Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Theo chân thanh tra đi bắt xe khách Thành Bưởi

Tôi đã hơi run khi chứng kiến cảnh một thanh tra Bộ GTVT vào Đồng Nai xử lý vi phạm của doanh nghiệp vận tải bị túm cổ áo, cào sây sát ngực và giật đứt dây chuyền.

Rất may sự xuất hiện của Cảnh sát 113 đã vãn hồi trật tự. Quả thật, làm thanh tra giao thông lắm khi cũng… thót tim.

Vào hang…

Tôi phải thuyết phục rất kiên trì mới được Phó chánh thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải Thạch Như Sỹ đồng ý cho đi cùng để “đánh án”. Ông bảo, ông sợ nhà báo hoảng vì tình hình đã dự là phức tạp lắm... Tôi đã nghĩ “ổng” kiếm cớ doạ mình, đã thế phải quyết đi bằng được. Có gì mà sợ lái xe với doanh nghiệp vận tải chứ, có phải đầu gấu đâu.

Hành khách chuyển đồ từ xe Thành Bưởi vi phạm bị giữ tại bến xe Đồng Nai sang xe khác.
Hành khách chuyển đồ từ xe Thành Bưởi vi phạm bị giữ tại bến xe Đồng Nai sang xe khác.

Thế là tôi thành hành khách trên chuyến xe TP.HCM đi Đà Lạt của công ty TNHH Thành Bưởi (TP.HCM). Tổ của chúng tôi gồm 4 người, trong đó, ông Cấn Tất Lĩnh là thanh tra giao thông (TTGT) của Bộ, TTGT Đồng Nai tên Được và một cán bộ Cục Quản lý đường bộ 4 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Sau buổi họp kế hoạch tại nhà khách Bộ GTVT đã là 12h50, cả đoàn ra quán cơm đĩa gần đó vội ăn trưa để kịp đón taxi ra bến xe Lê Hồng Phong mua vé đi Đà Lạt lúc 13h30.

Trước đó, tôi đã được ông Sỹ bộc bạch nguồn cơn kế hoạch “đánh án” lần này. Theo phản ánh của người dân và báo chí, Công ty Thành Bưởi không được cấp phép chạy xe khách chuyên tuyến TP.HCM - Đà Lạt, song đã núp bóng dưới hình thức xe hợp đồng. Ban ngày cứ 30 phút có một chuyến, còn buổi tối là 15 phút/chuyến xe khách giường nằm. 

Trong khi theo Nghị định 91, 93 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vận tải, thì các xe hợp đồng phải có hợp đồng ký với một đơn vị nhất định, không được bán vé cho khách tại bến cũng như bắt khách dọc đường. Xe kinh doanh chuyên tuyến bắt buộc phải xuất bến tại các bến xe quy định đảm bảo tiêu chuẩn. 

Việc lợi dụng hình thức xe hợp đồng để xuất bến tại bến xe tư nhân như công ty Thành Bưởi còn gây thất thu tiền thuế, phí không nhỏ cho Nhà nước. Mặt khác, việc phân luồng tuyến xe khách cố định đã tính đến khả năng cung cầu. Nếu các xe không được cấp phép chạy tuyến cố định sẽ làm lệch cung cầu, gây cạnh tranh bất công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải trên tuyến. 

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu TTGT bộ làm rõ và xử lý nghiêm, không để một doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm quy định quản lý vận tải hành khách, kiên quyết lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh vận tải...

Tại bến xe Lê Hồng Phong, xe của Thành Bưởi đã chuẩn bị xuất bến, chúng tôi bèn hỏi đi Đà Lạt và được mời làm hợp đồng vận chuyển cho 4 khách với giá 960.000 đồng, loại xe giường nằm. Lúc này, trên xe đã có khá nhiều hành khách. 

Khoảng 13h40 xe chuyển bánh. Anh phụ xe bắc chiếc loa tay giới thiệu về hành trình, điểm đỗ và thời gian chạy xe, sau đó rất nhanh nhẹn anh ta đi thu tiền vé, mỗi người 240.000 đồng. 

