Thế hệ tôi ơi!
Việc chứng kiến những biến động có ý nghĩa này ảnh hưởng mạnh đến ý thức chúng tôi về mối quan hệ cá nhân – xã hội, về những cơ hội - thách thức của bản thân. Và điều đó tạo nên một thế hệ mới: Thế hệ tôi - Thế hệ chúng ta. - Một thế hệ sốt ruột một chút
Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta...
Họ sốt ruột muốn khẳng định mình; sốt ruột muốn thử các cơ hội và thách thức; sốt ruột thám hiểm, tìm kiếm các con đường mới trong kinh doanh, học thuật; sốt ruột với sự khác biệt và các giá trị phá cách.
Sự sốt ruột này là kết dễ thấy của một xã hội chuyển mình khi các giá trị đang được sắp xếp lại trật tự. Những tấm gương kinh doanh thành công của lớp đàn anh đi trước một chút như Trương Gia Bình, Trương Đình Anh, Thái Tuấn Chí… cũng như những tấm gương thành công trong lĩnh vực học thuật, xã hội như của các nhà văn thế hệ đàn anh đàn chị, những ca sĩ, nghệ sĩ, các nhà khoa học trẻ… làm cho họ choáng ngợp trong cảm giác thành công rất có thể đến một sớm một chiều.
Ở góc độ tiêu cực, sự sốt ruột tìm kiếm “cách tân” của lớp trẻ đẻ ra nhiều người trẻ tuổi cách tân về bề nổi, tụt hậu về bản chất. Họ trông đợi một sự thần kỳ đến sau đêm Noel, mở mắt ra đã thấy trước mặt một chiếc @ làm quà từ cha mẹ.
Ở một khía cạnh khác, ta bắt gặp những thử nghiệm nghiêm túc cả về kinh doanh lẫn sáng tạo nghệ thuật của rất nhiều tên tuổi trẻ.
Trên cả hai cực của cú hích “sốt ruột”, chúng ta đều có những gặt hái và cả những thất thu nặng nề.
Một thế hệ khát khao rất nhiều
Khát khao dễ thấy nhất của thế hệ ngày nay là khao khát một cuộc sống có ánh sáng của tri thức thật sự và có sự đầy đủ tiện nghi vật chất. Trên bề nổi, khao khát này có vẻ như là một khao khát “cũ”, đúng với mọi thời đại. Kỳ thực, nó có những đặc điểm riêng trong lớp thanh niên Việt Nam ngày nay.
Họ khao khát kiến thức vì kiến thức trong nhà trường không làm họ thoả mãn, nhất là kiến thức có thể sử dụng được. Khao khát này đến từ sự thiếu hụt chuyên môn sâu, thiếu hụt kiến thức xã hội và nhất là thiếu hụt công cụ tổng quát để xử lý cuộc sống – đó là tư duy logic, tư duy phê phán và tư duy độc lập.
Song song với sự khao khát tri thức, một điều dễ nhận thấy là thế hệ trẻ ngày nay mong muốn được làm giàu, khao khát được có các tiện nghi của một đời sống thịnh vượng, văn minh; thậm chí ở một góc độ nào đó, có thể nói là họ căm ghét sự nghèo đói. Cũng chính vì khao khát làm giàu mà nhiều bạn trẻ chấp nhận làm bất cứ điều gì để có tiền, kể cả những điều trái với đạo đức. Nhưng cũng có rất nhiều bạn trẻ đang vươn lên, vừa nỗ lực gây dựng cho bản thân, vừa tham gia tạo lập một môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn.
Một thế hệ “đầu lạnh, tim nóng”
Quả thật, nói về thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay là nói về một thế hệ khác trong tương quan với thế hệ cha anh đi trước. Họ tư duy và xử lý quan hệ xã hội của họ theo một phong cách xin được tạm gọi là “đầu lạnh, tim nóng”; nghĩa là họ sử dụng lý trí rất nhiều; có xu hướng xử lý các quan hệ xã hội trên tiêu chí hợp lý và logic cá nhân nhiều hơn là các tiêu chí bất thành văn như quan hệ xã giao, tình cảm hoặc các tiêu chí tập thể. Họ đơn giản hoá và tước bỏ rất nhiều các quy tắc xã hội vốn được quy định trong văn hoá Việt Nam.
Dĩ nhiên là biểu hiện “đầu lạnh, tim nóng” này có cả hai mặt tích cực và tiêu cực tuỳ thuộc từng nhóm người. Trong tương lai, đặc điểm này có lẽ sẽ làm thay đổi rất nhiều quan điểm về các quan hệ xã hội. Ví như nó có thể góp phần tạo dựng văn hoá lao động, văn hoá kinh doanh nhưng lại có thể phá vỡ nhiều quan điểm truyền thống về đạo đức và ứng xử của người Việt.
Thế hệ tôi - thế hệ chúng ta, thế hệ sốt ruột một chút, khao khát rất nhiều; nhưng là sốt ruột và khao khát được lao động và chuyển mình tới một tương lai tươi sáng hơn nữa cho tất cả chúng ta và cho Tổ Quốc Việt Nam thân yêu.
Xin chào các bạn, thế hệ những người đang vươn vai đứng lên của Việt Nam!
Nguyễn Ngọc Hường
Theo Blog Bùi Thạc Chuyên