- Ngày 8/5, 65 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng được ghi nhận ở nhiều địa phương
- Trong khi Đà Nẵng phong tỏa thêm một khu chợ thì Vĩnh Phúc phải phong tỏa một bệnh viện - nơi F0 từng đến. Thừa Thiên - Huế có 4 địa phương phải giãn cách xã hội...
- Tính từ 29/4, Việt Nam phát hiện tổng cộng 241 người mắc Covid-19.
-
Vĩnh Phúc phong tỏa một bệnh viện nơi F0 từng đến
Đêm 7/5, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly y tế với toàn bộ Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc từ 0h ngày 8/5. Quyết định này được đưa ra sau khi có đề xuất phong tỏa bệnh viện của UBND xã Định Trung (TP Vĩnh Yên).
Nguồn tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết bệnh viện này được yêu cầu cách ly y tế sau khi ghi nhận nhiều trường hợp F1 bên trong bệnh viện.
Trao đổi với Zing sáng 8/5, lãnh đạo Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc cho biết bệnh viện phải phong tỏa vì có trường hợp F0 từng vào bệnh viện. Cụ thể, vợ và mẹ đẻ của một bệnh nhân từng đến bệnh viện này để chăm người thân ốm. Hai người phụ nữ sau đó đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và đều được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Vụ việc khiến nhiều nhân viên y tế và bệnh nhân bên trong Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc trở thành F1, F2. Hiện, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm cho 230 người bên trong viện. Có 60 mẫu đã được xác định âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
3 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phải khoanh vùng, cách ly bên trong bệnh viện vì nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Ngọc Tân.
-
'Nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội rất lớn'
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá dịch bệnh tại TP đang có nguy cơ bùng phát rất lớn bởi các ca mắc ngoài cộng đồng và đặc biệt là hai chùm ca bệnh tại hai bệnh viện do Bộ Y tế quản lý.
Hai cơ sở y tế này đã lây nhiễm cho cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nhiều ca mắc của các địa phương khác liên quan đến Hà Nội, có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người. Trong khi đó, tình hình người nước ngoài nhập cảnh trái phép gia tăng trong thời gian vừa qua.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) bị phong tỏa sau khi phát hiện nhiều ca mắc Covid-19. Ảnh: Phạm Thắng.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu toàn bộ cơ quan, đơn vị từ thành phố xuống cơ sở quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, phòng, chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ông yêu cầu ngành y tế TP tổng rà soát tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn bảo đảm công tác an toàn phòng chống dịch; yêu cầu các bệnh viện phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Ông cũng yêu cầu đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực phục vụ chống dịch trong giai đoạn tới.
-
Đà Nẵng phong tỏa thêm khu chợ vì ca nghi nhiễm nCoV
Sáng 8/5, UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) phối hợp cơ quan chức năng phong tỏa chợ Hòa Khánh ở đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu). Thời gian tạm dừng hoạt động khu chợ từ ngày 8/5 đến khi có thông báo mới.
Ngành y tế đang chuẩn bị tiến hành khử khuẩn và lên kế hoạch xét nghiệm cho hơn 100 tiểu thương của chợ này. Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn tại các tuyến đường vào chợ, mọi người không có nhiệm vụ không được vào trong.
Đại diện lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cho biết quyết định phong tỏa chợ Hòa Khánh được ban hành khi ngành y tế nghi nhận một trường hợp vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Người này tên L.T.D. (nữ, 30 tuổi, trú tại đường Lê Hiến Mai, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Chị D. sống cùng 8 người trong gia đình gồm cha, mẹ, anh, chị và 4 trẻ em. Chị là đồng nghiệp của bệnh nhân 3131, được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19 tối ngày 7/5.
-
Lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm cho người ở Bệnh viện K
Thông tin này được Bệnh viện K đưa ra vào sáng 8/5. Trong ngày 7/5, cơ sở y tế này đã lấy tổng cộng hơn 1.000 mẫu xét nghiệm cho những người đang cách ly tại đây. Sau khi làm việc xuyên đêm, sáng nay, 337 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, trong đó có 169 F1.
Tính đến 6h ngày 8/5, ổ dịch Bệnh viện K đã ghi nhận tổng cộng 12 ca mắc Covid-19. Trong đó, một trường hợp từng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là nguồn lây cho những người khác.
Đặc biệt, một người nhà bệnh nhân được phát hiện dương tính tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Trường hợp này chưa được Bộ Y tế công bố.
-
'Dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào'
Trong buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, với bất cứ người nào. Do đó, ông kêu gọi đồng bào cả nước, trong đó có cử tri Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh có biên giới với Campuchia, nêu cao cảnh giác. Chống hai khuynh hướng là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Ông nhấn mạnh đây là lúc cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình thực tế, quy định của Đảng, Nhà nước, các địa phương cần chủ động phòng chống dịch để giữ ổn định chính trị, an ninh trật tự, an dân, an toàn, an ninh.
Chính phủ cũng đang chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, lấy tấn công là chính để đẩy lùi đại dịch. Cụ thể, tư tưởng vẫn là phải phòng bệnh, đề phòng, Lấy phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống là thường xuyên, đột xuất, vào cuộc quyết liệt.
