Lợi nhuận ròng của BP đạt 27,7 tỷ USD trong năm 2022, gấp đôi năm 2021. Ảnh: Bloomberg. |
CNBC đưa tin ngày 7/2, gã khổng lồ dầu mỏ BP của Anh đã báo cáo lợi nhuận năm 2022 cao kỷ lục. Hãng kiếm về gấp đôi năm 2021 nhờ giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Cụ thể, lợi nhuận chi phí thay thế cơ bản của BP - đại diện cho lợi nhuận ròng - đạt 27,7 tỷ USD trong năm 2022. Một năm trước đó, con số này chỉ là 12,8 tỷ USD.
Các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát dự báo lợi nhuận ròng của BP ở mức 27,6 tỷ USD trong năm ngoái. Mức lãi kỷ lục trước đó của tập đoàn là 26,3 tỷ USD, đạt được hồi năm 2008.
Lợi nhuận tăng gấp đôi
Riêng trong quý IV/2022, BP ghi nhận lợi nhuận ròng 4,8 tỷ USD, cao hơn một chút so với mức dự báo 4,7 tỷ USD. Tính từ đầu năm nay, giá cổ phiếu của hãng đã tăng 0,8%.
Tuần trước, tập đoàn dầu khí Anh Shell cũng báo cáo lãi tổng cộng 39,9 tỷ USD trong năm ngoái, vượt kỷ lục 28,4 tỷ USD hồi năm 2008 và gấp đôi lợi nhuận năm 2021 (19,29 tỷ USD). Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận đã điều chỉnh của Shell đạt 9,8 tỷ USD.
Hôm 31/1, Exxon Mobil báo cáo lợi nhuận năm 2022 đạt 56 tỷ USD, đánh dấu mức lời cao nhất trong ngành dầu mỏ phương Tây. Còn Chevron báo lãi kỷ lục 36,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Khoản lời khổng lồ của ngành công nghiệp dầu khí khiến nhiều người bất bình. Họ kêu gọi áp thuế thu nhập bất thường đối với các đại gia dầu mỏ.
BP và Shell đều ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi năm trước. Ảnh: Bloomberg, Reuters. |
"Lợi nhuận hàng năm của Shell đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái. Trong khi đó, hàng triệu người đang phải lựa chọn giữa đồ ăn và sưởi ấm. Thật đáng kinh ngạc", CNBC dẫn lời bà Sana Yusuf - một nhà vận động khí hậu tại Friends of the Earth - chỉ trích.
"Mọi người có thể dễ dàng nhận ra sự bất công. Họ phải trả chi phí nhiên liệu đắt đỏ, còn các công ty dầu khí kiếm lời hàng tỷ USD", bà nói thêm.
Tại Anh, thuế thu nhập bất thường đã được thông qua vào năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm vận động hành lang ngành dầu khí của nước này cảnh báo rằng các loại thuế mới sẽ đe dọa những kế hoạch đầu tư.
Tìm cách duy trì đà tăng trưởng
Trong những quý qua, lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí lớn cũng tìm cách duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. Họ nhấn mạnh rằng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine là lời khẳng định cho tầm quan trọng của việc giải quyết "bộ 3 bất khả thi".
"Bộ 3 bất khả thi" là thuật ngữ được Hội đồng Năng lượng thế giới đưa ra, bao gồm sự bình đẳng năng lượng (trong các vấn đề như khả năng chi trả), an ninh và ổn định năng lượng, tính bền vững về mặt môi trường.
Năm 2020, BP đặt mục tiêu trở thành công ty không phát thải ròng vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Mới đây, tập đoàn dự đoán rằng đến giữa thế kỷ này, thị phần của dầu và khí đốt trên thị trường năng lượng toàn cầu sẽ giảm đi đáng kể.
Theo dự báo của công ty, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch được dùng làm nguồn năng lượng chính sẽ giảm từ 80% vào năm 2019 xuống 20-50% trong năm 2050.
Trong khi đó, tỷ lệ của năng lượng tái tạo được dự báo sẽ tăng từ 10% lên 35-65% cùng giai đoạn.
Shell cũng đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp không phát thải ròng vào năm 2050. Tập đoàn cho biết thu nhập đã điều chỉnh của bộ phận Giải pháp Năng lượng và Tái tạo đạt 293 triệu USD trong 3 tháng cuối năm 2022, giảm từ 383 triệu USD ở quý III.
Nhưng ông Mark van Baal - sáng lập tập đoàn Hà Lan Follow This - khẳng định Shell không thể tuyên bố rằng mình đang ở trong quá trình chuyển đổi, chừng nào các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn cao hơn những khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Theo ông, phần lớn khoản đầu tư của Shell vẫn gắn với các hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.