Trong nhiều năm gần đây, bên cạnh việc ấn hành những tác phẩm của Phạm Quỳnh và những cuốn sách nói về Phạm Quỳnh như Phạm Quỳnh - một góc nhìn (2 tập - NXB Công an Nhân dân) đều do TS sử học Nguyễn Văn Khoan chủ biên, cho thấy nhận định về nhân vật lịch sử này ngày càng theo chiều hướng rộng mở và khoa học hơn. Và cuốn Thượng Chi Phạm Quỳnh cũng nằm trong chiều hướng đó.
Cuốn Thượng Chi Phạm Quỳnh của TS Nguyễn Văn Khoan. |
Thượng Chi Phạm Quỳnh bao gồm những bài viết ngắn của người chủ biên và nhiều tác giả khác nhưng được sắp xếp có chủ ý hướng người đọc dần có một cái nhìn rõ ràng về thân thế, sự nghiệp của nhân vật lịch sử này cùng cái án mà ông đã phải chịu vào những ngày đầu Cách mạng tháng Tám ở Huế nơi ông cư trú sau khi rời ghế thượng thư ở triều đình. Ngay từ trang đầu, người chủ biên đã trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với gia đình Phạm Quỳnh vào tháng 9.1945 sau khi Phạm Quỳnh mất: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”. Việc trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngay đầu cuốn sách đã như một luồng ánh sáng soi rõ cho người đọc tìm đến những trang viết trong cuốn sách.
Bài báo Về cuộc gặp mặt giữa Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Cao Văn Sến, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh năm 1922 tại Paris (Pháp) của nhà báo Thủy Trường - Hội Nhà báo Việt Nam, trong cuốn sách, là một bài báo cung cấp được một thông tin chính xác về cuộc gặp gỡ tại Paris giữa Phạm Quỳnh với Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bài báo còn đưa ra quan điểm về một Việt Nam tương lai của cụ Phan Châu Trinh, của Bác Hồ, của Nguyễn Văn Vĩnh và của Phạm Quỳnh tuy khác nhau nhưng đều xuất phát từ lòng yêu nước của mỗi người. Ý thức được rõ ràng lòng yêu nước không của riêng ai, Bác Hồ đã có ý định sử dụng những tên tuổi này vào đúng chỗ khi cách mạng thành công. Nên khi nghe tin báo từ Huế rằng, Phạm Quỳnh đã bị xử tử, Bác Hồ đã trầm ngâm rồi nói: “Các chú làm hỏng việc rồi…”. Và từ đó, khi gia đình Phạm Quỳnh ra Hà Nội gặp Bác Hồ, Bác mới có câu nói mà người chủ biên trích ở đầu cuốn sách.
Cuốn sách đã đưa vào những bài viết như Giở chồng báo cũ tạp chí Nam Phong, Quan niệm của nhà báo Phạm Quỳnh về nghề báo, Ông tổ báo Tết Phạm Quỳnh để phần nào cho người đọc hình dung ra được sự nghiệp đáng kể của nhân vật lịch sử.
Tuy nhiên, những điểm nhấn thì luôn nhấn vào sự việc mà Phạm Quỳnh phải lãnh chịu, để xoáy lên câu hỏi: Có nên làm thế chăng? Điều này lại cho thấy rõ hơn trong quan điểm đoàn kết dân tộc của Bác Hồ qua bài Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới cũng của nhà báo Thủy Trường. Bởi thế trong chuyện đáng tiếc với Phạm Quỳnh, Bác cũng đã nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi gì? Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp… đó không phải là người xấu”.
Cuốn Phạm Quỳnh những góc nhìn từ Huế. |
Đọc Thượng Chi Phạm Quỳnh cho thấy, lịch sử thật công bằng mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng viết trong bài báo Thời gian như thứ thuốc hiện hình in trên Lao Động Cuối tuần: Nhưng danh tiếng của nhà văn hóa ấy ngày được khẳng định, tự nó cũng nói lên một điều gì đó về sức mạnh của thời gian. Cho đến nay, rất nhiều tác phẩm của ông đã được in lại. Hơn nữa, còn cho thấy sức làm việc và theo đuổi công việc này của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan thật kiên trì và thật đáng trân trọng. Tôi có may mắn được biết ông Nguyễn Văn Khoan từ khi ông còn ở Binh chủng thông tin cùng tôi. Đối với lứa văn nghệ chúng tôi trong binh chủng hồi ấy như Nguyễn Duy, Phạm Đức, Phạm Khắc Vinh, Quang Chuyền … và tôi, ông là bậc đàn anh, là người tập hợp và tổ chức toàn cảnh hoạt động văn nghệ binh chủng thời bấy giờ. Khi về hưu, ông vẫn âm thầm theo đuổi nghề sử mà ông yêu thích. Và ông đã biên soạn được rất nhiều cuốn sách lịch sử có giá trị.
Dù tuổi đã cao, cống hiến của ông luôn khích lệ chúng tôi noi theo. Cùng với Thượng Chi Phạm Quỳnh, Nhà xuất bản Thuận Hóa cũng ấn hành cuốn Phạm Quỳnh - những góc nhìn từ Huế của nhiều tác giả do Dương Hoàng chủ biên. Trong cuốn sách, có nhiều bài viết về các tập sách Phạm Quỳnh - một góc nhìn do Nguyễn Văn Khoan chủ biên. Hẳn đây cũng là sự khẳng định lòng yêu nước của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan.