Thế giới thở phào với mối lo khủng hoảng tên lửa
Việc con tàu treo cờ Triều Tiên chở lậu 240 tấn vũ khí tới Cuba bị bắt giữ trên kênh đào Panama khơi lại một bối cảnh đã không còn nhìn thấy từ thời Chiến tranh Lạnh.
Vào tháng 10/1962, khi Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn cao trào, Chính phủ Liên Xô và Cuba cho xây dựng hàng loạt căn cứ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung trên lãnh thổ Cuba nhằm vào Mỹ để đáp trả việc Washington đưa tên lửa hạt nhân tới Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ ngắm vào Thủ đô Moscow của Liên Xô.
Khủng hoảng tên lửa Cuba từng khiến cả thế giới chao đảo. |
Cả Mỹ và Liên Xô đều không có động thái nhượng bộ khiến cuộc khủng hoảng tên lửa nguy hiểm tới mức, thế giới bị đẩy tới sát bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán qua đường dây nóng trực tiếp Moscow – Washington đã giúp giải quyết êm thấm tình hình căng thẳng.
Hơn 50 năm sau, khi con tàu chở đường của Triều Tiên bị bắt giữ vì chở vũ khí tới Cuba, không ít người sẽ nghĩ tới cuộc “Khủng hoảng tên lửa Cuba lần II” giữa Bình Nhưỡng và Washington, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, với tầm bắn lên tới hàng ngàn km, cùng những lời đe dọa cứng rắn nhằm vào Mỹ và các đồng minh.
Khi lục soát con tàu Chong Chon Gang, các nhà chức trách Panama gặp phải sự phản kháng của các thủy thủ Triều Tiên, trong đó có việc cắt toàn bộ cáp của cần cẩu bốc dỡ hàng trên tàu. Sự việc tiếp tục trở nên phức tạp hơn khi thuyền trưởng con tàu nỗ lực cắt cổ tự tử bằng một con dao.
Việc kiểm tra của Panama phát hiện ra vũ khí nhưng các quan chức quân sự hoàn toàn thờ phào nhẹ nhõm với mối lo “Khủng hoảng tên lửa Cuba lần II” sau khi Havana công bố danh mục hàng không khai báo trên tàu Chong Chon Gang treo cờ Triều Tiên.
Phía Cuba cho biết, lô vũ khí trên bao gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không SA-2, 9 tên lửa hoàn thiện, 2 máy bay phản lực chiến đấu MiG-21 và các phụ tùng máy bay. Chính bản thân Havana cũng khẳng định, những vũ khí này đã lỗi thời, được đưa tới Triều Tiên để sửa chữa và đang trên đường quay trở về Cuba trên chuyến tàu chở hàng.
Vũ khí không khai báo trên tàu Triều Tiên. |
Dựa vào báo cáo của Bộ Ngoại giao Cuba, CNN cho rằng, những vũ khí được Liên Xô chế tạo hơn nửa thế kỷ trước không đủ khả năng để tạo ra một cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba thứ 2 trong thế kỷ 21 mà còn phù hợp hơn với việc trưng bày trong các viện bảo tàng.
Từng khiến Mỹ và đồng minh khiếp đảm sau hàng loạt chiến công bắn hạ phản lực chiến đấu, máy bay ném bom trong đó có pháo đài bay B-52 trong chiến tranh tại Việt Nam, SA-2 là một trong những tên lửa phòng không uy lực nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa này chỉ có khả năng phòng thủ chứ không thể tấn công các mục tiêu nằm ngoài lãnh thổ Cuba.
Trong khi đó, phản lực chiến đấu MiG-21 cũng từng là một trong những máy bay tiêm kích đánh chặn thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, ra đời từ hàng chục năm trước khiến MiG-21 không tránh khỏi việc lỗi thời, nhất là khi ngành công nghiệp chế tạo vũ khí toàn cầu liên tiếp phát triển, với hàng loạt máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có khả năng tàng hình ưu việt.
Mặt khác, nền kinh tế của Cuba và Triều Tiên đều phát triển yếu sau khi bị Mỹ và các đồng minh ra sức kìm kẹp suốt nhiều thập niên qua. Trong khuôn khổ các lệnh cấm vận, Cuba và Triều Tiên khó lòng mua được vũ khí mới từ nước ngoài, ngay cả từ Nga. Sự khó khăn này khiến nền khoa học, kỹ thuật quân sự của cả Triều Tiên và Cuba khó có cơ hội phát triển mạnh.
Xét cả về mặt vũ khí và kinh tế, Cuba và Triều Tiên khó lòng tạo ra được cuộc khủng hoảng tên lửa thứ 2 trong lịch sử. Tuy nhiên, mọi việc sẽ chưa thể sáng tỏ hoàn toàn tới khi các nhà chức trách Havana công bố danh sách chính thức về số hàng không khai báo trên chiếc tàu mang cờ Triều Tiên mà họ đang lục soát.
Trịnh Duy
Theo Infonet