Thể thao Trung Quốc thành công nhờ đòn roi
Nữ VĐV Trung Quốc, Ye Shiwen - hiện tượng không thể tin nổi trên đường đua xanh ở Olympic 2012 cho biết, thành công vĩ đại của cô ở nội dung bơi 400m hỗn hợp nữ là nhờ “khổ luyện thành tài”.
Nhưng cái gọi là “khổ luyện” hay nói đúng hơn là “nhục luyện” băng đòn roi trong máu và nước mắt của những đứa trẻ tội nghiệp có mang tinh thần thể thao của Olympic?
Câu chuyện của số 137
Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của Olympic London, nữ kình ngư mới 16 tuổi người Trung Quốc, Ye Shiwen đã gây ra một cú sốc lớn, khi ở nội dung 400m bơi nữ hỗn hợp, cô cán đích với thành tích 4 phút 23 giây 43, qua đó phá kỷ lục mà kình ngư nổi tiếng người Australia, Stephanie Rice lập được ở Olympic Bắc Kinh 4 năm trước 1 giây. Sốc hơn nữa, ở 50m cuối cùng, “người cá” Ye bơi như… “cô nhập” và cán đích với thời gian 28 giây 93, tức nhanh hơn cả thành tích Ryan Lochte - VĐV vượt qua Michael Phelps để giành HCV ở nội dung tương tự.
Ye Shiwen |
Cô gái Trung Quốc nhanh hơn cả Ryan Lochte và Michael Phelp? Người Mỹ choáng váng, còn người Anh không thể tin nổi hiện tượng kỳ lạ này diễn ra trên chính mảnh đất của họ và “hiện tượng Ye Shiwen” làm dân xứ Sương mù nhớ lại “hiện tượng Petra Schneider” của đoàn Đông Đức ở Thế vận hội Moscow 1980.
Tại Thế vận hội Moscow 1980, Petra Schneider xuất sắc qua mặt nữ kình ngư nổi tiếng của nước Anh và thế giới - Sharron Davis để giành HCV ở nội dung 400m hỗn hợp nữ. Nhưng sau này, Petra đã lên tiếng thừa nhận: cô đã dùng doping và: “Ở Moscow 1980, Sharron hay bất cứ VĐV nào khác không thể thắng được tôi, vì họ không thi đấu với loài người, mà với một… loài khác”. Thực vậy, ngay từ nhỏ Petra đã bị tống vào các trung tâm luyện thể thao. Cũng giống như các nhà tù, Petra và VĐV khác không có tên mà họ được gọi bằng mã số và số của Petra là 137. Ngày qua ngày, số 137 phải trải qua khổ luyện hà khắc và tiêm steroid đều đặn.
Nhưng đằng sau vinh quang mà Schneider mang về cho thể thao Đông Đức là bà đã bị biến thành một… gã đàn ông xấu xí và tiều tụy, khi bước qua tuổi 30, phải mổ để cứu lấy thai nhi trong bụng khi sinh con và thường xuyên bị các cơn đau hành hạ. Câu chuyện của “số 137” là vậy, bà bị đánh cắp nữ tính và bị biến thành một “loài khác” trên đường đua xanh ở Moscow…
Người Trung Quốc “mài giũa tương lai” như thế này! |
Trở lại với câu chuyện của Ye Shiwen, khi được hỏi liệu “người cá” Trung Quốc có dùng doping như mình trong quá khứ? Petra Schneider cười mà rằng: “Ồ, tôi hy vọng cô ấy không như tôi”.
Không chỉ hơn 1,3 tỉ dân Trung Quốc, mà những ai yêu thể thao chân chính đều có ước muốn như Petra Schneider vì tinh thần “nhanh hơn, cao hơn và xa hơn” của Olympic. Nhưng có điều, theo điều tra của báo chí Anh, Ye Shiwen có thể không dùng doping nhưng để phá những kỷ lục khiến những Ryan Lochte hay Michael Phelps cũng phải nể thì Ye Shiwen đã phải trả giá bằng máu, nước mắt và những trận đòn roi ở những trung tâm huấn luyện được cho là hà khắc và tàn bạo giống như những nhà tù ở thế kỷ 19.
