Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ chọn thu nhập gấp đôi, không chọn có con ở Trung Quốc

Julia Li kết hôn ở độ tuổi cuối 30 và vẫn trì hoãn việc sinh con suốt nhiều năm. Đến nay, cô đã hết thời gian và cả lý do bào chữa.

Gia đình và bạn bè thúc giục Li có em bé gần như hàng ngày. Ngay cả chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng thuyết phục cô ấy, đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích mới, bao gồm thời gian nghỉ thai sản kéo dài, theo Sixth Tone.

Thế nhưng, tháng 8/2021, Li và chồng quyết định trở thành một cặp vợ chồng DINK (tạm dịch: Thu nhập gấp đôi, không có con) - một lựa chọn ngày càng trở nên phổ biến ở xứ tỷ dân.

Li cảm thấy chi phí để sinh một đứa trẻ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào, đặc biệt việc hồi phục sau khi sinh con ở độ tuổi của cô sẽ là một “thách thức lớn”.

“Tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ lão hóa nhanh, mất dáng và mất năng lượng. Nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình phát triển nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh của tôi”, Li nói với Sixth Tone.

Nỗ lực bất thành

Trung Quốc phải đối mặt với việc không thích lập gia đình của người trẻ đang ngày càng gia tăng.

Những năm qua, chính phủ nỗ lực chưa từng thấy để thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh thêm con, như nâng giới hạn sinh và đưa ra loạt chính sách hỗ trợ các cặp cha mẹ mới.

Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp gần như không có tác dụng.

Tỷ lệ sinh và kết hôn của quốc gia này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây, có nguy cơ gây ra khủng hoảng nhân khẩu học. Xã hội Trung Quốc có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới và dân số có thể bắt đầu thu hẹp vào đầu năm nay.

Các chuyên gia dự đoán rằng Trung Quốc sẽ bị hút vào một “cái bẫy sinh sản” do tình trạng tăng trưởng trì trệ và chi phí chăm sóc xã hội tăng chóng mặt có thể kéo dài hàng thập kỷ, trừ khi có điều gì thay đổi.

sinh con thu 3 anh 1

Xã hội Trung Quốc đang già hóa với tốc độ nhanh. Ảnh: Andy Wong/AP.

Trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, ngoài chính sách 3 con áp dụng kể từ tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc đưa ra một số chính sách khác bao gồm hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận nhà trẻ và kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ.

Một số chính quyền địa phương còn cố gắng hơn. Bắc Kinh bổ sung các công nghệ hỗ trợ sinh sản vào chương trình bảo hiểm y tế công cộng của mình. Chương trình này sẽ giảm giá 11.000 NDT (1.600 USD) cho các cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Phàn Chi Hoa, một thành phố ở tỉnh Tứ Xuyên, đang trả cho các gia đình sinh con thứ 2 hoặc thứ 3 500 NDT/tháng cho mỗi trẻ sơ sinh đến khi chúng được 3 tuổi.

Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, thậm chí cho các gia đình có 3 con được miễn trừ các quy định nghiêm ngặt về nhà ở của nó, cho phép họ mua bất động sản thứ hai.

Thế nhưng, các chính sách không hiệu quả như mong đợi. Tháng 4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng tỷ lệ sinh của quốc gia này giảm một lần nữa vào năm 2021 - đạt mức thấp nhất kể từ năm 1949.

Dữ liệu năm 2022 còn ít nhưng những dấu hiệu ban đầu cũng không hứa hẹn gì.

sinh con thu 3 anh 2

Các chính sách kích thích tỷ lệ sinh của Trung Quốc chưa thấy hiệu quả. Ảnh: Chen Yang/VCG.

Độ hào hứng của công chúng đối với các chính sách mới vẫn hạn chế. Vào ngày chính phủ công bố chính sách 3 con, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã thực hiện một cuộc thăm dò trên mạng xã hội nhằm hỏi người dùng liệu họ sẵn sàng sinh đứa thứ 3 hay chưa.

Hơn 90% người được hỏi cho biết “không cân nhắc chuyện đó chút nào”. Vào cuối ngày, cuộc thăm dò đã bị xóa.

Các cuộc khảo sát khác cũng cho kết quả tương tự. Tháng 12/2021, 90% trên tổng số 50.000 người trả lời cuộc thăm dò ý kiến ​​trực tuyến cho biết họ không sẵn sàng sinh 3 con.

Chính sách chưa thấu đáo

Theo các chuyên gia, vấn đề chính nằm ở chỗ các chính sách vẫn chưa đáp ứng những gì công chúng cần.

Trung Quốc là một trong những quốc gia tốn kém nhất trên thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ và cho đến nay, các biện pháp gần như không thay đổi được điều này.