"Theo thống kê của các nhà khoa học, cứ 10 người vào viện điều trị trên một triệu dân thì được coi là nước có dịch. Việt Nam chưa tới mức độ như vậy nhưng nếu cứ lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, không tự giác thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng có dịch, phải giãn cách xã hội thì rất nguy hiểm", Thủ tướng nhận định.
Ảnh: Thuận Thắng.
-
'Đợt dịch phức tạp do đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng'
Theo nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, các bệnh viện lớn thường có sự hợp tác, hỗ trợ và hội chẩn qua lại. Các bệnh nhân, nhất là người có bệnh lý nền cũng thường xuyên được luân chuyển giữa các cơ sở y tế.
Vì vậy, bác sĩ Khanh bày tỏ lo ngại khi Covid-19 đã lan sang Bệnh viện K. Chuyên gia này cho biết bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch yếu nên dễ bị virus tấn công.
"Đây cũng là bài học trong quản lý cách ly, người ra vào bệnh viện và minh chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện một khi Covid-19 vào bệnh viện, mức độ lây nhiễm sẽ rất khủng khiếp", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định.
Chuyên gia này đánh giá đợt dịch này phức tạp hơn, khó lường hơn rất nhiều do xuất hiện đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng. Điều đáng lo ngại là virus có chiều hướng cũng tấn công khoa hồi sức bệnh nặng.
Quân đội phun khử khuẩn Bệnh viện K Tân Triều, chiều 7/5. Ảnh: Phạm Thắng.
-
Hải Phòng phong tỏa 2 thôn vì ca dương tính nCoV liên quan Bệnh viện K
Sáng 8/5, ông Lương Văn Công, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cho biết địa phương đã khoanh vùng, phong tỏa 2 thôn tại xã Tiên Thắng liên quan lịch trình ca dương tính SARS-CoV-2. Người bệnh là ông P.V.T. (54 tuổi, trú khu 6, Lộc Trù, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng).
Kết quả điều tra dịch tễ xác định từ ngày 28/4 đến 4/5, ông T. đi chăm sóc vợ là bà N.T.B. tại phòng 712, tầng 7, khoa Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Ngày 4/5, ông P.V.T. đón xe của nhà xe Bích Đoàn tại cửa Bệnh viện K3 Hà Nội về nhà tại xã Tiên Thắng. Về nhà, ông T. tiếp xúc với hơn 20 người thân và một số hàng xóm.
Ngày 5/5, ông lái xe máy lên Khoa Nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp gặp bác sĩ sau đó trở về. Trưa cùng ngày, ông ăn cơm cùng 8 người thân trong gia đình. Đến chiều, ông gặp và tiếp xúc với con và nhiều người quen.
Ngày 6/5, ông đi phụ xây tại xã Toàn Thắng, có tiếp xúc với nhiều người. Sáng 7/5, ông này đi chợ mua thịt gà. Trưa cùng ngày, ông đi khai báo y tế và được đưa đi cách ly tập trung.
Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã phun khử khuẩn diện rộng tại các hộ gia đình có F1 liên quan. Qua truy vết xác định sơ bộ có 54 trường hợp F1, hơn 100 trường hợp F2 liên quan.
Kết quả xét nghiệm lần 1 xác định ông P.V.T. dương tính với SARS-CoV-2. Vợ ông và những người thuộc diện F1, F2 âm tính. Huyện Tiên Lãng đã cho toàn bộ học sinh, các cơ sở giáo dục tại xã Tiên Thắng được nghỉ học, các khu chợ dân sinh tạm thời dừng hoạt động.
-
Vĩnh Phúc đình chỉ Phó giám đốc Sở Y tế
Theo nguồn tin của Zing, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ công tác với ông Nguyễn Khắc Lập, Phó giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, để làm rõ khuyết điểm trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đến nay, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Lập là cán bộ cấp cao nhất của Vĩnh Phúc bị đình chỉ vì mắc khuyết điểm trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ông Lập, 6 cán bộ khác đã bị đình chỉ là một chủ tịch huyện, một chủ tịch phường, 2 trưởng công an phường, 2 cán bộ cơ sở, do lơ là trách nhiệm trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Trao đổi với Zing, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, được giao trực tiếp điều hành công việc tại Sở Y tế Vĩnh Phúc.
-
Nhiều tỉnh giám sát người về từ Bệnh viện K Tân Triều
Sau khi Hà Nội ghi nhận các ca mắc mới từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bắc Ninh đã ra thông báo khẩn về việc giám sát, quản lý người trở về từ bệnh viện này từ ngày 22/4 đến nay. Những người này phải thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, đồng thời cung cấp số điện thoại những người đã từng tiếp xúc với mình.
Cùng ngày, Hải Dương yêu cầu người dân từng đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ ngày 16/4, phải khai báo y tế. Trạm y tế xã lập danh sách theo dõi và báo về trung tâm y tế cấp huyện.
