Vào ngày 14/11, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ đưa ra quyết định về việc phê duyệt quỹ ETF Bitcoin giao ngay (spot) của VanEck. Quyết định này có thể ảnh hưởng lớn đến thế giới tiền mã hóa.
Trước đó, cơ quan này từng trì hoãn 2 lần việc quyết định về đơn đăng ký quỹ của VanEck. Tuy nhiên, thời hạn 240 ngày sắp đến, và họ phải đưa ra quyết định cuối cùng. Trước thời điểm này, nhiều chuyên gia đang có thái độ khá bi quan.
“Tôi nghĩ rằng ETF giao ngay sẽ không có cơ hội để hoạt động trong 3 năm tới”, Dave Nadig, Giám đốc nghiên cứu tại ETF Trends nhận định.
Khả năng được duyệt rất thấp
Phát biểu của các lãnh đạo SEC đã khiến các nhà đầu tư mất hy vọng về tương lai của Bitcoin. Trong đó, Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler tỏ thái độ không muốn mở rộng các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa. Điều này do các quy định hiện hành tại Mỹ chưa trao cho cơ quan quản lý đầy đủ quyền kiểm soát các sàn giao dịch tiền số.
Đồng thời, dự luật về gói hỗ trợ hạ tầng của Mỹ sẽ làm việc đầu tư vào tiền mã hóa phức tạp hơn.
Hình thức đầu tư Bitcoin qua ETF giúp những quỹ lớn có thể đạt lợi nhuận khi giá Bitcoin tăng, mà không cần trực tiếp mua loại tiền mã hóa này. Ảnh: Bloomberg. |
Hôm 3/8, ông Gary Gensler đã đặt ra những lưu ý cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư tiền số.
“Với những biện pháp bảo vệ người dùng, tôi mong nhân viên xem xét các hồ sơ của các quỹ, giới hạn trong lĩnh vực hợp đồng tương lai Bitcoin”, Gensler phát biểu tại Diễn đàn Bảo mật Aspen.
Vào ngày 19/10, quỹ hợp đồng tương lai ProShares Bitcoin Strategy ETF đã được phê duyệt. Quỹ ETF hợp đồng tương lai Bitcoin thứ 2, Valkyrie Bitcoin Strategy ETF cũng đã được chính phủ Mỹ chấp thuận vào ngày 22/10.
Tuy nhiên, theo CNBC, các loại quỹ hợp đồng tương lai được quy định khá rõ trong luật, trong khi đó các sàn giao dịch Bitcoin thì lại chưa có nhiều ràng buộc pháp lý. Đó là lý do SEC khó chấp thuận một quỹ ETF Bitcoin giao ngay.
Mark Palmer, nhà phân tích phụ trách lĩnh vực tài sản kỹ thuật số của công ty BTIG nhận định rằng việc phê duyệt quỹ ETF giao ngay có thể kéo dài đến năm 2022.
“Gensler đã nói rõ rằng một ETF Bitcoin sẽ không có cơ quan nào quản lý. Tôi nghĩ rằng chỉ có số ít nhà đầu tư nắm bắt được thực tế này”, Palmer cho biết.
Tài chính phi tập trung có thể “chết” vì dự luật mới của Mỹ
Các nhà đầu tư tiền số cũng lo lắng về các tác động của dự luật cơ sở hạ tầng mới của Quốc hội Mỹ. Tổng thống Joe Biden sẽ ký dự luật này.
Trong đó, điều khoản đầu tiên yêu cầu người nắm giữ tài sản số trị giá hơn 10.000 USD phải có thông tin người gửi. Đồng thời, các cá nhân này cần điền biểu mẫu thuế, mô tả giao dịch cho Sở Thuế vụ.
Với DeFi, người dùng không cần xác minh danh tính. Vì vậy, nếu dự luật này được phê duyệt, đây có thể là một “mảng tối” khiến nền tài chính phi tập trung dần bị đóng băng. Giám đốc điều hành Coinbase, Brian Armstrong gọi điều khoản này là một thảm họa. “Quy chế mới của chính phủ Mỹ có thể giết chết DeFi”, Armstrong nhận định.
Ở điều khoản thứ 2, người trung gian giao dịch cần chịu trách nhiệm và tuân theo các yêu cầu thuế của nhà môi giới. Việc này sẽ gây hại cho người dùng blockchain. Theo Model Citizen, dự luật này có thể khiến các thợ đào tiền số trở thành người trung gian của một giao dịch.
Michelle Bond, cựu cố vấn cấp cao tại SEC cho rằng những điều khoản mới là điểm tiêu cực cho sự phát triển của lĩnh vực tiền số. Tổng thống Joe Biden đã sẵn sàng phê duyệt dự luật mới nhưng Michelle Bond nhận định rằng thị trường coin vẫn có thể phát triển.
Các điều khoản này không có hiệu lực cho đến năm 2024, điều này cho phép ngành blockchain có thêm thời gian để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
“Sự phát triển của blockchain vẫn chưa kết thúc. Tôi nghĩ đây sẽ là một chặng đường dài. Sẽ có các bản sửa lỗi lập pháp và ngành công nghiệp này có thể xây dựng quy tắc trong tương lai”, Michelle Bond nhận định.