Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm 2 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình ở Myanmar

Hai người thiệt mạng ở Mandalay, Myanmar ngày 20/2 khi cảnh sát nổ súng để giải tán những người biểu tình phản đối cuộc chính biến.

Truyền thông Myanmar cho biết cảnh sát và các công nhân xưởng đóng tàu đã đối đầu trong nhiều giờ ở thành phố Mandalay sáng 20/2.

Một số người bị thương nghiêm trọng đã được đưa đến bệnh viện sau khi cảnh sát nổ súng để giải tán đám đông. AFP đưa tin cảnh sát đã bắn đạn thật, đạn cao su và bi sắt.

"20 người bị thương và 2 người đã chết", Ko Aung, lãnh đạo cơ quan cấp cứu tình nguyện Parahita Darhi ở thành phố Mandalay, cho biết. Một bác sĩ tình nguyện xác nhận có hai trường hợp tử vong. "Một người bị bắn vào đầu chết tại chỗ. Một người khác tử vong sau đó với vết thương ở ngực", ông nói.

bieu tinh Myanmar anh 1

Một người bị thương trong cuộc biểu tình ở Myanmar ngày 20/2. Ảnh: Reuters.

Video do Reuters công bố trước đó cho thấy cảnh sát ở thành phố Mandalay của Myanmar đã nổ súng và sử dụng hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình ngày 20/2.

Theo Reuters, hiện chưa rõ cảnh sát sử dụng đạn thật hay đạn cao su để gián tán người biểu tình.

Trả lời trang tin Irrawaddy, một bác sĩ cho biết vài người biểu tình đã bị nhiễm hơi cay. Ngoài ra, một người khác bị thương do đạn bắn, nhưng đây có thể là đạn cao su.

Hiện cảnh sát chưa phản hồi yêu cầu bình luận về vụ việc của Reuters.

Trước đó, một phụ nữ trẻ bị cảnh sát bắn vào đầu trong cuộc biểu tình tuần qua được gia đình xác nhận đã qua đời, không qua khỏi tình trạng nguy kịch hôm 19/2.

Nạn nhân là Mya Thwe Thwe Khaing, 20 tuổi. Cô bị thương nghiêm trọng vào cuộc biểu tình diễn ra vào tuần trước. Cảnh sát Myanmar khi đó sử dụng vòi rồng, đạn cao su và đạn thật để giải tán đám đông.

bieu tinh Myanmar anh 2

Cảnh sát được điều động để giải tán người biểu tình ở thành phố Mandalay, Myanmar, hôm 20/2. Ảnh: Reuters.

Đây là trường hợp người biểu tình tử vong đầu tiên tại Myanmar kể từ khi phong trào phản đối chính quyền quân đội bùng phát vào đầu tháng 2, theo BBC.

Làn sóng biểu tình phản đối chính quyền quân sự tại Myanmar đã bước qua tuần thứ ba, sau khi quân đội tiến hành chính biến và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 1/2.

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều nhân vật chính trị thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bao gồm quan chức chính phủ cầm quyền, đã bị quân đội bắt giữ.

Quân đội Myanmar cáo buộc cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 đã xảy ra gian lận và các cơ quan dân sự không giải quyết thỏa đáng bức xúc của cử tri.

Sau vụ chính biến, thống tướng Min Aung Hlaing tuyên bố cầm quyền và cam kết tổ chức bầu cử lại sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, dự kiến vào năm 2022. Ông nói sẵn sàng trao quyền lãnh đạo cho đảng thắng cử.

Mỹ lên tiếng về cái chết của người biểu tình Myanmar

Bộ Ngoại giao Mỹ lên án việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình tham gia phong trào phản đối chính quyền quân sự tại Myanmar, sau chính biến hồi đầu tháng 2.

Người biểu tình Myanmar tử vong sau khi bị cảnh sát bắn vào đầu

Một người phụ nữ trẻ bị cảnh sát bắn vào đầu trong cuộc biểu tình tuần qua được gia đình xác nhận đã qua đời, không qua khỏi tình trạng nguy kịch.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm