Trực thăng Bell 505 mang số hiệu VN-8650 trước khi gặp tai nạn. Ảnh: Minh Huy. |
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) vừa thông báo chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 245 triệu đồng cho bà Phạm Thị Bê, một nạn nhân trong vụ tai nạn rơi trực thăng Bell 505 tại Vịnh Hạ Long chiều ngày 5/4.
Cụ thể, Dai-ichi Life Việt Nam cho biết nạn nhân có tham gia một sản phẩm bảo hiểm chính và sản phẩm bảo hiểm tai nạn toàn diện nâng cao bổ sung.
Căn cứ các chứng từ y tế từ phía khách hàng cung cấp và điều khoản hợp đồng, hãng bảo hiểm quyết định chi trả tổng quyền lợi bảo hiểm cho sản phẩm chính và sản phẩm bổ sung là hơn 245 triệu đồng. Do hợp đồng không có người thụ hưởng nên công ty sẽ liên hệ hướng dẫn gia đình nạn nhân thủ tục nhận quyền lợi bảo hiểm.
Liên quan tới vụ trực thăng Bell 505 gặp nạn, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình đại tá phi công điều khiển trực thăng Bell 505 với tổng mức là 240 triệu đồng. Việc chi trả bảo hiểm được thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại MB Ageas Life mà đại tá Chu Quang Minh đã tham gia từ tháng 12/2018.
Đại diện Công ty Bảo Việt Đà Nẵng mới đây cũng xác nhận hoàn tất thủ tục và chi trả bồi thường 200 triệu đồng cho gia đình 2 nạn nhân trong vụ máy bay rơi.
Đối với hoạt động triển khai các thủ tục tạm ứng, bồi thường bảo hiểm trong vụ trực thăng rơi, hiện các đơn vị bảo hiểm đang làm thủ tục để chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách cho các nạn nhân.
Liên danh Bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH), trong đó PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu liên danh.
Chương trình bảo hiểm trong vụ việc này bao gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.
Với hành khách, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã mua bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng trực thăng với khách hàng với trách nhiệm chung cho cả tổn thương thân thể, thiệt hại tính mạng hành khách, tổn thất, thiệt hại tài sản đối với bên thứ ba, tổng giá trị bồi hoàn là 30 triệu USD/sự cố.
Tuy nhiên, mức bồi thường đối với các hành khách trong vụ việc này còn căn cứ theo thỏa thuận giữa VNH và thân nhân hành khách. Bởi theo quy định của Luật Hàng không, công ty trực thăng VNH có trách nhiệm pháp lý với hành khách còn bảo hiểm PVI là bên đứng ra bảo hiểm cho trách nhiệm đó của VNH.
Hiện, Bảo hiểm PVI đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình đại tá phi công lái trực thăng Bell 505 rơi tại Vịnh Hạ Long với số tiền là 50.000 USD, tương đương 1,18 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 150.000 USD sẽ được chi trả ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...