Ký ức một thời
Từ thời nhà Nguyễn, một phần khu vực quận 10 và quận 3 bây giờ được gọi là Đồng Tập Trận. Quan quân nhà Nguyễn đã chọn bãi đất hoang dã, cao ráo đó làm nơi thao luyện chiến trận. Đến thời thực dân Pháp xâm lược nước ta, một phần Đồng Tập Trận biến thành trường bắn, một phần làm nghĩa địa và một phần khác làm doanh trại quân bộ binh án ngữ hướng tây nam của Sài Gòn.
Mỗi cuối tuần, để giải tỏa những cơn buồn viễn xứ, đám lính bộ binh Pháp tự tổ chức những trận cá độ đua ngựa. Ngựa độ lúc đó chỉ là những chú ngựa cỏ Bắc Phi dùng thồ hàng quân sự. Chúng nhỏ con, dai sức, chở nặng nhưng không thể phi nước đại. Những chú ngựa này, khi về già hoặc thương tật bị đưa về trại Service Vétérineire (trại thú y quân sự) Tân Sơn Nhất (gần ngã Năm Chuồng Chó bây giờ) để định mạng. Ngựa thương tật nhưng còn non thì vào lò mổ cung cấp thịt cho các đơn vị quân sự. Ngựa già thì bán cho dân ta làm "ô tô hí" chuyên đưa đón các bà nội trợ đi chợ đường xa như taxi bây giờ.
Khi chính quyền Pháp cho mở con đường đất đỏ tên Verdun (nay là Điện Biên Phủ) một nhà thầu hậu cần của quân Pháp đầu tư một vòng đua nhỏ cạnh con đường mới mở. Theo những tài liệu lưu trữ thì trường đua ấy nằm tại giao lộ đường Verdun với đường Le grand de la Liraye (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Bây giờ là khu vực Hòa Hưng. Phần thưởng cho chú ngựa về nhất chỉ là một số chai bia "con cọp" (bia larue mà giới bình dân Sài Gòn gọi là lade).
Thầy Ba Khánh Đông y bên tuấn mã "hưu non" Hoàng Ngọc Dung. |
Địa điểm được chọn là khu vực 50 ha nằm cuối Đồng Tập Trận. Đó là tiền thân của Trường đua Phú Thọ. Năm 1930, nhà thầu khởi công xây dựng và năm 1932 khánh thành. Trường đua Phú Thọ hoạt động rầm rộ cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thì tạm đóng cửa.
Đến năm 1959, Ngô Đình Diệm nhận thấy lợi nhuận từ việc thu thuế trường đua quá ngon lành đã cho mở cửa trở lại. Lần mở cửa này, trường đua được bán vé cá độ công khai.
Thầy Ba Khánh Đông y, 70 tuổi, cư ngụ tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - người kế thừa bí quyết nuôi ngựa đua ba đời, kể: "Lúc đó, ông Một Tiên là Giám đốc Trường đua và ông Tư Khá là Chánh chủ Hội Đua ngựa Phú Thọ. Hồi đó, ông Tư Khá đóng thuế sân 1 năm 100 cây vàng. Ông Một Tiên đi nước ngoài tinh tuyển 2 ngựa giống Arập đưa về Phú Thọ gây giống. Ngựa Arập to xác, chạy nhanh nhưng không dai sức.
Ngựa cỏ Bắc Phi đang có tại Việt Nam nhỏ con, mạnh mẽ, dai sức nhưng chạy không nhanh. Những người thuần dưỡng ngựa cho lai 2 giống ngựa đó và cho ra một thế hệ ngựa đua vừa to xác, dai sức vừa nhanh nhẹn. Ông nội tôi là Bùi Văn Quyền, tức Ba Quyền cũng mua nọc từ ngựa Arập của ông Một Tiên cản giống cho ngựa nhà (cản là phối giống)".
Kỵ sĩ Tuấn "hai" bên tuấn mã "hưu non". |
Ông Nhan Văn Trâm, từng là Hội trưởng Hội Chủ ngựa Đức Hòa (Long An) kể: "Ông Một Tiên đem về 2 con tên là Columbo và Danis. Sau này, những con ngựa đua khu vực quanh Sài Gòn đều là cháu chắt của 2 con ngựa đó. Khoảng năm 1989, ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao TP.HCM sang Hong Kong mua về 2 con tên Philipan và Shahara để phối giống nữa. Vì vậy, ngựa đua Sài Gòn không thuần chủng mà lai tạp để lấy đặc tính tốt".
