Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm 4.600 tỷ nếu Vietinbank và BIDV trả cổ tức tiền mặt

Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Vietinbank cho rằng, ngân hàng này đang đề xuất với Bộ Tài chính cho phép việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Nếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng với mức 8,5% và 8%, thì  Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ Vietinbank. Đây là Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC).

Bộ Tài chính có ưu thế hơn

Trước đó, ngày 30/5, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và Vietinbank biểu quyết, chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước.

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - Phụ trách Nghiên cứu HSC bình luận: “Dường như, Bộ Tài chính đã tính toán khoản thu cổ tức tiền mặt từ các ngân hàng này trong dự toán thu ngân sách năm 2016. Với tình hình ngân sách quốc gia đang hạn hẹp, Bộ Tài chính không sẵn sàng bỏ qua một khoản như vậy”.

Bo Tai chinh muon ngan hang chia co tuc bang tien anh 1
Nếu 2 ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, ngân sách sẽ có thêm hơn 4.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Nhưng Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Vietinbank trong tháng 4 đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2015. Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%. Năm 2015, cả hai ngân hàng đều kinh doanh có lãi lần lượt ở mức 7.036 tỷ đồng7.360 tỷ đồng (trước thuế). 

Năm 2015, ngân sách Nhà nước đã nhận được khoảng 3.000 tỷ đồng tiền cổ tức từ BIDV và 2.400 tỷ đồng cổ tức từ Viettinbank cho năm tài chính 2014. Hiện tại, NHNN đang nắm giữ cổ phần chi phối hơn 95% vốn tại BIDV và hơn 64% tại Vietinbank, vì vậy ý kiến của NHNN có tính chất quyết định chủ đạo trong các cuộc họp Đại hội cổ đông.

Theo đánh giá của HSC thì việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt có thể sẽ là một động thái tích cực cho giá cổ phiếu của cả 2 ngân hàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự suy giảm vốn chủ sở hữu cũng không hề nhỏ, trong khi hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR) hiện đang thấp. Do đó, nếu khoản tiền trên phải "rút ra" thì tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2016 cũng như kết quả kinh doanh có thể sẽ bị ảnh hưởng, nếu sự sụt giảm này không được bù đắp nhanh chóng.

Thực trạng hệ số CAR hiện đang rất thấp ở BIDV, chỉ 9,01% đối với ngân hàng mẹ và 9,8% đối với hợp nhất. Tại Vietinbank là khoảng 10%, nên Đại hội cổ đông của hai ngân hàng trên kiến nghị chưa chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm nâng cao hệ số CAR lên.

Báo cáo của HSC cũng cho rằng, có vẻ như ý kiến của Bộ Tài chính đã không được đưa ra kịp thời, và công văn vừa rồi là ý kiến chính thức từ phía cơ quan này. Tổng số tiền cổ tức không hề nhỏ. Giả sử BIDV và Vietinbank chi trả cổ tức tiền mặt tương ứng ở mức 8,5% và 8%, Bộ Tài chính sẽ thu về khoảng 2.700 tỷ đồng từ BIDV và 1.900 tỷ đồng từ Vietinbank”.

"Tình huống khó xử này, Bộ Tài chính có ưu thế hơn, bởi vì cơ quan này được hỗ trợ bởi các nghị quyết và thông tư chính thức. Chưa cần nhắc tới tình trạng khó khăn của ngân sách hiện tại. Nếu không đạt được thỏa thuận thì vấn đề này sẽ được trình lên các cấp cao hơn cho ý kiến", báo cáo của HSC nêu.

Ngân hàng sẽ phải họp cổ đông bất thường

Ông Mac Cana phân tích thêm: “Cả BIDV và Vietinbank đang cố gắng để tăng thêm vốn, và việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là một quãng nghỉ phù hợp để 2 ngân hàng có thêm thời gian thu xếp vốn.

Nếu kế hoạch đó không thực hiện được, 2 ngân hàng sẽ phải chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông nói chung, chứ không phải chỉ riêng NHNN hay Bộ Tài chính. Điều này sẽ làm suy giảm hệ số CAR của mỗi ngân hàng từ 0,3% đến 0,4%. Do đó, việc tăng thêm vốn cấp 1 sẽ trở thành một vấn đề thực sự cấp bách nếu muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay”.

Nhưng ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Viettinbank cho rằng, Ngân hàng này đang đề xuất với Bộ Tài chính cho phép việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn như Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Trao đổi với Zing.vn, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quan điểm của Bộ tài chính, của NHNN và ngân hàng thương mại đều có lý lẽ riêng và không thể nói bên nào sai được. Trong bối cảnh Nhà nước đang bội chi ngân sách rất cần lượng tiền mặt cổ tức từ hai ngân hàng trên. Bộ Tài chính có quyền đòi hỏi cổ tức thông qua những người đại diện phần vốn của Nhà nước.

Trong khi ban lãnh đạo các ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và để kinh doanh. Về phía NHNN là cơ quan chủ quản ngành ngân hàng, điều tối quan trọng là các ngân hàng phải đủ vốn, đảm bảo hệ số CAR. Nếu ngân hàng không đủ vốn để hoạt động dẫn tới rủi ro thì cuối cùng NHNN cũng phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Hiếu,  muốn thay đổi quyết định chia cổ tức trên thì các ngân hàng phải tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường, hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để cổ đông quyết định.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2016 thu ngân sách đạt 346.200 tỷ đồng, bằng 34% dự toán năm, trong khi tổng chi là 412.600 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm bội chi ngân sách 66.400 tỷ đồng (3 tỷ USD). Đây là mức bội chi tương đối lớn trong bối cảnh các hàng rào thuế quan đang dần được cắt giảm, thu ngân sách ngày càng khó khăn. Bội chi cao cũng một lần nữa đặt nặng áp lực lên nợ công.

Bội chi ngân sách gần 54.000 tỷ đồng sau 4 tháng

Báo cáo của Bộ Tài chính công bố con số bội chi ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 53.600 tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán năm.

 

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm