quanh năm bám núi rừng để săn hàng "ông uống bà khen" bán cho khách du lịch có nhu cầu.
Còn ở Sóc Trăng có người suốt ngày chui vào lùm cây, rừng rậm hoặc nhà hoang tìm tắc kè để bán.
Ông Đoàn có đến 30 năm trong nghề săn tắc kè. |
Mới 5h sáng ông Trương Văn Đoàn ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vác chiếc cần tre cột thòng lọng ra khỏi nhà. Đồ nghề mang theo cho chuyến săn tắc kè còn có giỏ tre, dầu lửa, đuốc, dây chì có móc ở đầu và đèn pin.
Trong một khu vườn đầy cổ thụ ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), người đàn ông 47 tuổi không ngại chui vào nơi nguy hiểm nhất để kiếm tắc kè. Vừa đi, thợ săn vừa quan sát từng cành cây rồi nhìn xuống đất để xem phân con vật thải ra chỗ nào nhiều nhất để chọn hướng leo phù hợp.
Theo ông Đoàn, kinh nghiệm săn tắc kè là cổ thụ nào có bọng, dưới đất nhiều phân của loài này thì trèo lên soi đèn pin tìm. Khi phát hiện con mồi, ông cho sợi dây chì vào móc tắc kè lôi ra. Nếu gặp bọng sâu, thợ săn đốt đuốc đưa vào khiến lũ tắc kè ngộp thở hoặc sợ nóng chạy ra, khi đó ông bắt từng con một.
Trong một trần nhà bỏ hoang, ông Đoàn phát hiện cặp tắc kè to bằng ngón chân nhưng không thể leo lên bắt. Thợ săn dùng cần tre dài có thòng lọng đưa lên nhử qua nhử lại rồi xiết cổ con mồi chỉ trong 3 phút.
"Tắc kè dữ lắm, đưa thòng lọng lên nó không chạy mà tìm cách cắn. Có khi bị giật dây siết cổ rồi mà tắc kè vẫn quay qua cắn đứt dây nên phải chọn sợi to. Tắc kè chạy trong bọng cây ra chộp không khéo cũng bị cắn chảy máu tay", ông Đoàn cho biết.
Người đàn ông này dùng dây chì có móc kéo con tắc kè hung dữ ra khỏi góc khuất của ngôi nhà hoang. |
Nguy hiểm nhất là những lần đốt đuốc trong bọng cây mà tắc kè chưa chui ra thì xuất hiện rắn độc hoặc ong vò vẽ. Lúc đó thợ săn phải nhảy xuống đất từ độ cao 4 - 5 m, nếu không thì tính mạng bị đe dọa. Hơn một năm trước, khi bắt tắc kè trên cây, ông Đoàn gặp rắn lục nên nhảy xuống đất bị trẹo xương sống, phải điều trị hơn một tháng.
"Tuần trước vào nhà hoang ở Vĩnh Châu tôi đạp mảnh vỡ thủy tinh phải bỏ làm hơn 10 ngày. Sợ nhất là đạp kim tiêm con nghiện nhưng may là chưa gặp lần nào. Nguyên nhân tôi đi săn ban ngày để bà con trong vùng không nghi mình là ăn trộm và đề phòng đạp kim tiêm, mảnh vỡ thủy tinh, sành sứ", ông Đoàn chia sẻ.
Với 30 năm trong nghề, mỗi ngày ông Đoàn bắt được hơn chục con tắc kè, sau 2 - 3 ngày bán cho thương lái mang về vùng giáp ranh biên giới. Hôm nào cần tiền, sau một ngày đi săn ông mang đến tiệm thuốc bắc bán được 200.000 - 300.000 đồng (giá tắc kè từ 15.000 - 40.000 đồng/con, tùy trọng lượng).
Cũng săn đi săn vào ban ngày nhưng hàng "độc" là mối chúa thì có anh Trần Lý Vũ ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên (An Giang). Để có được con mối chúa trắng to bằng ngón tay, mỗi ngày anh Vũ phải lên các triền núi Dài, Phú Cường để tìm tổ mối.
Theo lương dược Lư Anh Cơ, tắc kè có tác dụng bổ thận. |
Theo thanh niên này, mỗi ụ có 2 mối chúa, một con trưởng thành với một con nhỏ nằm cạnh. Sau khi mối chúa lớn bị bắt đi, mối nhỏ lớn dần, tiếp tục nhiệm vụ sinh sản duy trì nòi giống.
"Trước đây mỗi ngày tôi trèo núi bắt được vài chục con, bán 300.000 - 400.000 đồng. Giờ quá nhiều người đi săn nên có ngày chỉ được 10 con, mỗi con bán 10.000 - 15.000 đồng", anh Vũ nói và cho biết muốn mối không bị vỡ bụng chết thì sau khi bắt phải bỏ vào keo rượu trắng mang theo.
Tại thị trấn Nhà Bàng còn có thợ săn Nguyễn Văn Cương. Người đàn ông này 5 năm trong nghề săn bọ cạp trong các tầng đá hoặc lớp đất xốp dưới lá cây mục. Dụng cụ của thợ săn này rất đơn giản là cây len với chiếc xô đựng bọ cạp. Khi phát hiện hang của chúng, anh Cương nhanh tay đào bắt, bỏ vào xô rất đơn giản.
Bọ cạp ban ngày tỏ ra rất lành và loài này chỉ có tác dụng giải độc. |
"Thấy tôi bắt dễ dàng nhưng thực ra loài này rất hung dữ, có nọc độc nguy hiểm ở đuôi. Để săn bọ cạp mà không bị chúng chích thì đi ban ngày vì lúc này bọ cạp rất lành, chỉ nằm một chỗ, còn ban đem chúng rất hung dữ và bò nhanh", anh Cương nói về kinh nghiệm và cho biết để bắt con vật không xương sống này nên nắm đuôi thì chúng mất khả năng tấn công.
Một chị bán hàng "ông uống bà khen" ở biên giới Tịnh Biên khoe rằng tắc kè, mối chúa, bò cạp, bổ củi đều là thứ cường dương bổ thận, nên nhiều khách du lịch chọn mỗi thứ một con nướng ăn tại chỗ trước khi mua về ngâm rượu.
Lương dược Lư Anh Cơ ở nhà thuốc Lợi Hòa Đường (Sóc Trăng) cho biết tắc kè bổ thận và phát huy hết tác dụng khi ngâm rượu cùng ba kích, nhục thung dung, đỗ trọng, thục địa, đậu đen… Loài này khi làm thịt ăn chỉ cần bỏ mắt, các móng chân và nội tạng, giữ lại da và đặc biệt là không được bỏ đuôi.
Đối với mối chúa, ông Cơ cho rằng con này có nhiều dinh dưỡng, nhưng phải ngâm với nhân sâm để hạn chế mùi tanh. Còn rết, bò cạp thường được dùng trong các bài thuốc giải độc khi bệnh nhân bị ngứa, nóng gan… chứ không có tác dụng hỗ trợ "sung lực" cho quý ông.
"Tắc kè bay, bổ củi và nhện hùm nhiều người nói ngâm rượu uống rất sung nhưng tôi thấy Đông y không dùng loại này vì nó chẳng có tác dụng gì. Thông thường người bán lúc nào cũng nói hàng của mình uống vào 'sung' để bán được và người dân cả tin, nghe thế là mua mà không cần kiểm chứng", lương dược này cho biết.