Người từng đến Bệnh viện K cách ly nghiêm ngặt tại nhà 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến hoặc ở bệnh viện; lấy mẫu gộp gia đình xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần.
Nhiều tỉnh rà soát người về từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng.
Hải Dương cũng yêu cầu những người từng đến Khoa ngoại gan-mật-tụy được coi là F1 phải thực hiện cách ly tập trung tối thiểu 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến hoặc ở khoa, sau đó tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Người có tiếp xúc gần với các trường hợp F1 được coi là F2 và tạm thời cách ly nghiêm ngặt tại nhà theo quy định và lấy mẫu gộp những người này trong cùng khu vực (thôn, xóm, xã) để xét nghiệm.
Tại Phú Thọ, Sở Y tế tỉnh yêu cầu tất cả các trường hợp bệnh nhân đến khám hoặc điều trị nội trú, người chăm nuôi bệnh nhân, người đến thăm bệnh nhân tại 3 cơ sở Bệnh viện K kể từ ngày 16/4 tới nay liên hệ ngay đến Trạm Y tế gần nhất, hoặc Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của xã/phường/thị trấn, hoặc tổ Covid cộng đồng ở nơi lưu trú để khai báo y tế, được tư vấn và hỗ trợ.
Tại Bắc Giang, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương, thần tốc rà soát tất cả những người từng đến 3 cơ sở Bệnh viện K trong khoảng thời gian từ ngày 17/4 đến 7/5 và đã về địa phương.
Với những người này, ngành y tế địa phương thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần (lần đầu ngay khi phát hiện về địa phương), cách ly tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến/ở bệnh viện, sau đó tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo.
Riêng những người từng đến các khoa, phòng có ghi nhận người mắc Covoid-19 thì lấy mẫu xét nghiệm, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như những người có tiếp xúc gần với người dương tính theo quy định.
-
Đà Nẵng thu dung bệnh viện GTVT làm nơi điều trị ca mắc Covid-19
Sáng 8/5, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương sử dụng Bệnh viện Giao thông Vận tải (đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu) làm cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Hiện, trên địa bàn Đà Nẵng có Bệnh viện Phổi là nơi cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Lãnh đạo Đà Nẵng lý giải việc thu dung thêm bệnh viện vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phước tạp. Sáng nay, ngành y tế địa phương ghi nhận thêm 2 ca nhiễm nCoV.
Bệnh viện Giao thông Vận tải Đà Nẵng. Ảnh: Đ.N.
-
Huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cách ly hơn 60 hộ dân
Trưa 8/5, Chủ tịch huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) Dương Quốc Lâm cho Zing biết địa phương vừa thiết lập vùng cách ly y tế đối với một số khu vực ở khu 7, xã Tân Phương để phòng chống dịch Covid-19. Chỉ đạo được đưa ra sau khi nơi đây xuất hiện ca bệnh đầu tiên mắc Covid-19.
“Bệnh nhân này đi thăm người thân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội”, ông Lâm nói và cho biết lãnh đạo huyện nhận được kết quả xét nghiệm dương tính của ca mắc vào khoảng 22h ngày 7/5.
Ngay trong đêm, huyện lập tức huy động lực lượng chức năng thần tốc truy vết và xác định được gần 70 F1 của ca bệnh. Sau khi sàng lọc, địa phương đưa đi cách ly tập trung hơn 60 người và tiếp tục rà soát để truy vết. Cũng theo ông Lâm, khu vực vừa thiết lập vùng cách ly nằm trong một quả đồi biệt lập, gồm hơn 60 hộ dân.
Hiện, UBND huyện đã bố trí 4 chốt liên ngành để kiểm soát 24/24 nhằm phòng dịch.
-
Thái Bình có ca dương tính nCoV liên quan Bệnh viện K
Sáng 8/5, hệ thống xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thái Bình ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Đây là công dân xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ), đã điều trị tại Bệnh viện K.
Bệnh nhân trở về địa phương vào ngày 5/5. Sau khi nhận thông tin trên, ngày 7/5, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm trong đêm. Kết quả cho thấy người này dương tính với SARS-CoV-2. Ngành chức năng Thái Bình đang điều tra, truy vết F1, F2 và triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống dịch.
-
Bắc Giang tìm người đến địa điểm liên quan ca nhiễm nCoV
Sáng 8/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang có báo cáo về một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Người này ở thôn Phượng Lạn 3, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và vừa từ Bệnh viện K trở về Bắc Giang ngày 5/5.
Qua điều tra dịch tễ của bệnh nhân, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đề nghị tất cả những người đã đến các địa điểm và thời gian sau cần gọi điện thoại đến cơ quan y tế gần nhất hoặc đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ. Các địa điểm gồm:
- Đi chuyến xe khách Nước Ngầm - Lục Ngạn, từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) về huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, lúc 16h30 ngày 5/5.
- Mua thịt ở hàng có tên Lên Sang tại Phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, lúc 7h30 ngày 6/5.
- Cửa hàng nhà chị Hoan tại thôn Phượng Lạn 3, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, từ 16h30 ngày 5/5 đến 10h ngày 7/5.