Bỏ qua những vụ gian lận về tuổi tác cũng như doping, thể thao Trung Quốc đã vươn mình trở thành cường quốc thể thao thế giới kể từ thập niên 1990 và hiện tại, họ là đối trọng đáng sợ của người Mỹ ở đấu trường Olympic. Thành quả này là nhờ vào sắc lệnh “mài giũa một thế hệ tương lai” của Nhà nước Trung Quốc với khẩu hiệu “vượt trên người Mỹ”. Những người đầu tiên thực hiện “sắc lệnh” chính là những giáo viên từ cấp mầm non, tiểu học và trung học. Họ có nhiệm vụ “phát hiện tài năng” để báo cáo lên cấp trên. Khi trẻ em tài năng được phát hiện, chúng sẽ được gửi đến một trong khoảng 3.000 trung tâm đào tạo.
3.000 trung tâm đào tạo ở Trung Quốc phát triển những tài năng nhí để chúng biến thành những Ye Shiwen ra sao? Báo chí Anh vừa tung ra hàng loạt hình ảnh gây sốc: giáo viên hướng dẫn dùng những chiếc roi hay nói đúng hơn là gậy phang thật lực vào lũ trẻ mặt búng ra sữa nếu chúng làm sai. Và, những tài năng nhí cứ miệt mài khóc, hoảng sợ và luyện tập, ngày qua ngày để chọn ra những tài năng ưu tú nhất…
Liệu còn “loài khác” ở Olympic London 2012?
Ye Shiwen chính là một trong những VĐV ưu tú đến với Olympic London từ những lò đào tạo hà khắc. Tố chất bơi lội của Ye Shiwen được người ta phát hiện ra khi cô bé mới tròn 7 tuổi. Từ ấy, Ye phải rời xa bố mẹ ở Hàng Châu để khổ luyện hằng ngày từ 5 giờ sáng trong Trung tâm Thể thao Chen Jingluin - một trong những trung tâm được cho là “tàn bạo” hơn cả những trung tâm của thể thao Đông Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ.
Nhưng cái cách khổ luyện để tạo ra “một thế hệ tài năng tương lai” bằng cách hành hạ và đánh đập trẻ em thì có đúng với tinh thần Olympic hay vì mục đích nào khác? Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từng lên tiếng rằng, họ sẽ tiến hành điều tra về thông tin trẻ em bị bạo hành ở các trung tâm đào tạo thể thao của người Trung Quốc.
Hiện tại của Ye Shiwen là vinh quang, nhưng tương lai của “người cá” Trung Quốc liệu có giống với Petra Schneider sau tuổi 30, sau những gì cô gái 16 tuổi này đã trải qua ở những trung tâm hà khắc? Tờ Daily Mail đã so sánh nữ kình ngư Rebecca Adlington với Ye Shiwen. Theo phân tích của tờ báo này, Rebecca là nữ VĐV thể thao mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nét nữ tính. Ngược lại, từ chân tay, thể hình cho đến gương mặt, “người cá” Ye Shiwen giống như “ái nam, ái nữ”.
Trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail trong căn hộ tồi tàn tại thành phố Bezirk Karl-Marx-Stadt (Đức) ngày hôm qua, “số 137” - Petra Schneider nghẹn ngào: “Tôi sẵn sàng trả lại HCV, từ bỏ mọi vinh quang nếu ai đó trả lại nữ tính cho tôi”.
Hy vọng câu chuyện buồn của Petra Schneider không xảy ra với Ye Shiwen và hy vọng ở Olympic London 2012 sẽ không có những VĐV không phải loài người mà cũng chẳng ai biết là loài gì, mà như cách gọi của bà Petra là “loài khác”…
Sơn Huy
Theo Infonet