Xe chạy gần đến Đồng Nai, tài xế cho dừng xe 2 lần để bắt khách dọc đường. Đến gần cầu Đồng Nai, TTGT Đồng Nai xuất hiện phối hợp với tổ công tác đóng giả hành khách trên xe, yêu cầu lái xe chạy vào bến xe Đồng Nai để lập biên bản về hành vi vi phạm mượn danh xe hợp đồng để chở khách chuyên tuyến.

Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT phân công công việc trước khi “đánh án”.
Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT phân công công việc trước khi “đánh án”.

Tại bến xe Đồng Nai, đích thân ông Sỹ đã lên xe thông báo cho hành khách biết về việc bắt quả tang xe Thành Bưởi vi phạm quy định núp bóng xe hợp đồng để chở khách chuyên tuyến và bị TTGT giữ xe để xử lý. TTGT đã trưng dụng xe của doanh nghiệp vận tải được cấp phép chạy tuyến TPHCM - Đà Lạt tiếp tục chở khách lên Đà Lạt. Ông Sỹ cũng cáo lỗi cùng hành khách và mong hành khách hợp tác giúp đỡ cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ. 

Sau đó, lái - phụ xe và một số hành khách đã được TTGT Đồng Nai mời vào văn phòng bến xe để viết tường trình. Một lúc sau, 2 chiếc xe khác của Thành Bưởi xuất bến lúc 14h và 14h30 cũng có các tổ công tác đóng giả hành khách bắt quả tang vi phạm, tiếp tục bị TTGT Đồng Nai yêu cầu vào bến để lập biên bản xử lý.

Chứng kiến kịch bản ông Sỹ và TTGT bộ với sự kết hợp của TTGT Đồng Nai đã được hoàn tất một cách ngoạn mục. Tôi thở phào và nghĩ cũng đâu đến nỗi phức tạp như ông Sỹ dọa...

Ông chủ Thành Bưởi nổi 'điên' khi xe bị thanh tra tạm giữ

Xuất hiện tại Bến xe Đồng Nai cùng 2 nhân viên, ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi to tiếng: "Ai cho phép bắt xe tôi. Ai cho phép sang khách. Láo!".

Nguy hiểm bất ngờ

Trong lúc hành khách lục đục chuyển hành lý sang xe mới để tiếp tục hành trình đến Đà Lạt, tôi giật mình vì tiếng nói như hét của một người đàn ông gần 60 tuổi có hàng ria mép rậm rì trên khuôn mặt nhàu nhĩ đang nhăn nhúm vì tức giận. Hoá ra đây là ông Thành - chủ của công ty Thành Bưởi. Ông Thành đã không giữ nổi bình tĩnh khi được mời vào văn phòng bến xe làm việc. Ông ta chửi bới ầm ĩ và chỉ mặt các nhà báo cấm chụp ảnh. 

Thanh tra Lĩnh phải rất vất vả mới ngăn được ông Thành, khi ông này định tịch thu máy ảnh của một phóng viên. Ông Thành vùng vằng bỏ ra sân gào to không cho xe của doanh nghiệp do TTGT trưng dụng chở khách lên Đà Lạt. Giận dữ cực điểm, ông túm cổ áo thanh tra Lĩnh, xô anh dúi dụi, làm đứt tung cả sợi dây chuyền. 

Các TTGT có mặt tại đó kịp kéo tay ông Thành ra khỏi cổ áo thanh tra Lĩnh, thì ngực và cổ của viên thanh tra đã bị nhiều vết xước, rớm máu. 

 Ông Thành - ông chủ Thành Bưởi - bị Cảnh sát 113 áp giải lên làm việc với thanh tra.
Ông Thành - ông chủ Thành Bưởi - bị Cảnh sát 113 áp giải lên làm việc với thanh tra.

Chưa dừng lại, ông Thành tiếp tục vừa lăng mạ, vừa xông vào các phóng viên và những người dân vì tò mò hiếu kỳ quay phim chụp ảnh mình. Cảnh sát 113 đã phải áp sát trấn áp, yêu cầu ông Thành lên làm việc với Phó chánh thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ.

