Temu đã thay đổi ngành mua sắm trực tuyến. Ảnh: FT. |
Nhờ vào các chiến dịch quảng cáo khổng lồ và mức giá không tưởng, Temu đã thu hút hàng triệu người dùng khắp thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Temu chỉ là một phần trong hệ sinh thái của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc - PDD Holdings. Là tập đoàn mẹ của Temu, PDD đứng sau cả Pinduoduo, một trong những ứng dụng mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc.
Với Pinduoduo bành trướng trong nước và Temu chiếm lĩnh thị trường quốc tế, PDD Holdings thay đổi cục diện ngành thương mại điện tử toàn cầu. Nhưng cùng với thành công ấy, cũng có vô vàn tranh cãi về chất lượng hàng hóa, vi phạm sở hữu trí tuệ và những cáo buộc về lao động cưỡng bức.
Temu và Pinduoduo - Sự trỗi dậy của “hàng giá rẻ”
Khi Pinduoduo lần đầu ra mắt vào năm 2015, thị trường thương mại điện tử Trung Quốc gần như đã bị chi phối bởi 2 gã khổng lồ Alibaba và JD.com. Thời điểm đó, ít ai tin rằng Pinduoduo có thể cạnh tranh được với 2 ông lớn này.
Giao diện của Pinduoduo trông như một sự kết hợp kỳ quặc giữa một trung tâm mua sắm, một sân trò chơi điện tử và một mạng xã hội. Điểm đặc trưng của ứng dụng này là giá bán rẻ hơn nếu người dùng mời thêm bạn bè tham gia mua sắm theo nhóm.
Người dùng cũng có thể giải trí bằng các trò chơi hoặc kiếm thêm tiền bằng cách đăng nhập hàng ngày để duyệt ứng dụng. Đối với nhiều người, đó chỉ là một mánh lới nhất thời.
Nhưng không lâu sau, Pinduoduo bắt đầu thu hút sự chú ý.
Tập trung vào người tiêu dùng ở các vùng nông thôn và người có thu nhập thấp, Pinduoduo đánh đúng vào tâm lý muốn tiết kiệm của người dân Trung Quốc trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Thay vì chạy theo những sản phẩm xa xỉ như Alibaba hay JD, Pinduoduo tập trung vào các mặt hàng thiết yếu hàng ngày với giá rẻ hơn nhờ chính sách mua hàng theo nhóm.
Người sáng lập PDD, Colin Huang, đã chọn hướng đi khác biệt cho Pinduoduo và Temu. Ảnh: China Network. |
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc trải qua giai đoạn suy thoái, mức tiêu dùng giảm sút và giá cả thực phẩm cùng các mặt hàng thiết yếu ngày càng thấp. Pinduoduo đã trở thành lựa chọn số một cho những người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”. Điều này khác hoàn toàn so với những năm trước, khi sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc tạo ra một tầng lớp trung lưu sẵn sàng chi tiêu xa xỉ.
Theo Wall Street Journal, vào thời điểm đó, Alibaba và JD.com đều cho rằng thị trường tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng. Họ đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ cao cấp. Alibaba thậm chí mở chuỗi siêu thị bán hải sản tươi sống và rượu whisky 30 năm tuổi, trong khi JD ra mắt Toplife - nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho các thương hiệu xa xỉ.
Robert Wu, biên tập viên tờ Baiguan chuyên về đầu tư và kinh doanh trong nước, nhận định: “Sai lầm lớn nhất vào thời điểm đó là tin rằng Trung Quốc đã có nhiều người tiêu dùng tầng lớp trung lưu và tầng lớp này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”.
Riêng Colin Huang, nhà sáng lập PDD, lại nghĩ khác. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, ông cho rằng không chỉ những người giàu có mới cần đến nền tảng này, mà còn cả những người sống ngoài rìa các thành phố lớn, những người đang phải vật lộn với khó khăn tài chính.
Nhờ vào chiến lược giá rẻ và việc kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà sản xuất, mua hàng giá sỉ, Pinduoduo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Tính đến năm 2023, Goldman Sachs ước tính PDD đã có 19% thị phần thương mại điện tử Trung Quốc, chỉ đứng sau JD với 20% và Alibaba với 41%.
