Mỹ đang đối mặt với một trong những vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất kể từ vụ hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao của Mỹ xuất hiện trên trang web WikiLeaks năm 2013. Ảnh: Washington Post. |
Khoảng hơn 100 trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc bất ngờ bị rò rỉ trên các mạng xã hội vào tháng 3.
Các tài liệu này tiết lộ chi tiết những bước tiến quân sự của Trung Quốc; các điểm yếu của Ukraine và tính toán bí mật của một số nước. Tài liệu cũng cho thấy tầm với tình báo của Mỹ vì họ có thể đã thâm nhập vào các cuộc thảo luận riêng tư của lãnh đạo các nước đồng minh và Liên Hợp Quốc.
Jack Teixeira, vệ binh không quân quốc gia ở Massachusetts, đã bị bắt giữ vì tình nghi là thủ phạm của vụ rò rỉ.
Một quan chức giấu tên từ một quốc gia châu Âu nói với Washington Post rằng vụ việc đã “gây ra thiệt hại vì nó làm dấy lên nghi ngờ về cách thức bảo vệ và xử lý thông tin tình báo của Mỹ”.
Cụ thể, các quan chức phương Tây tỏ ra đặc biệt kinh ngạc khi quân đội Mỹ cho phép một quân nhân cấp thấp, thiếu kinh nghiệm tiếp cận với một lượng lớn thông tin tình báo cấp cao.
Tuy nhiên, vị quan chức giấu tên cho biết mối quan hệ tình báo của đất nước ông với Mỹ là quá quan trọng để có thể từ bỏ. Ông nghĩ rằng những vụ rò rỉ định kỳ là cái giá phải trả khi hợp tác với một cường quốc do thám như Mỹ.
“Các cơ quan tình báo sẽ giải quyết vấn đề này. Tôi không tin bất cứ nước nào thực sự có đủ khả năng ngừng hợp tác”, ông nói.
“Mỹ đang và sẽ vẫn là một đối tác tình báo lớn, đặc biệt quan trọng đối với an ninh của chúng tôi”, một quan chức châu Âu khác chia sẻ thẳng thắn.
Ít nhất 100 tài liệu mật của Lầu Năm Góc đã xuất hiện trên Internet mà không bị phát hiện trong hơn một tháng. Ảnh: Reuters. |
Khả năng tình báo vô song
Hệ thống thu thập thông tin tình báo điện tử của Mỹ có thể nói là vô song, được xây dựng qua nhiều thập kỷ với chi phí hàng tỷ USD. Trong khi một số đồng minh và đối tác cũng có khả năng do thám đáng chú ý, không một nước nào có phạm vi hoạt động toàn cầu rộng lớn như Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ.
Mỹ được hưởng lợi từ thông tin tình báo do các đối tác cung cấp, bao gồm các quốc gia Five Eyes, cùng với Anh, Canada, New Zealand và Australia, ông Mick Mulroy, cựu sĩ quan bán quân sự của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), từng là quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền ông Trump, cho hay.
“Mỹ chắc chắn là đóng vai trò nòng cốt trong những mối quan hệ này. Điều này giúp ngăn cản việc các quốc gia không hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên kiểm soát thông tin mật tốt hơn”, ông nói.
Khủng hoảng ngoại giao vụ Edward Snowden
Phản ứng kiềm chế của các đồng minh Mỹ hiện nay tương phản rõ rệt với sự phẫn nộ mà họ thể hiện trước vụ rò rỉ gây ra bởi "người thổi còi" Edward Snowden cách đây một thập kỷ.
Snowden tiết lộ rằng NSA đã thu thập các cuộc trò chuyện của nhiều nhà lãnh đạo Pháp và theo dõi 70,3 triệu bản ghi âm điện thoại của Pháp trong 30 ngày. Tổng thống Pháp khi ấy đã bày tỏ "sự phản đối sâu sắc" với Tổng thống Barack Obama về vụ việc.
Hồ sơ do Snowden tiết lộ còn cho thấy NSA đã nghe lén các cuộc điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Điều này dẫn đến các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nước Đức và giám đốc CIA tại Đức bị trục xuất. Bà Merkel lúc đó đã chỉ trích Mỹ nặng nề, nói rằng “việc theo dõi bạn bè là không thể chấp nhận được”.
Kể về khoảng thời gian căng thẳng đó, ông James R. Clapper Jr., từng là giám đốc tình báo quốc gia dưới thời chính quyền ông Obama nói: “Tuy nhiên, sau đó chúng tôi lại tiếp tục công việc vì trong hầu hết trường hợp, các quốc gia này nhận ra tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ và ngược lại”.
Theo các quan chức giấu tên, Mỹ chỉ là một trong nhiều quốc gia do thám cả đồng minh lẫn đối thủ, và Mỹ có thừa khả năng để làm vậy.
“Người thổi còi” Snowden đã tiết lộ các chiến dịch do thám lớn trong nước và quốc tế do NSA thực hiện để thu thập thông tin liên lạc và dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới hồi năm 2013. Ảnh: CNN. |
Không thể không hợp tác
Trong vụ rò rỉ tài liệu lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã liên lạc với một số người đồng cấp bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Hàn Quốc vài ngày sau khi các tài liệu xuất hiện trên truyền thông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ lần này không phải “ngụp lặn” trong những lời phàn nàn giận dữ từ các đồng minh.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo mới đây bác bỏ giả định của một phóng viên rằng nước này có thể sẽ phải lo ngại về việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ sau vụ rò rỉ.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào cuộc điều tra của Mỹ”, ông Manalo nói trong một cuộc họp báo cùng ông Blinken ở Washington. “Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của mối quan hệ song phương”.
Ở Hàn Quốc, không khí căng thẳng hơn. Trước thông tin Washington theo dõi các quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc, các nhà lập pháp tự do chỉ trích chính phủ bảo thủ cầm quyền vì thái độ dễ dãi với Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả khi bị chỉ trích, Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc vẫn bảo vệ Mỹ, nói rằng Seoul “không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự ác ý từ đồng minh Mỹ”.
Về phía các quốc gia Five Eyes, nhóm này bày tỏ sự thất vọng và nói rằng vụ rò rỉ là lời nhắc nhở phải cảnh giác hơn về an ninh.
Mặt khác, quan chức giấu tên cho biết Five Eyes sẽ tập trung vào việc tăng cường, chứ không giảm bớt chia sẻ thông tin với Mỹ.
“Chúng tôi tiếp tục khuyến khích người Mỹ chia sẻ thông tin với các đối tác đáng tin cậy của họ. Điều đó thực sự quan trọng với chúng tôi”, ông nói.
Những cuốn sách cần đọc để hiểu thêm về chính sách đối ngoại Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả những cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về nước Mỹ - một trong những cường quốc thế giới và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Độc giả có thể xem thêm tại đây.