Bắc Giang rà soát các trường hợp liên quan ca nhiễm nCoV. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
-
Hơn 9.000 người ở Bắc Ninh đang cách ly
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế sáng 8/5, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Mai Hoa cho biết từ ngày 29/4, toàn tỉnh ghi nhận 46 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Ngoài ra, Bắc Ninh đã rà soát được gần 12.500 người có liên quan các bệnh nhân trên. Trong đó, gần 1.000 là F1, hơn 6.000 F2, số còn lại là F3.
Theo bà Hoa, 43 bệnh nhân Covid-19 của Bắc Ninh được phát hiện trong tỉnh. Riêng chiều 7/5, địa phương này ghi nhận 31 ca. Hiện Thuận Thành là huyện có số người nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất tại Bắc Ninh với 37 ca, Tiên Du (5), Từ Sơn (2), TP Bắc Ninh (1) và Lương Tài (1).
Các bệnh nhân này chủ yếu bị lây nhiễm trong cộng đồng, liên quan ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).
Hiện toàn tỉnh có gần 9.000 người đang cách ly phòng dịch, trong đó gần 7.800 người cách ly tại khách sạn và nơi cư trú. Bắc Ninh cũng đang có 16 xóm, khu phố thực hiện cách ly.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Y tế. Ảnh: Phạm Thắng.
-
Hải Phòng áp dụng Chỉ thị 19 với một xã có ca dương tính nCoV
Ngày 8/5, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ký văn bản chỉ đạo một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch sau khi thành phố này ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 ở xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng.
Theo đó, Chủ tịch Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn, quyết định và thực hiện phong tỏa đối với một số hộ gia đình gần với hộ gia đình có ca dương tính. Lãnh đạo Hải Phòng cũng chỉ đạo áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng đối với thôn Mỹ Lộc và thôn Lộc Trù, xã Tiên Thắng; thực hiện Chỉ thị số 19 đối với xã Tiên Thắng.
Ca dương tính với SARS-CoV-2 ở huyện Tiên Lãng là ông P.V.T. (54 tuổi, trú khu 6, Lộc Trù, xã Tiên Thắng). Kết quả điều tra dịch tễ xác định từ ngày 28/4 đến 4/5, ông T. đi chăm sóc vợ tại Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).
Từ ngày 4/5 đến ngày 7/5, ông di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Chỉ thị 19 yêu cầu tạm ngừng các hoạt động, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng và không mở cửa cơ sở dịch vụ chưa cần thiết như khu vui chơi giải trí, làm đẹp, quán karaoke, massage, bar, vũ trường.
-
Toàn bộ cán bộ một xã ở Bắc Ninh là F1
Ông Nguyễn Xuân Đương, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết trong 34 ca dương tính ở xã Mão Điền, có một bệnh nhân là cán bộ hành chính công của xã. Ngoài ra, toàn bộ cán bộ xã Mão Điền hiện là F1. Công an huyện Thuận Thành có 47 cán bộ, chiến sĩ làm căn cước công dân thuộc diện F2. Đối với xã Xuân Lâm, toàn bộ cán bộ xã đang thuộc diện F2.
Toàn huyện Thuận Thành đã truy vết được tổng cộng 150 trường hợp F1, 800 F2. Ngay trong đêm 7/5, hơn 100 cán bộ y tế làm việc xuyên đêm để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ hơn 15.600 nhân khẩu ở xã Mão Điền. Tính đến 6h ngày 8/5, họ đã lấy 11.584 mẫu xét nghiệm.
Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, chỉ trong buổi chiều 7/5 cơ quan này phát hiện 31 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 14 ca đã được Bộ Y tế công bố trong bản tin sáng 8/5; 17 ca khác đang chờ công bố (tất cả đều ở huyện Thuận Thành).
Hiện, Thuận Thành là huyện có số bệnh nhân cao nhất với tống số 37 ca bệnh. Các bệnh nhân chủ yếu lây trong cộng đồng, liên quan ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Trong đó, riêng "ổ dịch" ở xã Mão Điền ghi nhận 34 ca mắc Covid-19.
-
Hải Phòng dừng hoạt động khách sạn, nhà nghỉ sau ca dương tính nCoV
Ngày 8/5, Thành ủy Hải Phòng ra thông báo về ý kiến về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch sau khi thành phố này xuất hiện ca dương tính với nCoV ở huyện Tiên Lãng có lịch trình di chuyển phức tạp.
Theo đó, Thường trực Thành ủy Hải Phòng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố và các địa phương nâng cấp độ phòng, chống dịch bệnh lên mức cao nhất; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống, mức độ của dịch bệnh.
Cụ thể, cần thực hiện các biện pháp:
- Dừng hoạt động của các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú; các vườn hoa, công viên và các hoạt động, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh, các hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf; các khu du lịch, các điểm vui chơi, giải trí.
- Khẩn trương mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ, vật tư, hóa chất kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch.
