Từ tháng 7, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã sử dụng “gậy tự sướng” và máy tính bảng để ghi số điện. Thế nhưng giải pháp nhằm minh bạch hóa thông tin bằng các thiết bị điện tử xa xỉ tiền tỷ này của EVN Hà Nội đang bị khách hàng nghi ngờ sẽ làm tăng giá bán điện thời gian tới.
Vài ngày nay, người dân Hà Nội ngạc nhiên, tò mò với kiểu ghi chỉ số điện mới của “nhà đèn”. Bởi hình ảnh một thợ điện trèo thang đọc số công tơ, một thợ điện đứng dưới đất cầm sổ ghi số trước đây đã được thay thế bằng hai thợ điện cùng đứng dưới đất, một người cầm một thiết bị như “gậy tự sướng” chụp màn hình công tơ điện, người còn lại cầm máy tính bảng lưu lại các dữ liệu vừa chụp.
Ông Thành, trú ở khu tập thể Nam Thành Công (quận Ba Đình) cho hay, cách làm mới này rất tiện lợi, người dân cũng có thể cùng đứng xem chỉ số công tơ của mình. Còn các nhân viên “nhà đèn” nhàn tênh, không còn phải leo trèo, rồi người phía trên hét đọc chỉ số cho người phía dưới.
Sáng 8/7, trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng ban Quan hệ công chúng, EVN Hà Nội khẳng định, từ tháng 7, EVN Hà Nội chính thức áp dụng phương pháp sử dụng công nghệ tiên tiến ghi chỉ số điện. Theo đó, bộ ghi chỉ số gồm một cây gậy sắt có cách điện, có thể tùy ý thay đổi độ dài và một máy tính bảng. Ở một đầu gậy có mũ giống như chụp đèn bàn học sinh, bên trong có gắn camera và đèn led phát sáng công suất nhỏ.
“Cây gậy” có khả năng chụp ảnh màn hình công tơ điện và truyền hình ảnh qua kết nối không dây về máy tính bảng. Trong máy tính bảng có cài sẵn phần mềm tính toán luôn chỉ số điện của khách hàng dùng trong tháng, hết bao nhiêu tiền. Kết quả hiển thị trên màn hình ngay lập tức nên khách hàng có thể xem ngay khi công nhân đi ghi chỉ số công tơ.
“Với kết cấu như một chiếc “gậy tự sướng”, bộ ghi chỉ số giúp công nhân của EVN Hà Nội chỉ cần đứng dưới đất là ghi được số điện, thay vì phải leo trèo như trước đây. Bộ thiết bị này giúp cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Đồng thời, bất cứ khi nào khách hàng khiếu nại hoặc có nguyện vọng xem lại chỉ số đều được xem file ảnh đã được chụp chỉ số công tơ. File ảnh này sẽ lưu lại chi tiết ngày, giờ, tháng, năm đã ghi chỉ số công tơ”, bà Phương cho hay.
Từ tháng 7, EVN Hà Nội triển khai ghi chỉ số điện bằng thiết bị công nghệ. |
Theo bà Phương, hiện EVN Hà Nội có 1.300 “gậy tự sướng” ghi chỉ số công tơ điện, lập các hóa đơn tiền điện trong tháng 7 này. “Gần như 100% khách hàng của EVN Hà Nội đều sẽ được đọc chỉ số công tơ bằng công nghệ tiên tiến này, trừ một số rất ít công tơ nằm ở vị trí quá khó, không thể đưa camera vào chụp, buộc nhân viên điện lực phải trèo lên tận nơi”, bà Phương nói.
Có tính vào giá điện?
Trước câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc chi phí cho một “gây tự sướng” cùng máy tính bảng hết bao nhiêu tiền, việc áp dụng công nghệ mới sẽ giảm được bao nhiêu người ghi tiền điện thủ công, giảm được bao nhiêu giờ đi thu tiền điện và có đủ bù cho khoản chi cho phương pháp ghi chỉ số điện mới này không, bà Nguyễn Thu Phương cho hay, EVN Hà Nội chưa có tính toán cụ thể.
Theo thông tin từ các kỹ sư điện tử, giá một thiết bị gồm “gậy tự sướng” và máy tính bảng để đi ghi chỉ số điện như EVN Hà Nội đang áp dụng khoảng 4-5 triệu đồng. Như vậy, với 1.300 “gậy tự sướng”, EVN Hà Nội có thể đã phải chi khoảng 5,2-6,5 tỷ đồng. Theo dự tính, nếu Hà Nội hoàn thành 100% công tơ được ghi bằng “gậy tự sướng”, tức 2,5 triệu công tơ, số lượng máy tính bảng và “gậy tự sướng” phải lên tới 5.000 bộ, nghĩa là EVN Hà Nội có thể phải chi tới hàng chục tỷ đồng.
“Khoản chi này chắc chắn phải tính vào giá điện”, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế khẳng định. Tuy nhiên, ông Long cũng hy vọng “gậy tự sướng” sẽ giúp nâng cao năng suất, giảm được số người, số giờ đi ghi chỉ số điện kiểu thủ công của EVN, để bù đắp đủ, thậm chí “có lãi” cho khoản chi tiền tỷ cho “gậy tự sướng” kia.
Ông Ngô Trí Long cũng đề xuất, để giảm chi phí ghi tiền điện thủ công, ngành Điện nên áp dụng giải pháp dùng công tơ điện tử có thể ghi số từ xa. Tuy nhiên, với chi phí trung bình 600.000 - 700.000 đồng/công tơ điện tử, thì với khoảng 22 triệu hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt hiện nay, số tiền thay công tơ điện tử có thể lên đến 10.000 tỷ đồng và tất cả chi phí này sẽ tính vào giá điện.