Jeff Hancock, chuyên gia nghiên cứu diễn biến tâm lý và xã hội dưới tác động của truyền thông trực tuyến đã rất bất ngờ trước sức ảnh hưởng của công nghệ tới đời sống giới trẻ. Tại trường Đại học Stanford, ông thường xuyên khuyến khích sinh viên tạo các buổi thảo luận trên lớp.
Thời gian trước 2008, Hancock thường thách thức sinh viên ngưng dùng Internet trong 48 tiếng, sau đó nêu ra cảm nhận riêng về mức độ ảnh hưởng từ việc làm này. Tuy nhiên, sau thời gian dài nghỉ phép, ông trở lại làm việc vào năm 2009, mọi thứ đã thay đổi.
Lỗi 404 trên website đã khó chịu thì việc Internet sập hoàn toàn thật ngoài sức tưởng tượng. Ảnh: Getty Images.
|
“Khi tôi cố gắng nói về thử thách (không dùng Internet), xuất hiện ngay một nhóm phản đối. Sinh viên dứt khoát từ chối vì cho rằng, bài tập như vậy là không thể và thiếu công bằng”, Hancock tỏ ra bất lực.
Họ lo ngại việc ngắt kết nối trực tuyến dịp cuối tuần sẽ ảnh hưởng tới hoạt động ở các lớp học khác, thậm chí hủy hoại cuộc sống trên mạng xã hội và làm cho bạn bè, gia đình lo lắng vì ngỡ có chuyện gì xảy ra. Hancock cuối cùng phải chấp nhận lý lẽ đó và đi đến quyết định ngừng đưa ra thử thách. Tất nhiên, ông không cố gắng để làm điều đó thêm lần nào nữa.
“Vào năm 2009 đã thế, bây giờ với tốc độ phổ biến điện thoại di động tăng nhanh, tôi thậm chí không thể tưởng tượng phản ứng của các cô cậu sinh viên sẽ như thế nào nếu đưa ra gợi ý tương tự. Có thể họ sẽ báo lên ban giám hiệu nhà trường”, Hancock nói giọng đầy hài hước.
Với thế giới luôn luôn kết nối, câu hỏi khiến nhiều người quan tâm là: Điều gì sẽ xảy ra nếu Internet dừng hoạt động trong một ngày? Nó sẽ cho thấy những tác động mà bản thân mỗi người không thể ngờ tới.
Trong năm 1995, dưới 1% dân số thế giới kết nối mạng. Internet chỉ được sử dụng chủ yếu tại các nước phương Tây. Hơn 20 năm sau, con số này đã lên đến 3,5 tỷ người, chiếm gần một nửa dân số thế giới và đang tăng với tốc độ 10 người mỗi giây.
Ai Cập đã ngắt Internet trong cuộc nổi dậy "Mùa Xuân Ả Rập" năm 2011.
Ảnh: Getty Images. |
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 1/5 tổng số người Mỹ thừa nhận mình sử dụng Internet “gần như liên tục” và 73% nói họ online mỗi ngày. Các con số ở Anh cũng tương tự. Một cuộc khảo sát thực hiện năm 2016 cho thấy, gần 90% người ở độ tuổi trưởng thành sử dụng Internet trong ba tháng gần nhất. Nhiều người bây giờ gần như không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu kết nối.
“Một trong những vấn đề lớn nhất với Internet hiện nay là mọi người coi đó như nhu cầu hiển nhiên, nhưng không hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của nó tới cuộc sống thường ngày. Họ thậm chí không có khái niệm sẽ mất quyền truy cập”, William Duttan, tác giả cuốn sách Society and the Internet, thuộc Đại học Michigan, chia sẻ.
Tuy nhiên, Internet không phải là “bất khả xâm phạm”. Về lý thuyết, mạng lưới này có thể bị đánh sập trên quy mô khu vực, quốc gia, thậm chí trên toàn cầu. Bằng cách phát tán diện rộng một loại mã độc, hacker đủ sức tấn công vào các lỗ hổng trong các router - thiết bị chuyển tiếp lưu lượng Internet. Phá máy chủ tên miền, qua đó ngăn không cho truy cập vào website.
Một số chính phủ thậm chí thiết kế cả “công tắc tử thần” để lúc cần có thể ngắt kết nối trên toàn quốc. Ai Cập từng làm như vậy trong cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ả Rập” năm 2011 nhằm gây khó dễ cho người biểu tình. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng dùng chiến thuật tương tự trong nhiều thời điểm.