- Rà soát, củng cố năng lực tiếp nhận, điều trị của các cơ sở y tế và các khu vực cách ly y tế tập trung. Chuẩn bị ngay các điều kiện để sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến ứng phó với tình huống dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
- Tập trung toàn bộ lực lượng, khẩn trương truy vết, thống kê các trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca dương tính, nghi nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Ca dương tính với SARS-CoV-2 ở huyện Tiên Lãng là ông P.V.T. (54 tuổi, trú khu 6, Lộc Trù, xã Tiên Thắng). Kết quả điều tra dịch tễ xác định từ ngày 28/4 đến 4/5, ông T. đi chăm sóc vợ tại Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Từ ngày 4/5 đến ngày 7/5, ông di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.
Nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Hải Phòng bị phong tỏa vì 2 ca mắc Covid-19. Ảnh: Nguyễn Dương.
-
Giải cứu dưa cho người dân vùng phong tỏa
Nằm trong vùng phong tỏa vì có ca mắc Covid-19, hàng chục hộ dân trồng dưa ở thôn Việt Yên, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đứng ngồi không yên vì hàng chục tấn dưa hấu, dưa gang, dưa lê… đến kỳ thu hoạch có nguy cơ vứt bỏ vì không thể thu hoạch để bán.
Theo người dân địa phương, trước khi chưa có dịch, các loại dưa hấu, dưa gang, dưa lên bán giá từ 8.000-15.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu chính của người dân khu vực vực này.
Theo thống kê, toàn xã Việt Yên có hơn 3 ha dưa các loại, sau khi bị phong tỏa do dịch Covid-19, có khoảng 16 hộ với gần 7 tấn dưa cần "giải cứu". Biết người dân gặp khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh khởi xướng phối hợp với chính quyền địa phương chung tay giải cứu dưa cho người dân thôn Việt Yên.
Sau hai ngày đăng tin kêu gọi, gần 7 tấn dưa các loại của gần 20 hộ dân ở thôn Việt Yên đã được người dân trong tỉnh “giải cứu”. Nhiều chuyến ôtô tải cỡ nhỏ đến nhận chở hàng chục bì tải đựng nhiều loại dưa về tập kết tại trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Hà để trung chuyển dưa đi các nơi khác.
“Qua nhiều kênh tương tác trên mạng xã hội, các hội viên phụ nữ các cấp trong tỉnh, Hội phụ nữ những đơn vị như công an, quân đội... cũng gọi điện, nhắn tin để đặt mua, ít nhất là vài chục kg, nhiều nhất hơn một tạ. Số dưa của bà con trong vùng phong tỏa vì thế cũng dần được bán hết. Tiền từ việc bán dưa sẽ được gửi lại xã để trả lại người dân”, bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện Thạch Hà, cho hay.
-
Thừa Thiên - Huế giãn cách xã hội 4 địa phương
Chiều 8/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận tỉnh này tiến hành giãn cách xã hội đối với 4 địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Những địa phương giãn cách xã hội gồm: Thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc). Việc giãn cách này bắt đầu từ 0h ngày 9/5.
Trước diễn biến dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho học sinh toàn tỉnh được cho nghỉ học. Riêng các trường học, đại học, cao đẳng sẽ lên phương án dạy học online.
Thừa Thiên - Huế đã cho kích hoạt lại tất cả 8 chốt kiểm tra y tế liên ngành để kiểm soát người và phương tiện đến tỉnh. Cơ quan chức năng cũng kích hoạt lại hệ thống đăng ký người từ nơi khác về địa phương qua ứng dụng Hue-S.
Song song đó, tỉnh chỉ đạo tạm dừng tuyến xe buýt từ thị trấn Lăng Cô, huyện Phong Điền đến TP Huế và ngược lại; đồng thời dừng tất cả vận tải hành khách từ các địa phương có dịch đến tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhà chức trách cũng yêu cầu người dân trên địa tỉnh bàn hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc.
Thừa Thiên - Huế lập trạm kiểm dịch ở chân đèo Hải Vân. Ảnh: Điền Quang.
-
12/30 quận, huyện của Hà Nội đang có khu vực phong tỏa
-
Đà Nẵng, Vĩnh Phúc thêm ca mắc Covid-19
Chiều 8/5, Đà Nẵng ghi nhận thêm 6 ca mắc Covid-19. Trong số đó có 4 người làm việc văn phòng tại Công ty TNHH Quốc tế Amida - Thẩm mỹ viện Quốc tế Amida (ở đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) là bảo vệ (nam, 25 tuổi), nữ nhân viên (26 tuổi), nữ nhân viên phòng Hành chính nhân sự (35 tuổi), nam nhân viên marketing.
Ca bệnh thứ 5 là người phụ nữ bán hàng online (36 tuổi, ngụ phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) và người cuối cùng là bà D.T.C. (82 tuổi, trú đường Ông Ích Khiêm, tổ 50 Phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Ở Vĩnh Phúc có thêm 4 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngày 27/4, Vĩnh Phúc có tổng cộng 30 trường hợp dương tính với nCoV.
Ngoài ra, tỉnh có 30 mẫu bệnh phẩm có kết quả nghi ngờ, 1.065 mẫu đang được xét nghiệm.
