Một trong những thông tin nóng nhất những ngày gần đây của thế giới công nghệ chính là việc Triển lãm Di động Thế giới (MWC) bị hủy bỏ do lo ngại virus corona.
Làm thế nào để MWC vực dậy, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty công nghệ đã và đang tổ chức những sự kiện riêng mình thay vì ngồi chờ các sự kiện như MWC diễn ra?
Và biết đâu, họ sẽ nhận ra rằng điều này lại thích hợp hơn?
Những hội chợ di động như MWC đã quá già cỗi. Ảnh: Knowtechie. |
Cái chết của MWC 2020
MWC 2020 đã “chết”. Người ta ví đây là sự giải thoát nhẹ nhàng. Phải chăng chúng ta nên dừng tất cả các chương trình triển lãm công nghệ mãi mãi, từ CES cho đến IFA, Tomsguide đặt câu hỏi.
Có thực sự cần phải đưa hàng nghìn công ty lên những khán đài khổng lồ, "nhét" hàng nghìn người vào trong, tạo ra lượng chất thải khủng khiếp chỉ để bán vài món đồ? Hiện tại dường như không có chỗ cho các “di sản” từ thế kỷ XX này.
Trước khi đi sâu vào vấn đề này, hãy nhìn vào những vô lý đã xảy ra với MWC 2020. Tất cả bắt đầu với việc Sony thông báo không góp mặt trong sự kiện năm nay. Sau đó, hết lần này đến lần khác, các thương hiệu lớn lên tiếng từ chối tham gia vì những lo ngại tương tự.
Theo Tomsguide, ngay cả trong 2 tuần trước triển lãm, khi GSMA - đơn vị tổ chức MWC - bắt đầu hành động bằng việc cách li, kiểm dịch bắt buộc đối với những người đến từ Trung Quốc, các công ty vẫn nhất quyết rút lui.
Không tham dự MWC song Sony vẫn có mặt ở ISE 2020. Ảnh: Bloloop. |
Intel, NTT Dotcomo, ZTE, Nvidia, Vodafone, Nokia, Facebook, Amazon, Cisco,... lần lượt tuyên báo không góp mặt trong triển lãm. Số lượng ngày càng nhiều buộc GSMA phải hủy bỏ sự kiện di động lớn nhất trong năm, ngay cả khi các quan chức y tế khẳng định không có quá nhiều rủi ro đáng lo ngại.
Mọi thứ còn kỳ lạ hơn nữa khi cùng lúc đó, một chương trình công nghệ lớn cũng đang diễn ra tại Amsterdam. Với tên gọi ISE 2020, triển lãm được quảng cáo là chương trình âm thanh kết hợp trình chiếu chuyên nghiệp lớn nhất thế giới.
Diễn ra từ 11 đến 14/2, đến nay đã có hơn 52.000 người tham dự sự kiện, hơn 200 công ty Trung Quốc tham dự, nhiều công ty từ chối tham gia MWC - như Sony - cũng góp mặt tại ISE 2020.
Đã thuộc về quá khứ
Rõ ràng MWC 2020 bị hủy bỏ với lý do khá vô lý, nhưng thực tế, việc chương trình bị hủy còn xuất phát từ lý do lớn khác: Những sự kiện như thế này không còn nhiều ý nghĩa trong thế kỷ XXI.
Thế kỷ XIX-XX, những hội chợ thương mại quốc tế đã trở thành thứ gắn liền với thời đại công nghiệp hóa, là một nơi mà các công ty từ khắp nơi trên thế giới có thể đến, khám phá những sản phẩm mới và thiết lập các mối quan hệ thương mại trên toàn thế giới. Đây từng là triển lãm cho tất cả mặt hàng, từ nông sản, thực phẩm đến đồ uống, máy dệt, xe lửa, xe hơi, cả máy vi tính trong những năm 1980 cùng bất cứ thứ gì người ta có thể làm ra.
Triển lãm thương mại trở nên phổ biến vì bấy giờ chưa có phương thức nào dễ dàng hơn để đưa các sản phẩm, những cải tiến ra khắp thế giới. Sự kiện, hội chợ vì thế là cơ hội để các quốc gia trình bày những thành tựu mà công ty, tài năng trong nước nghiên cứu và đạt được trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ cho đến nghệ thuật.
Bắt đầu ở London với Hội chợ Thế giới 1851, sau đó là New York, Philadelphia, Paris, Chicago,... hội chợ trở thành những địa điểm trưng bày lớn thu hút phóng viên, báo chí. Sau sự kiện, hàng loạt tin tức về sản phẩm, cải biến được tung ra. Ví dụ, một số loại điện thoại trở thành chủ điểm tin tức thế giới sau khi được trình bày tại các hội chợ này.
Nếu thích, các đơn vị có thể tự tổ chức sự kiện ra mắt của riêng mình. Ảnh: Elevate-staffing. |
Nhưng trong thời kỳ kết nối mạng 24/24, khi thế giới được kết nối liên tục, email, mạng xã hội cùng hàng loạt phương tiện thông tin liên lạc khác cập nhật tin tức tức thời, lý do gì đủ thuyết phục để níu chân các công ty lại đến tham dự triển lãm thương mại?
Mọi người đều biết những gì người khác đang làm. Không còn nhu cầu cho những công ty này tham gia các chương trình, triển lãm như thế nữa. Có thực sự các nhãn hàng cần trưng bày mình qua các sự kiện như thế mới có thể khám phá các nhà cung cấp tiềm năng trong thời đại ngày nay?
Về phía người tiêu dùng, chỉ cần ngồi ngay tại nhà, thông qua Internet đã có thể cập nhật tin tức về sản phẩm một cách liên tục. Mỗi ngày trôi qua, hàng tá công cụ cập nhật thông tin mới lại xuất hiện, hơn nữa, với hàng đống chất thải chồng chất sau mỗi sự kiện, lợi ích của những sự kiện này còn lại gì ở thế kỷ XXI?