Vào tháng 2, một cuộc khảo sát cho thấy chi phí trung bình nuôi con đầu lòng ở Trung Quốc là gần 500.000 NDT, thậm chí còn cao hơn các quốc gia giàu có như Mỹ, Đức và Nhật Bản.

sinh con thu 3 anh 3

Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc cao hơn nhiều quốc gia như Mỹ, Đức và Nhật Bản. Ảnh: New York Times.

Một nghiên cứu từ ĐH Renmin Trung Quốc kết luận rằng chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái là yếu tố lớn nhất khiến các sinh viên tốt nghiệp không thể lập gia đình, cùng với văn hóa làm việc cạnh tranh cao ở nước này.

Ren Yuan, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, có chung quan điểm này.

Dựa trên các nghiên cứu, về nguyên tắc, mức độ sẵn sàng có con của các cặp vợ chồng Trung Quốc là “không quá thấp”. Thế nhưng, có khoảng cách đáng kể giữa số cặp vợ chồng nói rằng muốn có con và số người thực sự có con trên thực tế.

Các chính sách hỗ trợ có thể thu hẹp khoảng cách này. Song đến nay, các biện pháp cụ thể mà chính phủ thực hiện vẫn chưa thay đổi được xu hướng.

Theo giáo sư, biện pháp hiệu quả nhất mà Trung Quốc có thể thực hiện để tăng tỷ lệ sinh là cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận trường mầm non và dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Thực tế là tỷ lệ sinh của Trung Quốc có thể sẽ giảm một lần nữa trong năm nay, và dân số nước này rất có thể sẽ tăng trưởng âm.

sinh con thu 3 anh 4

Tỷ lệ kết hôn năm 2021 của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong vòng 36 năm qua. Ảnh: New York Times.

Một đợt bùng phát dịch bệnh trên toàn quốc đã dẫn tới những cuộc phong tỏa ở các thành phố gần đây. Điều này gây ra suy thoái kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp và cả cảm giác không chắc chắn về tương lai.

Tất cả điều đó có “khả năng ảnh hưởng xấu đến các ý định và quyết định liên quan đến sinh sản”, theo ông Ren.

Phụ nữ càng gặp khó

Ở một số trường hợp khác, nhiều phụ nữ phàn nàn rằng chính sách kéo dài thời gian nghỉ thai sản của cha mẹ đang làm trầm trọng hơn sự phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc, bởi người sử dụng lao động không muốn chịu thêm chi phí.

Liu Qin, cựu quản lý kinh doanh ở Thượng Hải, phải xin nghỉ việc sau 2 tháng kể từ khi kết thúc kỳ nghỉ thai sản của mình vào năm ngoái.

Trong thời gian cô vắng mặt, một đồng nghiệp đã đảm nhiệm vai trò của Liu, và sếp không giao cho Liu bất kỳ dự án “thử thách và có ý nghĩa” nào nữa.

“Thu nhập của tôi giảm 1/2 và không còn các khoản hoa hồng tôi từng kiếm được”, người mẹ 29 tuổi nói.

Liu nhận thấy một số phụ nữ mới sinh khác cũng đang chịu áp lực phải nghỉ việc.

sinh con thu 3 anh 5

Nữ giới càng rơi vào thế bất lợi trên thị trường lao động Trung Quốc nếu chọn sinh con. Ảnh: VCG.

“Vấn đề không chỉ nằm ở người quản lý. Các đồng nghiệp khác sẽ phàn nàn rằng chúng tôi thường xin nghỉ phép để chăm con nhỏ hoặc chúng tôi không tận tâm với công việc sau khi làm mẹ”, cô nói.

Kỳ nghỉ thai sản kéo dài cũng khiến phụ nữ khó kiếm việc làm hơn. Một số nhà tuyển dụng ở Thượng Hải nói với Sixth Tone rằng chính sách mới khiến họ xem xét lại việc tuyển dụng phụ nữ có con, đặc biệt con cái còn nhỏ.

Mặt khác, hầu hết cặp vợ chồng gần như không quan tâm đến những khoản trợ cấp và hỗ trợ của chính phủ khi họ muốn có con.

Zhao, một người mẹ mới sinh ở thành phố Nam Kinh, nói rằng các chính sách mới gần như không phải yếu tố cân nhắc khi cô quyết định mang thai.

Người mẹ 29 tuổi mới sinh con đầu lòng hồi tháng 7, nhưng dự định chỉ dừng lại ở một đứa con. Hai vợ chồng đều tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, có công ăn việc làm tốt nhưng đang gặp khó khăn trong việc dành dụm tiền đặt cọc mua nhà ở Nam Kinh.

“Vì áp lực tài chính, tôi không tính đến chuyện sinh con thứ 2 ở thời điểm hiện tại”, cô chia sẻ.

Nhà đông con mới dễ mua nhà ở Trung Quốc

Trước tình trạng tỷ lệ sinh ngày càng giảm mạnh, nhiều khu vực ở Trung Quốc đã thúc đẩy gói ưu đãi cho vay và mua nhà dành cho các gia đình đông con.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm