Tập mới nhất của chương trình Vợ chồng son mới đây nhận phản ứng của dư luận với câu chuyện của cặp đôi Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi). Không những chênh lệch về tuổi tác, số đông khán giả “ném đá” cặp đôi này vì vô tư kể chuyện giường chiếu và đặc biệt là hành trình từ cha - con nuôi trở thành vợ chồng.
Từ mục đích “vui là chính, làm kỷ niệm cho hai vợ chồng”, cả hai đã nhận về không ít chỉ trích. Nhưng họ có thực sự là “tội đồ” hay chỉ là nạn nhân của những chiêu trò “câu view” của một thế lực khác, luôn đứng trong bóng tối?
Nhà sản xuất cho chạy chữ nổi bật những câu nói của nhân vật. |
Ai là “thủ phạm”?
Vợ chồng son là một chương trình truyền hình thực tế dạng talkshow phát 22h chủ nhật hàng tuần trên HTV7. Tương tự nhiều game show khác hiện nay, dù lên sóng nhà đài nhưng nhà sản xuất trực tiếp là một đơn vị tư nhân. Trường hợp này là công ty truyền thông MCV.
Đáng chú ý là dù kết hợp với nhà đài, HTV7 không phải kênh phát sóng độc quyền chương trình này. Ngay sau khi lên sóng truyền hình, mỗi tập của Vợ chồng son đều được đăng tải trên kênh riêng của MCV trên YouTube với bản đầy đủ hơn.
Tập 351 của Vợ chồng son được phát sóng trên truyền hình không nhận phản ứng của dư luận, do những thông tin bị cho là nhạy cảm nhất đã được cắt và biên tập.
Song, với bản trên mạng, nhà sản xuất chọn cách đăng tải “full” (trọn vẹn) show. Thậm chí đơn vị này còn đặt luôn tựa đề với những từ khóa như “bố già” - “con nuôi” nhằm mục đích câu khách: “Bố già nham hiểm nhận con gái nuôi, gạ lấy làm vợ khi vừa ly hôn tình cũ”.
Sau phản ứng trái chiều của dư luận, “title” của tập này đã được đổi thành “Cuống cuồng đi nhận hàng cô vợ trẻ trót biến hình thành siêu nhân trẻ” vào ngày 23/5. Nhưng nhân vật chính Nguyễn Văn Hưng cho Zing biết đơn vị này đã sửa tựa đề tới… 4 lần.
Người đàn ông U50 này cũng chia sẻ cảm thấy hối hận về việc nói ra những thông tin có phần phản cảm.
“Người ta nói lỡ bước thì còn quay lại được, chứ lỡ lời thì không. Mong mọi người khó tính thông cảm cho sự vô tư và hài hước của tôi”, ông Hưng nói, đồng thời ân hận: “Giờ muốn thay đổi cũng không thể làm được gì”.
Tiêu đề tập 351 đã được sửa. Trước đó, nhà sản xuất giật tiêu đề: "Bố già nham hiểm nhận con gái nuôi, gạ lấy làm vợ khi vừa ly hôn tình cũ". |
“Nhà sản xuất có lỗi”
Trao đổi với Zing về vấn đề trong tập mới nhất của Vợ chồng son, tiến sĩ Đinh Xuân Hòa - Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - cho biết ở góc độ truyền thông, hai nhân vật này chỉ là nạn nhân, lỗi lớn nhất thuộc về nhà sản xuất.
“Do vô tư, hiểu biết có hạn về những tác động của mạng xã hội, họ đã chia sẻ những thông tin như vậy. Truyền hình HTV với vai trò biên tập đã cắt đi những thông tin phản cảm, giúp chương trình chỉn chu hơn. Nhưng sau đó nhà sản xuất lại đăng tải nguyên bản lên mạng, do vậy, lỗi thuộc về đơn vị sản xuất chương trình này”, tiến sĩ Đinh Xuân Hòa nhấn mạnh.
Là giảng viên có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy ngành truyền hình, tiến sĩ Đinh Xuân Hòa cũng nhận định sự việc cho thấy một lỗ hổng trong thực trạng xã hội hóa ở game show truyền hình hiện nay.
“Ở trường hợp này truyền hình đã hoàn thành vai trò biên tập của mình, để chương trình lên sóng không phản cảm. Tuy nhiên, khâu thỏa thuận lại có lỗ hổng. Khi đã hợp tác phát sóng, bản quyền phải thuộc về đài truyền hình, trong khi nhà sản xuất Vợ chồng son lại đăng bản full trên kênh riêng, mới dẫn đến phản ứng của khán giả”, bà Hòa cho hay.
Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định xã hội hóa game show là xu hướng tốt, đã làm nhiều năm. Tuy nhiên, nhà đài cần thống nhất với các đơn vị sản xuất tư nhân về việc khi đăng tải lại trên mạng, cũng cần phải đăng bản có nội dung giống với bản đã phát trên truyền hình.
“Vai trò biên tập của truyền hình nói riêng và cơ quan thông tấn báo chí nói chung là rất quan trọng. Biên tập để chương trình trở nên ý nghĩa, có tính giáo dục, chinh phục được công chúng. Đó là khâu quan trọng của báo chí. Bỏ khâu này, các game show rất dễ rơi vào tranh cãi, chiêu trò. Nhà đài cần kiểm soát vấn đề này, để tránh phát trên truyền hình bản khác, nhà sản xuất đăng trên mạng lại bản khác”, tiến sĩ Đinh Xuân Hòa phân tích.
Nhiều game show từng bị chỉ trích vì nội dung phản cảm nhưng nhà sản xuất luôn im lặng. |
Luôn đứng trong bóng tối, im lặng và an toàn
Dù trực tiếp sản xuất, trực tiếp đặt những tiêu đề như “bố già” - “con nuôi” phản cảm, trực tiếp chạy chữ những chia sẻ nhạy cảm của nhân vật để câu kéo người xem trên mạng, Công ty truyền thông MCV hoàn toàn im lặng trước những ý kiến của dư luận. Sự im lặng này cũng đồng nghĩa với việc để mặc hai nhân vật của họ đối diện với “búa rìu” dư luận suốt những ngày qua.
Nhưng MCV không phải trường hợp cá biệt "mang con bỏ chợ".
Giai đoạn 2012 đến nay, truyền hình thực tế ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trong xu thế xã hội hóa chương trình truyền hình, đa phần game show, truyền hình thực tế được sản xuất bởi các đơn vị tư nhân, chủ yếu là các công ty truyền thông.
Hàng loạt các game show âm nhạc, hài, thời trang được mua bản quyền, Việt hóa và trở thành “món ăn” hấp dẫn khán giả truyền hình cả nước.
Sau thời gian bùng nổ của game show ca nhạc, hài. Thời gian gần đây nội dung game show truyền hình chuyển sang hướng tình yêu, hẹn hò, vợ chồng, phủ kín nhiều kênh sóng.
Nhưng dù hướng nội dung là gì, trong bối cảnh game show như "nấm mọc sau mưa", không ít nhà sản xuất phải tìm đủ mọi "chiêu trò" để thu hút dư luận. Không ít hình ảnh, nội dung phản cảm ở game show khiến dư luận bức xúc suốt thời gian qua.
Điều đáng nói, khi xảy ra scandal, khi chiêu trò của nhà sản xuất gây chú ý với dư luận, bị phản ứng dữ dội, thì chỉ những người chơi, nhân vật đứng ra "giơ đầu chịu báng”.
Những người chơi - ở góc nhìn của giới phân tích, họ đã bị lợi dụng. Người tư lợi từ kịch bản gây sốc, là các nhà sản xuất. Và vẫn chính các nhà sản xuất - một tay đẩy nhân vật vào tâm bão, một tay đóng cánh cửa dư luận - thu mình đứng im trong bóng tối, giữ an toàn.