Từ Facebook đến Telegram, các nhóm tiền mã hóa của Kosovo tràn ngập các bài đăng bán tháo thiết bị khai thác Bitcoin với mức giá thấp.
“Họ đang bán tháo các thiết bị của mình hoặc cố chuyển sang các nước lân cận”, CryptoKapo, nhà đầu tư kiêm quản trị viên của một số cộng đồng tiền mã hóa lớn nhất khu vực nói với Guardian.
Động thái trên diễn ra sau thông báo khẩn cấp cuối năm của chính phủ Kosovo về lệnh cấm đối với mọi hoạt động khai thác tiền mã hóa. Lệnh cấm nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này.
Biểu đồ tiêu thụ điện khai thác Bitcoin so với một số quốc gia. Ảnh: BBC |
Các thợ đào nhắm tới tới Kosovo bởi quốc gia này có giá điện rẻ nhất châu Âu, một phần do hơn 90% sản lượng điện trong nước đến từ việc đốt cháy trữ lượng than non và chính phủ trợ cấp.
Số lượng người khai thác tiền mã hóa ở Kosovo được cho là đã tăng vọt trong những năm gần đây. Các nhóm như Albanian Crypto Amateurs trên Facebook và Crypto Eagles trên Telegram đã bùng nổ với hàng nghìn thành viên mới, mặc dù vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đang khai thác hay ở quy mô nào.
Tính toán mới nhất của Đại học Cambridge cho thấy hoạt động khai thác Bitcoin toàn cầu tiêu thụ 125,96 terawatt giờ điện mỗi năm, vượt qua Na Uy (122,2 TWh), Argentina (121 TWh), Hà Lan (108,8 TWh) và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (113,20 TWh).
Trong khi đó, những ngày cuối cùng của năm 2021 tại Kosovo liên tục xảy ra mất điện trên khắp đất nước. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, nước này đã phải nhập khẩu khoảng 40% năng lượng từ thị trường quốc tế.
Người dân biểu tình phản đối cắt điện ở Pristina, thủ đô Kosovo. Ảnh: Guardian. |
“Chúng tôi đã phân bổ 20 triệu euro để trợ cấp năng lượng, đây là tiền thuế của người dân để trợ cấp cho việc tiêu thụ điện. Trong khi đó, việc khai thác tiền mã hóa lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng và không bị quản lý”, Bộ trưởng Kinh tế của Kosovo, tiến sĩ Artane Rizvanolli, cho biết.
Vào tháng 9/2021, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cấm ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa. Tại Iceland, công ty điện lực quốc gia của đất nước, Landsvirkjun, cho biết họ sẽ từ chối những người khai thác tiền mã hóa.
Hôm 14/1, một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ thông báo họ sẽ triệu tập một phiên điều trần về vấn đề này. Các công ty khai thác tiền mã hóa của Mỹ được cho là tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, tiếp đến là Kazakhstan và Nga.
“Đã đến lúc hiểu và giải quyết những tác động lớn về năng lượng và môi trường mà nó đang gây ra đối với cộng đồng và hành tinh của chúng ta”, chủ tịch ủy ban Frank Pallone và Diana DeGette, người đứng đầu hội đồng giám sát cho biết.
Alex de Vries, một nhà kinh tế học tại Paris, ước tính rằng chỉ 1/4 năng lượng sử dụng cho đào tiền mã hóa có thể tái tạo.
Kể từ khi các nhà chức trách Kosovo đưa ra quyết định, cảnh sát và nhân viên hải quan đã bắt đầu tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên, thu giữ hàng trăm máy đào Bitcoin.
“Có rất nhiều người đã đầu tư vào thiết bị khai thác tiền mã hóa và khoản tiền họ bỏ ra không nhỏ. Mọi người thậm chí đã đi vay để đầu tư và tác động bây giờ là rất tồi tệ đối với cuộc sống của họ”, cryptoKapo nói.