Tuy nhiên, việc xây dựng một “nút vạn năng” như thế không hề đơn giản, đặc biệt tại các quốc gia phát triển và quy mô cơ sở hạ tầng lớn. Biện pháp dễ dàng hơn là ngắt từng khu vực hoặc từng hệ thống mạng.
Nhưng sức tàn phá lớn nhất lại đến từ ngoài không gian. Một cơn bão mặt trời đủ lớn sẽ đe dọa tới hệ thống vệ tinh, mạng lưới điện và máy tính. “Những gì bom và khủng bố không làm được đều có thể diễn ra trong tích tắc bởi bão mặt trời”, David Eagleman, nhà thần kinh học đến từ Đại học Stanford cảnh báo.
Nhưng nếu Internet toàn cầu gặp sự cố thì nó sẽ không kéo dài lâu. “Một đội quân luôn sẵn sàng để giải quyết lỗi nhằm đưa hệ thống hoạt động trở lại. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet và nhiều công ty đã lên kế hoạch, nhân sự sẵn sàng đối phó cho những tình huống xấu nhất”, Scott Borg, giám đốc tổ chức phi chính phủ US - CCU chuyên về dự đoán hậu quả an ninh mạng, cho biết.
Lúc đầu, tác động đến kinh tế có thể không quá nghiêm trọng. Năm 2008, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hỏi Scott Borg về những hậu quả có thể xảy ra nếu Internet sụp đổ. Ông và các đồng nghiệp đã phân tích tác động từ năm 2000 trở đi.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý của 20 công ty được cho là chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong từng trường hợp, cũng như thống kê toàn nền kinh tế, họ phát hiện ra rằng, tác động tài chính dự kiến cho một cuộc “ngắt kết nối toàn bộ” là không đáng kể, nếu giả thiết Internet sập trong 4 ngày.
“Những cảnh báo trước đó ước tính tổn thất lên đến hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Nhưng chỉ một số ngành công nghiệp như khách sạn, hàng không, công ty môi giới bị ảnh hưởng chút ít, phần lớn đều không chịu tác động lớn nào cả”.
Trong một số trường hợp, ngắt Internet một thời gian thậm chí có thể tăng năng suất. Ở nghiên cứu khác, Borg cùng các đồng nghiệp đã phân tích những gì xảy ra nếu một công ty mất kết nối mạng từ 4 giờ trở lên. Thay vì bị sao nhãng, nhân viên sẽ tập trung hơn vào nhiệm vụ của mình. Kết quả, năng suất công việc được đẩy lên cao hơn.
Nếu các mạng di động bị sập có thể tạo tâm lý lo sợ. Ảnh: Getty Images. |
“Chúng tôi đưa ra gợi ý vui rằng, nếu mỗi công ty tắt máy tính một vài giờ mỗi tháng và khiến cho nhân viên tập trung vào công việc thì sẽ tăng đáng kể năng suất tổng thể. Tôi thấy chẳng lý do gì ngăn cản áp dụng phương pháp này cho toàn bộ nền kinh tế”, Borg chia sẻ.
Điều đáng lo nhất chính là hiệu ứng tâm lý, như cảm giác lo lắng, bị cô lập. “Phần lớn tiện ích trên Internet được thiết kế hỗ trợ con người giao tiếp. Chúng ta dùng nó để kết nối với bất kỳ ai, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Nếu không còn khả năng thực hiện chức năng đó, mọi người sẽ cảm thấy lo sợ”, Hancock nói.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Internet “sập” thì con người sẽ trở nên thân thiện hơn. “Nếu cầm điện thoại trên tay, chúng ta sẽ rất ít khi nói chuyện với một người lạ mặt trên xe buýt. Thế giới sẽ chẳng bị hủy diệt nếu mất Internet một vài ngày”, Stine Lomborg tại trường Đại học Copenhagen chia sẻ. Cô cho rằng, mọi người thậm chí nói chuyện với nhau nhiều hơn thay vì gửi email hoặc tin nhắn.
Cảm giác là thoáng qua. Thiếu Internet sẽ làm cho mọi người nhận thấy tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Nhưng dù gì đi nữa, mọi thứ chỉ dừng lại ở giả định. Thật khó thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen truy cập mạng.