Trang quăng mình vào cái khoảng không gần như vô tận ấy, để cho nó nuốt chửng mình. Cô rơi. Và chỉ chưa đầy nửa giây, hẫng một cái, Trang như thấy mình được nhấc bổng lên. Nhẹ bẫng.
Trang kéo nhẹ một cánh tay, một góc dù hơi nghiêng và Trang thấy mình chao lượn như cánh chim tự do. Dưới chân Trang là một màu xanh ngút mắt vùng núi Linh Trường - Thanh Hóa. Trang đã bay được với “đôi cánh” của mình. Dường như chưa bao giờ Trang thấy quê hương của mình đẹp đến thế…
Nghiêng mình chinh phục bầu trời
Trang là một trong số không nhiều người được trải nghiệm bay với bộ môn dù lượn cùng các thành viên CLB dù lượn Hà Nội. Trang bảo: “Khi bay trên không trung tôi mới hiểu vì sao từ trước tới nay, con người lại khao khát bay đến như thế. Nó giống như một sự giải phóng cơ thể khỏi mọi ràng buộc. Một cảm giác chao liệng tự do, có thể bay tới những nơi mình thích, có thể bay song song với chim đại bàng, chim ưng, thậm chí bay cao hơn cả chúng hoặc bay sát vách núi khám phá những loại cây kỳ lạ, ngắm những giò phong lan đẹp tuyệt mà có lẽ ở điều kiện bình thường con người chẳng thể nào đến gần được”.
Bởi thế có người trót bay và trót…mê. Mê tới mức không bỏ được và cái cảm giác bay bổng ấy không còn là khát khao, mà còn là một nhu cầu. Chơi dù bay chỉ đam mê thôi chưa đủ, còn phải có điều kiện, tức là có tiền, có thời gian và tất nhiên có cả lòng dũng cảm.
Có người yêu bay rồi vận vào số phận. Các thành viên CLB VietWings - Hà Nội không thể quên sự ra đi của người anh, trung tá Đặng Thành Chung. Trong CLB, có hai người dày dạn kinh nghiệm là, trung tá Chung vốn là giáo viên huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không và anh Phạm Quang Tuấn - sĩ quan tác chiến không quân. Với những thành viên CLB, trung tá Chung vừa là người anh, là người thầy đáng kính. Thế rồi cho đến một ngày, tất cả lặng đi khi nghe tin người anh của mình hy sinh cùng nhiều đồng đội trong sự kiện máy bay trực thăng Mi-171 rơi ở khu vực Hòa Lạc khi đang diễn tập nhảy dù. Chính trung tá Đặng Thành Chung là một trong số những người nhảy dù xuống sân Mỹ Đình trong đêm khai mạc SEA Games 22 năm 2003 và sau này là người tiên phong đưa các môn thể thao mạo hiểm như dù tròn, dù lượn đến với những người yêu thích môn này ở Việt Nam. Sự hy sinh của trung tá Chung lại càng khiến thành viên trong CLB gắn bó, chia sẻ với nhau hơn. Họ hiểu rằng giờ đây mỗi lần chao liệng trên không trung, họ như chào người anh của mình đang ở đâu đó dưới kia…
Chơi dù bay không quá khó, chỉ có điều nó đòi hỏi những điều kiện đặc biệt. Chẳng hạn như phải không được… nặng quá, không có bệnh liên quan đến tim mạch, khớp, cao huyết áp, không có tiền sử nhồi máu cơ tim. Và quan trọng là cũng phải có... điều kiện. Một bộ dù lượn bao gồm cả vòm dù, đai ngồi, mũ bảo hiểm, dù phụ, giày, bộ đàm... có giá khoảng 60-80 triệu đồng. Trong khi đó, do đặc thù đảm bảo tuyệt đối an toàn, các dụng cụ, phụ kiện bay phải thường xuyên được bảo dưỡng, thay thế.
Hiện dù lượn là môn thể thao đang được nhiều bạn trẻ đăng ký và dịch vụ này cũng nở rộ. Chỉ với khoảng 1 triệu đồng là bạn đã có thể đăng ký tham gia và biến ước mơ bay của mình trở thành hiện thực.
Cheo leo lưng chừng Hạ Long
Cũng là một cô gái bé nhỏ như Trang, Hoàng Thắng lại có niềm đam mê khác. Thay vì chao liệng trên đôi cánh, Thắng và các bạn lại thích cảm giác mạo hiểm, được treo mình trên những vách đá dựng đứng ở những ngọn núi trên vịnh Hạ Long. “Đó là một cảm giác khó tả, không giống như cảm giác của môn leo núi trong nhà, leo núi ở vịnh Hạ Long cho chúng tôi thấy hết vẻ đẹp của trời, của núi, của biển. Chúng tôi như hòa mình vào khung cảnh ấy, thật tuyệt”.
Thật ra Thắng sinh hoạt tại CLB leo núi trong nhà Vietclimb có trụ sở ở phố An Dương, Hà Nội. Vietclimb được thành lập bởi Jean Verly - một chàng trai người Pháp gốc Việt. Đây chính là CLB leo núi trong nhà đầu tiên của Hà Nội và cho đến nay nó đã thu hút hàng ngàn hội viên. Từng là một người ưa mạo hiểm, Jean từng tham gia leo núi cho đến khi dính một tai nạn. Khi sang Việt Nam công tác, anh quyết tâm mở phòng tập leo núi ở Hà Nội.
Leo núi trong nhà đã là môn mạo hiểm, nhưng để đẩy “cảm giác thật” lên cao, thỉnh thoảng họ đưa nhau ra vịnh Hạ Long để thử sức mình với những bức tường đá của di sản thiên nhiên thế giới.
Điều đáng tiếc là để xin giấy phép treo mình trên vách đá không dễ bởi đây cũng là môn thể thao mạo hiểm, các đơn vị tổ chức phải chứng minh kỹ năng leo núi của thành viên, trang thiết bị, sức khỏe từng người…
Song, nhiều thành viên của Vietclimb mong mỏi có một tour thường xuyên chuyên khám khá Hạ Long với môn thể thao leo núi, chèo thuyền kayak… để những người trẻ tuổi, ưa mạo hiểm được thưởng thức trọn vẹn Hạ Long theo cách rất đặc biệt của mình.