Liên quan các ca bệnh được ghi nhận thời gian qua, 14.323 trường hợp tại địa phương này đang được cách ly tập trung tại nhiều cơ sở khác nhau.
Vĩnh Phúc ghi nhận ổ dịch liên quan 2 địa điểm là bar Sunny (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) và Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Cơ quan chức năng phun hóa chất khử khuẩn những nơi có người mắc Covid-19. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
TP.HCM cách ly tập trung người tới từ 17 địa điểm
Chiều 8/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cập nhật phương án giám sát, theo dõi người từ các địa phương về địa bàn. Theo đó, người từng tới 17 địa điểm thuộc Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Yên Bái cần áp dụng biện pháp cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với người từng đi qua khu vực TP Hà Nội, HCDC yêu cầu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp từng tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (xã Kim Chung, Đông Anh) từ ngày 14/4; Bệnh viện K (Tân Triều, Thanh Trì) từ ngày 16/4; xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) từ ngày 3/5; xã Kim Chung (huyện Đông Anh) từ ngày 3/5.
Những trường hợp từng tới Đà Nẵng cần cách ly tập trung gồm người tới khách sạn Phú An (Hải Châu) từ ngày 29/4; bar New Phương Đông (Thuận Phước, Hải Châu) từ ngày 28/4; khách sạn Mường Thanh (đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng) từ ngày 27-29/4.
HCDC đồng thời yêu cầu cách ly tập trung đối với người từng tới thôn Kiều (xã Hiền Văn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) từ ngày 29/4; xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh từ ngày 27/4; xã Đạo Lý huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam từ ngày 22/4; xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, từ ngày 22/4; thôn Hoàng Xá, Hoàng Các, Nại Khê (xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) từ ngày 29/4; tổ dân phố Nguyễn Xá (phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) từ ngày 28/4; TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) từ ngày 26/4; quán bar Sunny (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) từ ngày 23-30/4; TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) từ ngày 23/4; thôn 3B (xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, Yên Bái) từ ngày 1/5.
Ngoài ra, HCDC cũng yêu cầu cách ly tập trung đối với tất cả hành khách đi trên chuyến bay VJ133 từ Hà Nội tới TP.HCM ngày 27/4, chuyến bay VN7161 từ Hà Nội đi Đà Nẵng ngày 27/4, chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng đi Hà Nội ngày 29/4, chuyến bay VN133 từ Đà Nẵng đến TP.HCM ngày 3/5, chuyến bay VN1595 từ Hà Nội đến Cam Ranh ngày 1/5, chuyến bay VN1572 từ Đà Lạt đến Hà Nội ngày 5/5.
Đối với xe khách, những trường hợp cần cách ly tập trung là người từng đi chuyến xe 43B-04878 tuyến Đà Nẵng - Hà Nội lúc 20h30 ngày 21/4, chuyến xe 21B 00671 từ Hà Nội đi thành phố Yên Bái ngày 29/4 và tới thị xã Nghĩa Lộ ngày 30/4, chuyến xe 60B 04650 từ TP.HCM đi Long Khánh ngày 3/5, chuyến xe 17B 01235 từ Giáp Bát (Hà Nội) đi Kiến Xương (Thái Bình) ngày 4/5, chuyến xe tuyến Hải Dương - Cao Bằng (nhà xe Khang Kiên) lúc 21h30-22h12 ngày 1/5.
-
Cách ly tập trung 20 người ở Quảng Nam
Chiều 8/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết liên quan bệnh nhân mắc Covid-19 tại địa phương, có 20 trường hợp tiếp xúc gần được cách ly tập trung.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết trong số 20 trường hợp này có 12 người ở huyện Nông Sơn, 6 ở huyện Hiệp Đức và 2 người ở TP Đà Nẵng.
Ngành y tế Quảng Nam đã phun thuốc khử khuẩn tại nhà bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân T.T.T.T. (là nữ, 20 tuổi, ở huyện Nông Sơn, Quảng Nam) hành nghề spa tại TP Đà Nẵng. Theo điều tra dịch tễ, người này là F1 của bệnh nhân 3131 (được Bộ Y tế công bố hôm 7/5).
-
Cả nước thêm 65 ca mắc Covid trong cộng đồng
Tính đến 18h ngày 8/5, Việt Nam có tổng cộng 1.811 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 241 ca.
Riêng trong ngày hôm nay, cả nước có 78 ca mắc mới, trong đó có 13 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 65 ca nhiễm trong cộng đồng. Trong số này Quảng Ninh ghi nhận 1 ca, Bắc Giang 1, Hưng Yên 3, Hà Nội 22, Hải Dương 1, Bắc Ninh 17, Thái Bình 1, Vĩnh Phúc 7, Hải Phòng 1, Huế 1, Đà Nẵng 8, Nam Định 1, Quảng Nam 1.
-
Sơn La phong tỏa khách sạn Mường Thanh Mộc Châu
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, trong ngày 1-2/5, bệnh nhân N.X.T. (BN3147) đã dừng nghỉ tại nhiều địa điểm như: Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu… và tiếp xúc với nhiều người.
Chiều 8/5, CDC Sơn La đã rà soát được 11 trường hợp F1 và 32 trường hợp F2, tiến hành phun khử khuẩn và tạm thời phong tỏa khách sạn Mường Thanh Mộc Châu - nơi BN3147 lưu trú.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đề nghị những ai là người nhà, người quen, người có tiếp xúc với bệnh nhân này khẩn trương khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
Trong khi đó, CDC Điện Biên phát đi thông báo khẩn cấp tìm kiếm những ai từng đến 6 địa điểm BN3147 từng đi qua từ 1-2/5. Các địa điểm này là: Khách sạn Nậm Rốm, quán phở Châu Pha, Nghĩa Trang A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm Đờ Cát và quán Café Kinh Coffee.
Trước đó, ngày 7/5, BN3147 của tỉnh Bắc Ninh dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân này đã lên Điện Biên du lịch, thăm thân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Lịch trình di chuyển của BN3147 phức tạp khi đến nhiều địa điểm đông người.
-
Quảng Trị phong tỏa nơi ở của BN3211
Ngày 8/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị đã có cuộc họp với huyện lãnh đạo huyện Hải Lăng liên quan đến BN3211 (23 tuổi, trú thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng).
Sau khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh, UBND huyện Hải Lăng đã tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân. Theo đó, cơ quan chức năng đã xác định được 31 F1 là người tại tỉnh Quảng Trị và 5 người ngoại tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam yêu cầu tiến hành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với địa phương nơi cư trú của bệnh nhân từ 18h hôm nay. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành phong tỏa từ tổ 2 đến tổ 5, thôn Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng). Các khu vực còn lại của xã Hải Chánh và xã Hải Sơn thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Nhà chức trách thành lập 4 chốt kiểm soát tại thôn Mỹ Chánh, đồng thời tiến hành phun thuốc khử khuẩn địa điểm này.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Trị sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác truy vết nhanh các trường hợp F1 và các trường hợp F2 có liên quan đến ca bệnh. Riêng các trường hợp F1 sẽ được xét nghiệm nhanh.
Đối với huyện Hải Lăng, hạn chế các hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Thông báo toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện bắt đầu nghỉ học từ ngày 8/5 cho đến khi có thông báo mới.
BN3211 làm việc ở cơ sở thẩm mỹ và phòng khám ở 222 Điện Biên Phủ, TP Đà Nẵng. Ngày 5/5, cô gái này cùng bạn từ Đà Nẵng về quê ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).Trong thời gian ở quê, BN3211 đã đi nhiều nơi, trong đó có tham dự đám giỗ ở nhà người thân ở xã Hải Chánh. Sau đó, người này đến UBND xã Phong Thu (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) để làm CCCD.
Lúc 13h ngày 7/5, A. đến khám tại Bệnh viện huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), được ghi nhận triệu chứng là sốt 38 độ C, ho khan, đau rát họng. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR của chị A. cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
-
Quảng Ninh tìm người đi trên xe khách với ca mắc Covid-19
Ngày 8/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh ra thông báo tìm kiếm người đi trên chuyến xe khách với chị P.T.H. (nữ, 38 tuổi, trú tại phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long).
Chị H. từng đi chăm sóc mẹ tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) từ ngày 28/4 đến 4/5 và thường xuyên di chuyển bằng xe khách tuyến Quảng Ninh - Hà Nội.
Cụ thể, từ ngày 19/4 đến 4/5, chị P.T.H. di chuyển bằng xe khách Vân Đồn Xanh trên cung đường Hạ Long - Hà Nội vào khoảng thời gian 3h sáng (từ Hạ Long) và 11h30 trưa (từ Hà Nội) đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương sau đó di chuyển sang Bệnh viên K cơ sở Tân Triều để chăm mẹ đang điều trị tại đây.
Ngày 19/4, chị H. di chuyển từ Hà Nội về Hạ Long lúc 11h30 bằng xe khách nhà xe Hoàng Công và đón tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương.
Theo đại diện thành phố Hạ Long, từ ngày 4/5 đến ngày 6/5, trong quá trình ở địa phương, chị P.T.H. có lịch trình di chuyển phức tạp, đến nhiều địa điiểm như cửa hàng thuốc, cửa hàng Viettel, Ngân hàng Vietcombank, siêu thị Mega market, cửa hàng giầy dép, cửa hàng văn phòng phẩm… thuộc các phường Cao Xanh, Hà Tu, Hồng Gai, Hồng Hải, Yết Kiêu.
Ngày 7/5, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thông báo kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 của chị P.T.H. cho kết quả âm tính.
Cùng ngày, chị H. được đưa đi cách ly tại bệnh viện số 2, cơ quan chức năng phong tỏa khu dân cư gồm 90 hộ dân tại nơi ở, đồng thời, tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm với những người từng tiếp xúc với bệnh nhân.
90 hộ dân tại phường Cao Xanh bị phong tỏa do có người mắc Covid-19. Ảnh: Quốc Nam.
