Fujitsu sẽ rời bỏ mảng kinh doanh smartphone, trở thành hương hiệu mới nhất bị thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt này đào thải.
Tuy nhiên, Fujitsu cũng không cần phải lo lắng, bởi có khá nhiều tên tuổi tỏ ra quan tâm đến mảng di động của họ. Quỹ đầu tư từ Tokyo là Polaris Capital Group hay CVC Capital Partners của Anh đều ngỏ ý muốn thâu tóm bộ phận này.
Fujitsu sẽ dừng sản xuất smartphone dưới áp lực của các đối thủ nước ngoài. Ảnh: Nikkei. |
Bên cạnh đó, nhiều ông lớn khác như Lenovo, Huawei hay Foxconn đều sẵn sàng tham gia đấu thầu. Vòng đầu tiên sẽ mở cửa vào tháng 9. Giá bán của mảng di động từ Fujitsu có thể ở mức gần 100 triệu USD.
Fujitsu đã ngừng phát triển và sản xuất thiết bị di động mới nhưng vẫn giữ lại các hoạt động kinh doanh. Thị phần của công ty này hiện đứng thứ 5 tại Nhật Bản.
Fujitsu tách bộ phận di động thành một công ty riêng vào tháng 2/2016, nói rằng muốn tìm kiếm một đối tác cho hoạt động kinh doanh. Dự kiến, doanh số tính theo năm của hãng này (tính đến tháng 3/2018) đạt 3,1 triệu chiếc, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh cao là 8 triệu chiếc trong năm tài khóa 2011.
Trong khi đó, Apple hiện chiếm trên 60% thị phần smartphone Nhật Bản. Việc rời bỏ mảng di động cho phép Fujitsu tập trung tối đa nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh CNTT cốt lõi.
Thị phần smartphone của Nhật Bản (tính bằng %) thời điểm tháng 7/2017, theo thống kê của StatCounter. |
Gần như tất cả các nhà sản xuất di động Nhật Bản đều đi xuống những năm gần đây. Trong số 11 công ty lớn của Nhật Bản tham gia hoạt động này vào đầu những năm 2000, hiện chỉ còn 3 hãng là Sony, Sharp (đã về tay Foxconn) và Kyocera là tiếp tục phát triển kinh doanh.
Mitsubishi Electric rút lui năm 2008, tiếp theo là Toshiba vào năm 2012. NEC và Panasonic cũng rời thị trường vào năm 2013.
Trên thị trường, các nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản đã cố gắng tách mình khỏi đám đông với việc trang bị mặc định các tính năng như chống nước hay hệ thống thanh toán thông minh. Tuy nhiên, doanh thu của họ thực sự khiêm tốn so với Apple hay Samsung. Những công ty này đều bán tổng cộng trên 100 triệu máy mỗi năm.
Nếu các nhà sản xuất Nhật Bản còn lại muốn tồn tại, họ cần tự thân vận động bằng những sản phẩm sáng tạo, dịch vụ tốt hơn, thay vì dựa vào sự giúp đỡ của các nhà mạng trong nước như thời điểm hiện tại.