Ngược lại với vẻ tức giận đến điên khùng, mất khôn của ông Thành, Phó Chánh TTGT Bộ GTVT vẫn nhẹ nhàng, mềm mại khác hẳn vẻ bề ngoài hầm hố, xù xì có phần “đầu gấu”, hỏi: “Anh Thành đã bình tĩnh để làm việc chưa?”. 

Bị công an khoá tay điệu lên văn phòng, ông Thành có lẽ đã nghĩ đến một kết cục không hay hơn nhiều, nên đã bình tĩnh hơn và có thể đối thoại được. 

Chứng kiến cách “ hạ nhiệt” cho đối tượng vi phạm một cách đầy bản lĩnh, khôn khéo của vị Phó chánh TTGT của Bộ, tôi thầm công nhận sự từng trải, cách ứng xử cương nhu đúng lúc trước những tình huống phức tạp của một người lão luyện trong nghề.

Sau một hồi tranh luận nảy lửa, trao đi đổi lại, trước chứng cớ xác thực và vi phạm quả tang của 3 xe khách dán biển hợp đồng nhưng lại bán vé và bắt khách dọc đường, ông Thành đã chấp nhận ký vào biên bản vi phạm, chấp nhận để TTGT giữ xe chờ xử lý. 

Ông Sỹ đã đề nghị ông Thành cùng xuống giải thích rõ mọi việc và xin lỗi hành khách vì sự vi phạm của công ty Thành Bưởi khiến xe bị TTGT giữ, gây ảnh hưởng đến hành khách, đồng thời đưa xe chạy tuyến hợp pháp đến để giải tỏa hành khách. Những người khách cuối cùng mệt mỏi vì lo âu cũng đã rời bến xe tiếp tục hành trình gián đoạn. Còn tôi cũng kịp hoàn hồn vì cuối cùng mọi việc đã có thể nói là tạm ổn.

Những câu trả lời lạ lùng về sai phạm của xe Thành Bưởi

Hoạt động trá hình của xe hợp đồng thuê công ty Thành Bưởi diễn ra nhiều năm qua, nhưng cách trả lời của những người có trách nhiệm thuộc Sở GTVT TP.HCM và Lâm Đồng rất lạ lùng.

Tôi hỏi ông Sỹ và thanh tra Lĩnh vì sao lại bỏ qua cách ứng xử như xã hội đen của ông Thành như vậy. Ông Sỹ trầm ngâm: Lúc người ta nóng nếu mình cũng nóng thì hỏng việc. Họ đã bình tĩnh lại, chịu ký biên bản, chịu bị giữ xe xử lý là mình hoàn thành nhiệm vụ. Mục đích thanh tra cũng là để ngăn chặn doanh nghiệp làm sai. 

Còn thanh tra Lĩnh bộc bạch: “Ông ấy đã xin lỗi tôi vì quá nóng giận. Mình cũng nên thông cảm. Nghiệp ấy mà. Nhiều khi còn gặp việc gay cấn hơn ấy chứ”.

Sự ồn ào tạm lắng cũng là lúc màn đêm ập xuống bến xe Đồng Nai. Những chiếc xe của công ty Thành Bưởi đậu im lìm khiến tôi thực sự buồn tiếc. Tại sao một công ty vận tải hành khách quy mô hàng trăm xe, chất lượng dịch vụ tốt, an toàn, tạo được uy tín với hành khách mà hồi chiều tôi đã đóng giả làm hành khách của họ, lại không tuân thủ pháp luật trọn vẹn để phát triển thương hiệu và hình ảnh hoàn hảo, bền vững? 

Tại sao một chủ doanh nghiệp lớn lại có cách hành xử giống như xã hội đen? Và tại sao lực lượng TTGT của TP.HCM ở sát cạnh bến xe Lê Hồng Phong (cách khoảng 50 m) lại không hay biết về việc núp bóng xe hợp đồng kinh doanh xe khách chuyên tuyến của công ty Thành Bưởi? Nếu cứ như thế này, ngành vận tải ôtô khách bao giờ mới đàng hoàng, mạnh mẽ...

http://laodong.com.vn/phong-su/theo-chan-thanh-tra-di-bat-xe-gian-233113.bld

Theo Bích Liên / Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm