Tuần vừa rồi, cuộc chiến tranh mạng nổ ra nhanh chóng khi nhiều nhóm hacker, nổi bật nhất là Anonymous tuyên chiến với tổ chức khủng bố ISIS, kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc thảm sát tại Paris. Các băng nhóm hacker này tự xưng là những trật tự viên thế giới số, lao mình vào cuộc với phương châm rõ ràng: tìm đến các trang web liên quan đến ISIS, tấn công và xóa bỏ chúng. Mục đích tối thượng là làm câm lặng các hoạt động tuyên truyền khủng bố.
Cả hai đều là những bậc thầy marketing quỷ quyệt, chung mục tiêu truyền bá “lý tưởng” mà họ theo đuổi, và quyết tâm của cả hai bên thì lan tỏa nhanh chẳng khác gì một trận đại dịch. Dù thật chói tai, nhưng có lẽ lực lượng an ninh chính thống của Mỹ có nhiều điều để học tập từ họ.
Nhìn lại lúc căng thẳng Nga - Ukraina đang leo thang, các trang web từ Nga như mạng xã hội VKotakte và blog LiveJournal đóng vai trò lớn trong việc tuyên truyền các thông tin từ chính phủ. Bên cạnh đó, người ta chứng kiến Pavel Durov - nhà sáng lập VKontakte, một Mark Zuckerberg của nước Nga - gỡ xuống hàng loạt kênh của ISIS trên Telegram, ứng dụng nhắn tin được bảo mật cũng do chính ông ta thành lập sau khi bị đá khỏi Vkontakte (Pavel bị trục xuất khỏi vị trí CEO vì làm trái nhiều quyết định của chính phủ).
Những diễn đàn mới dành cho ý kiến và tranh luận công khai không chỉ truyền đi những ngôn từ của chúng ta, chúng đang định hình lại cách mà ta suy nghĩ. Anonymous xuất thân từ những cái đầu đồng điệu của 4chan, một diễn đàn hình ảnh đầy hacker qua lại. ISIS truyền bá tư tưởng và bạo lực thông qua Twitter và những phương thức số khác - dùng cả một đạo quân máy móc tự động và những “anh hùng bàn phím” phụ họa cho các thông điệp hận thù và sợ hãi. Internet - sau nhiều năm trở thành biểu tượng cho một thế giới đại đồng, nơi các nền văn hóa sẽ gần gũi nhau hơn bao giờ hết - giờ đang trở thành một mối nguy hại khôn lường, một bình nguyên màu mỡ cho những thứ đáng sợ phát triển.