Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Theo chân 'sát thủ săn ngầm' của Mỹ trinh sát Biển Đông

Phóng viên CNN tham gia vào chuyến trinh sát của hải quân Mỹ trên phi cơ P-8A kể lại việc mục kích các hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại các bãi đá trên Biển Đông.

Jim Sciutto có mặt trên phi cơ P-8A  trong chuyến do thám các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 20/5. Ảnh: CNN

Đội ngũ của CNN lần đầu được phép lên khoang chiếc phi cơ P8-A Poseidon, máy bay trinh sát và săn ngầm hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ, khi nó đang làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. 

Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Mỹ cho phép các phóng viên tham gia một hoạt động của phi cơ P8-A, đồng thời công bố những hình ảnh, âm thanh cho thấy quá trình cải tạo nhanh chóng của Trung Quốc tại các bãi đá, cũng như phản ứng của nước này khi phát hiện máy bay trinh sát Mỹ gần căn cứ. Jim Sciutto, phóng viên CNN, kể về hành trình của ông theo chân phi hành đoàn P8-A làm nhiệm vụ do thám trên Biển Đông ngày 20/5 vừa qua.

Cất cánh từ căn cứ không quân Clark tại Philippines, chiếc P8-A bay khoảng 750 km về phía tây, hướng tới 3 bãi đá lớn trên Biển Đông là đá Chữ Thập, Vành Khăn và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện nhiều hoạt động cải tạo, xây dựng phi pháp.

Từ trên cao nhìn xuống, mặt Biển Đông dường như chỉ có một màu xanh yên bình và tĩnh lặng, nhưng thực tế, đây lại là nơi giao thương vô cùng tấp nập với khoảng 60% hoạt động hàng hải của thế giới.

Không chỉ trên mặt nước, dưới đáy biển cũng là nơi chứa trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Biển Đông được xem là vùng biển ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra xung đột nhất thế giới hiện nay.

Theo quan sát của CNN, chiếc máy bay trinh sát P8-A Poseidon được gắn rất nhiều ăng-ten, camera hiện đại và có cả khoang chứa ngư lôi săn tàu ngầm kèm tên lửa chống hạm Harpoon. Thiết kế bên ngoài của P8-A khá giống với chiếc Boeing 737. Bên trong chiếc máy bay hiện đại này là một hệ thống chứa nhiều thiết bị thu thập thông tin tiên tiến. Buồng lái của chiếc P8-A Poseidon thực sự như một trung tâm CIA thu nhỏ trên không.

P8-A Poseidon là máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến nhất của quân đội Mỹ và được mệnh danh là thứ vũ khí mà Hải quân Trung Quốc lo ngại nhất nếu xảy ra xung đột quân sự Mỹ - Trung trên biển.

45 phút sau khi cất cánh, mục tiêu của nhiệm vụ đầu tiên đã hiện ra trước mắt: Đá Subi. "Nhìn qua cửa sổ máy bay, có thể thấy hơn 20 chiếc tàu hút cát của Trung Quốc đang hoạt động hết công suất để xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại đây. Chỉ trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng diện tích bề mặt của bãi đá Subi lên 8 km²", phóng viên của CNN mô tả.

"Chạm mặt" Hải quân Trung Quốc

Chiếc P8-A đang bay ở tầm thấp nhất với độ cao 4.500 m nên dễ dàng bị Hải quân Trung Quốc phát hiện. Ngay lập tức, trên radio vang lên giọng nói tiếng Anh mang ngữ điệu Trung Quốc: "Đây là Hải quân Trung Quốc, đây là Hải quân Trung Quốc, yêu cầu rời khỏi khu vực ngay lập tức để tránh hiểu nhầm".

Dường như các thành viên có mặt trên P8-A không lấy gì làm xa lạ với các cảnh báo này. Phi công Mỹ nhanh chóng hồi đáp rằng đây không phải là vùng biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp lời giải thích của phi công Mỹ, tín hiệu radio của Hải quân Trung Quốc tiếp tục nhắc lại lời cảnh báo với giọng điệu đầy hăm dọa, càng về cuối càng gay gắt và giận dữ. Tổng cộng trong suốt chuyến bay, phóng viên đếm được 8 lời đe dọa từ phía Trung Quốc gửi tới máy bay của Mỹ.

"Chúng tôi quan sát thấy Trung Quốc thường đặt các trạm radar cảnh báo sớm trên các đảo đang tranh chấp hoặc trên các tàu hải quân tuần tiễu qua các đảo này. Một sĩ quan có mặt trên chuyến bay nói rằng những bãi đá san hô như Subi thường nằm cách xa các căn cứ không quân nên nếu muốn đánh chặn những máy bay như P8-A của Không quân Mỹ, bắt buộc Bắc Kinh phải nhanh chóng xây dựng các đường băng trên những hòn đảo nhân tạo này", Jim Sciutto viết.

Phi cơ Mỹ quay các đạo nhân tạo phi pháp của TQ trên Biển Đông
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Wall Street Journal

Rời đá Subi, phi cơ P8-A hướng tới đá Chữ Thập cách đó chỉ vài phút bay. Đây được xem là nơi Trung Quốc thực hiện các hoạt động cải tạo rầm rộ nhất, thậm chí còn được mệnh danh là "tàu sân bay không thể chìm".

Từ một bãi đá san hồ lập lờ dưới sóng biển, nay đá Chữ Thập đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với một đường băng gần như hoàn chỉnh, một tòa tháp, một trạm radar cảnh báo và những doanh trại dành cho quân đội Trung Quốc. Song song với đó là những chiếc tàu hút cát vẫn đang hoạt động ngày đêm. 

Chính quyền Mỹ cho rằng, nếu các hoạt động cải tạo của Bắc Kinh tiếp tục tiếp diễn với tốc độ như trên, những bãi đá này sẽ trở thành những căn cứ quân sự chiến lược của quân đội Trung Quốc ngay giữa vùng biển "nóng" nhất thế giới.

Thách thức tất cả

Cuộc chạm trán giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng báo động. Năm 2011, máy bay do thám EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ xuất phát từ căn cứ Okinawa và thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, khoảng 80 km. Mỹ khẳng định họ hoàn toàn đang hoạt động trong không phận quốc tế. Tuy nhiên, hai máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc xuất hiện để ngăn chặn máy bay Mỹ.

Chiếc EP-3 đã va chạm với chiếc J-8. Trung Quốc ngay lập tức bắt 24 thành viên trong phi đội Mỹ, tịch thu máy bay và những thiết bị tình báo. Truyền thông Trung Quốc khi đó giận dữ tuyên bố "Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì sự việc này". Tuy nhiên, Đô đốc Mỹ Dennis Blair tuyên bố rằng máy bay Trung Quốc vô cùng hung hăng và cố tình gây hấn trước. 

Trên máy bay P8-A, các thành viên phi hành đoàn đều giữ tâm trạng bình tĩnh và tự tin. Họ đã thực hiện những chuyến bay như thế này nhiều tháng nay. Một thành viên trên máy bay chia sẻ, nhìn từ các hoạt động xây dựng này có thể thấy dường như Hải quân Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn, như thách thức tất cả". 

Sức mạnh sát thủ săn ngầm P-8A tuần tra Biển Đông

P-8A Poseidon được trang bị hệ thống cảm biến giám sát tàu chiến mặt nước và săn tàu ngầm tiên tiến cùng vũ khí đủ mạnh để hạ nhiều chiến hạm.

Mai Phương

Bạn có thể quan tâm