-
Thủ tướng: Vaccine nào cũng có phản ứng phụ, không nên hoảng hốt
Những ngày qua, thông tin nữ nhân viên y tế 35 tuổi tại An Giang tử vong sau khi tiêm vaccine khiến một số người dân lo lắng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Nói về vấn đề này tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định vaccine nào cũng có một xác suất nhất định, không chỉ riêng vaccine Covid-19. Ông dẫn chứng vaccine sởi là loại phổ biến trên thế giới, đã được tiêm trong nhiều năm nhưng cũng xảy ra sự cố.
"Vừa qua có xảy ra một sự cố tại An Giang do sốc thuốc, phải giải thích cặn kẽ việc này với người dân, nếu không người dân lại hốt hoảng, không dám tiêm vaccine nữa", Thủ tướng yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ chia sẻ thời gian qua, một số quốc gia trên thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh nhờ tiêm vaccine diện rộng. Trung Quốc là một ví dụ với nền kinh tế tăng trưởng hơn 10% những tháng đầu năm. Do đó, Việt Nam cũng phải hướng tới tiêm vaccine diện rộng.
Ông cho biết hiện việc nhập vaccine rất khó khăn do tình trạng khan hiếm hàng. Bộ Y tế cũng đang "loay hoay cả tháng" chưa nhập được. Thủ tướng thông tin WHO vừa cho phép Trung Quốc lưu hành vaccine. Chính phủ sẽ cố gắng tiếp cận tất cả các nguồn có thể từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản để nhập cho người dân.
"Tiêm vaccine có trục trặc nhưng đừng hoang mang vì vaccine nào cũng có phản ứng phụ. Phần triệu thôi nhưng vẫn có, phải chấp nhận. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải hạn chế hậu quả xấu", Thủ tướng nói.
-
Ca mắc Covid-19 đi hàng loạt địa điểm nổi tiếng ở Đà Lạt
Chiều 8/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng thông báo những người đến 10 địa điểm tại TP Đà Lạt liên quan đến ca mắc Covid-19 ở Bắc Ninh.
Theo báo cáo nhanh N.B.V. (bệnh nhân số 3141, ngụ tỉnh Bắc Ninh) có kết quả dương tính vào ngày 7/5. Qua khai thác yếu tố dịch tễ, bệnh nhân này trước đó có đi du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Ngành y tế Lâm Đồng truy vết các ca tiếp xúc từ ngày 2/5 đến ngày 7/5.
Trong gần 3 ngày ở Đà Lạt, bệnh nhân này đã khai báo các mốc dịch tễ nhớ được tại 10 địa điểm mà bệnh nhân đã lưu trú và tham quan, sử dụng các dịch vụ.
Cụ thể, bệnh nhân 3141 đến Cung điện Ánh sáng (địa chỉ 222B Mai Anh Đào, phường 8, Đà Lạt); Nông trại Chó Puppy Farm; Trại Cừu phường 7; Cà phê Thiên Mộc Trinh (Đống Đa, phường 3); Quảng trường Lâm Viên; Chùa Linh Phước (Trại Mát, Đà Lạt); Chợ Đêm TP Đà Lạt; Golf Đà Lạt Café (14 Đống Đa, phường 3 Đà Lạt).
Bệnh nhân lưu trú tại khách sạn Hoàng Quân (9/1 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Đà Lạt) từ ngày 2/5 đến 8h30 ngày 5/5.
Sau đó, bệnh nhân đi chuyến bay VL1572 ghế 36G, 36F lúc 8h30 ngày 5/5 từ Đà Lạt về Hà Nội.
Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định 179 trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân Covid-19 ở Bắc Ninh. Hiện, 179 trường hợp này đã được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
-
Khánh Hòa thông báo khẩn tìm người liên quan bệnh nhân 3141
Ngày 8/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Khánh Hòa phát đi thông báo khẩn tìm người liên quan đến lịch trình của bệnh nhân Covid-19 số 3141 (quê Bắc Ninh).
Lịch trình của bệnh này như sau: Ngày 1/5, đi chuyến bay VN1559 lúc 16h05 từ Nội Bài đến Cam Ranh.
Lúc 17h45, bệnh nhân đi taxi từ sảnh sân bay Cam Ranh về khách sạn Pearl City, số 7 Hoàng Diệu, Vĩnh Nguyên, Nha Trang. 19h10, bệnh nhân ăn tối tại nhà hàng Asian, địa chỉ 17 Hoàng Diệu, Vĩnh Nguyên.
Từ 8h đến 15h ngày 2/5, bệnh nhân đi chơi tại Vinpearl bằng xe taxi màu vàng, không nhớ biển số, ăn trưa tại nhà hàng Lotte.
17h cùng ngày, người này đi Đà Lạt, hãng xe Limosine Khanh Phong, số xe 51B.413.65. Xe này dừng ăn dọc đường, không nhớ tên nhà hàng.
CDC Khánh Hòa ra thông báo nêu trên và đề nghị những người tiếp xúc với bệnh nhân gọi điện thoại đến cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ.