Sáng 12/4, trao đổi tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp 11 (Quốc hội khóa XIII) về thông tin về "tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Đây là ý kiến cá nhân chứ Tiểu ban An ninh quốc phòng (Hội đồng Bầu cử Quốc gia) không khẳng định việc đó".
Ông Phúc cho biết đích thân ông đã trả lời thư kiến nghị của ứng viên Nguyễn Quang A về nội dung này.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia với TP Hà Nội vào giữa tháng 3, một thành viên trong đoàn giám sát khẳng định kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND lần này so với năm 2011 phức tạp hơn rất nhiều, đã hình thành phong trào tự ứng cử.
Thành viên này mô tả có một số tổ chức phản động trong nước và nước ngoài hỗ trợ cho người tự ứng cử, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, dù có nhiều dư luận về các hoạt động trên mạng xã hội của ứng viên hay thông về việc "đấu tố" thì việc lấy ý kiến tại nơi cư trú là rất sòng phẳng. Khi chưa chốt danh sách thì người ứng cử có quyền đưa thông tin lên mạng xã hội. Còn tới lúc vận động bầu cử, tất cả ứng viên, chứ không cứ người tự ứng cử, đều phải được theo dõi để đảm bảo sự công bằng.
"Không ai hiểu ứng viên hơn người dân tại nơi cư trú, từ đạo đức đến sinh hoạt, lối sống. Nếu không đạt 50% tán thành thì không được giới thiệu", ông Phúc nói.
Đại biểu giơ iPad để chụp hình trong lễ tuyên thệ
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhậm chức, ông đã nhận được nhiều ý kiến về cách thức tiến hành.
Theo ông, trong lễ tuyên thệ của các quốc gia trên thế giới thì có nơi mọi người đứng lên, có nơi ngồi nên việc đó không bắt buộc. Còn Quốc hội lấy ý tưởng từ lễ tuyên thệ năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tân Trào.
Về việc đại biểu dùng iPad, điện thoại lố nhố khi lễ tuyên thệ trang nghiêm đang diễn ra, ông Phúc cho rằng là do đại biểu muốn có hình ảnh kỷ niệm. "Việc đó cũng không vấn đề gì", ông nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi vì sao không miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó thủ tướng với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu giữ nhiệm vụ mới, ông Phúc cho hay: "Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và thủ tướng thì không thể có chuyện kiêm cấp phó, vì thế không cần miễn nhiệm".
Ông Phúc ghi nhận các ý kiến góp ý về hình thức tổ chức nghi lễ song việc thay đổi nếu có sẽ diễn ra ở nhiệm kỳ tới.
"Đương nhiên, khi một người đã tuyên thệ rồi thì 3 người sau không nên thay đổi hình thức", ông Phúc nói về 4 lễ tuyên thệ vừa qua.
Cũng theo ông, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV (tháng 7-8/2016) khi kiện toàn 4 chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao thì lễ tuyên thệ tiếp tục diễn ra. Thời gian tuyên thệ đã được ấn định trong Hiến pháp, ngắn gọn trong vòng 3 phút.
Do 37/57 chức danh chủ chốt đã được kiện toàn nên ở kỳ họp tới số miễn nhiệm không nhiều, chủ yếu là bầu mới.
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình làm nhân sự
Nói về công tác kiện toàn nhân sự vừa qua, theo ông Phúc, đây là việc đã có sự chuẩn bị, thông báo từ cơ quan cấp trên tới các bộ, ngành. Các đồng chí trong diện miễn nhiệm, bầu mới đều trong Ban chấp hành trung ương nên đều có thông tin.
Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông khẳng định công tác nhân sự đều làm đúng chủ trương, đúng quy định pháp luật. Vì thế nên mọi việc diễn ra suôn sẻ.
"Đương nhiên là cần suy nghĩ về phương diện quy định pháp luật để hoàn thiện, làm sao cho nó gắn liền với nhân sự khi Đại hội Đảng bầu ra với bầu nhân sự lãnh đạo Nhà nước ở Quốc hội, kịp thời đáp ứng nhu cầu bố trí cán bộ. Tôi cho rằng, Quốc hội nhiệm kỳ khóa tới sẽ nghiên cứu", ông Thông nói.