Ngoài chiến lược giá rẻ, Pinduoduo phát triển nhanh còn bởi tích hợp với WeChat - nền tảng nhắn tin hàng đầu Trung Quốc của Tencent. Việc chia sẻ các giao dịch giảm giá trở nên dễ dàng hơn. Chỉ sau một năm, nền tảng này đã thu hút hơn 100 triệu người dùng. Đến năm 2020, số người dùng của Pinduoduo đã vượt qua con số 788 triệu, một cột mốc mà ngay cả Alibaba cũng phải dè chừng.
Từ cơn sốt giá hời đến sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm
Nếu Pinduoduo đã chinh phục thị trường Trung Quốc bằng chiến lược mua sắm giá rẻ, Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo - cũng áp dụng chiến lược tương tự để bành trướng ra toàn cầu.
Giống TikTok đã trở thành hiện tượng toàn cầu nhờ sự hậu thuẫn của ByteDance, Temu đang tấn công vào thị trường thương mại điện tử thế giới nhờ PDD Holdings. Với mức giá cực rẻ, các sản phẩm từ quần áo, đồ dùng gia đình đến công nghệ trên Temu đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng.
Phần lớn sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu là nhờ vào chiến lược định giá cực thấp. Ảnh: FT. |
Một hộp cà chua bi nặng 2,5 kg có giá chỉ khoảng 4,5 USD, nhưng giá này sẽ giảm một nửa nếu có thêm người tham gia mua cùng. Một lốc 12 cuộn giấy vệ sinh 5 lớp có giá chỉ 80 xu. Tất cả đều được giao hàng miễn phí. Pinduoduo còn nổi tiếng với chính sách trả hàng linh hoạt và hoàn tiền nhanh chóng nếu người mua không hài lòng.
Các quảng cáo của Temu tràn ngập trên các kênh truyền hình, thậm chí xuất hiện tại sự kiện Super Bowl danh giá, giúp thương hiệu này trở nên phổ biến với cả những người chưa từng mua sắm trên nền tảng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Temu đang phải chịu lỗ nặng do chi phí vận chuyển cao, đặc biệt là đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo ước tính của nhà phân tích Robin Zhu tại Bernstein Research, mỗi đơn hàng đi từ Trung Quốc đến Mỹ tốn khoảng 11 USD, trong khi chi phí vận chuyển đến châu Âu và Australia dao động từ 9-10 USD.
Dù vậy, với chiến lược “đốt tiền” để mở rộng thị trường, PDD Holdings vẫn tự tin rằng Temu sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhờ bài học từ Pinduoduo: người dùng luôn muốn mua được nhiều hơn với giá rẻ hơn.
Theo CNN, cả Pinduoduo và Temu đều đối mặt với những cáo buộc về tiếp tay cho việc buôn bán hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong những ngày đầu, ứng dụng này tràn ngập hàng nhái, hàng giả. Để giải quyết vấn đề này, Pinduoduo đã áp dụng chính sách hoàn tiền gấp 10 lần cho những người mua phải hàng giả và người bán phải hoàn tiền vô điều kiện nếu khách hàng không hài lòng.
Ở quy mô quốc tế, Temu cũng đang gặp phải những thách thức tương tự. Các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ lo ngại về liệu Temu có phải là kênh phân phối cho các sản phẩm được sản xuất bởi lao động cưỡng bức tại Trung Quốc hay không.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ trích Temu vì tác động tiêu cực đối với môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp thời trang tạo 10% lượng khí thải carbon toàn cầu mỗi năm - nhiều hơn cả tổng lượng khí thải từ tất cả các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải cộng lại. Khoảng 85% quần áo sản xuất hàng năm đều bị vứt bỏ vào các bãi rác hoặc đốt. Với tốc độ sản xuất và tiêu thụ của thời trang nhanh, vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn.
Maxine Bédat, nhà sáng lập tổ chức New Standard Institute, đã không ngần ngại chỉ trích các công ty như Shein và Temu là “các công ty thời trang dùng một lần”. Bà giải thích: “Đó là bản chất của họ. Các sản phẩm này không được tạo ra để tồn tại lâu trong tủ đồ của bạn. Kinh doanh của họ sẽ không thể hoạt động nếu chúng tồn tại”.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.