Thời đó, người ta chia các loại giải theo từng đường đua: 800 mét; 1.000 mét; 1.200 mét, 1.700 mét; 2.400 mét và 3.000 mét. Trước khi vào thi đấu, ngựa được ra sân "quần" cho "tuyệt phích" (turfiste: khán giả mua vé cược), xem tướng mạo. Mỗi con ngựa được gắn 1 số đeo. Vé được bán trước khi ngựa vào vạch xuất phát. Dân đua ngựa gọi vạch xuất phát là "pát đốc" (paddock).
Có nhiều loại vé cá cược. Pari jumelé (cá cặp) là vé dự đoán số đeo của con về nhất và về nhì. Pari mutuel (cá đơn) là vé dự đoán số đeo của con về nhất. Vé pari jumelé có số trúng thưởng cao gấp 10 lần vé pari mutuel. Một vé pari jumelé vào năm 1960 tương đương 1 bao thuốc lá hiệu Bastos. Tiền trúng giải gấp 10 lần giá mua vé cược.
Đánh hơi mùi tiền, dân xã hội đen cũng chui vào trường đua mua bán độ. Họ mua chuộc nài cưỡi con ngựa giỏi nhất rồi tung tiền vé cược con ngựa giỏi nhì. Giới cá cược chuyên nghiệp không mua vé từ quầy nữa mà tự ra giá cá lậu với nhau. Có khi 1 độ cá cược lậu giá trị tương đương hàng trăm lượng vàng ròng. Thế là cuộc chiến ngầm giữa các ông trùm cá cược xuất hiện.
Ông Chín Trâm (bìa trái) - Chủ tịch hội nuôi ngựa đua Đức Hòa và một số chủ ngựa vẫn thường ngồi cà phê với nhau để tưởng nhớ thời còn nuôi ngựa đua. |
Giới cá độ lậu mua chuộc nài, mua chuộc chủ ngựa. Không mua chuộc được, họ sẵn sàng "bẻ chân ngựa" bằng nhiều thủ đoạn tàn ác như thuê sát thủ trộn thuốc độc vào cỏ, đào hầm trên đường luyện ngựa…
Năm 1973, nữ hoàng Xinh Xinh Hoa đang trên đường từ chuồng đến Trường đua Phú Thọ đã bị 2 gã đàn ông bí ẩn chạy xe Honda 67 kè sát rồi bất ngờ hất một ca axít đậm đặc vào đầu.
Đường khuya nhịp vó rơi sương
Hàng thế kỷ qua, không ít tuấn mã làm dậy sóng trường đua, khi chết già, người ta không nỡ mổ thịt mà chôn cất trong vườn nhà như con Lữ Bố của ông Chín Xèng đoạt quán quân 48 lần; Ô Điểu của ông Út Bẩm; Lipasinette của ông Dương Hạo Tôn; France Vedé của ông Tộ…
Năm 2011, bất ngờ Trường đua Phú Thọ đóng cửa. Ngựa đua không còn chỗ thi thố tài năng trở thành ngựa cảnh, ngựa thịt.
Anh Lê Thanh Tuấn, thường được gọi là Tuấn "hai" - cháu nội ông Tư Rỏ, một già làng nuôi ngựa ở Đức Hòa kể: “Mở mắt chào đời tôi đã nghe mùi ngựa. Gia đình tôi có 4 anh em đều nuôi ngựa. Tôi làm nài ngựa từ hồi 12 tuổi. Nếu nuôi ngựa mang tính thể thao đơn thuần thì môn đua ngựa đáng xếp hàng ngang với bóng đá. Thời vàng son, mỗi khuya sớm, vùng nuôi ngựa Đức Hòa này vang tiếng vó ngựa đi nước kiệu nghe thao thức lắm. Chăm sóc, thuần dưỡng một con ngựa đua là một kỳ công nghệ thuật".
Ngoài chế độ ăn uống, vệ sinh nghiêm ngặt, ngựa còn phải được tập luyện thường xuyên. Một con ngựa, chỉ cần đoạt vài giải nhất là người ta săn lùng mua ráo riết. Có khi cả trăm cây vàng một con cũng mua. Đùng một cái, năm 2011, Trường đua Phú Thọ đóng cửa. Dân nuôi ngựa đua lao đao. Giá mỗi con cả trăm triệu, đột ngột rơi xuống 5 - 7 triệu. Nhiều người khóc ròng.
Trận thi đấu cuối cùng của tuấn mã Hoàng Ngọc Dung. |
Một Việt kiều Pháp tiếc giống ngựa tốt đã về Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn đầu tư xây chuồng, lùng mua, thuần dưỡng hàng chục con ngựa để chờ thời cơ. Một số thiếu gia khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa tìm vào Đức Hòa mua ngựa đem về cưỡi như một thú chơi thời thượng. Nhờ vậy, giá ngựa đua có nhích lên chút đỉnh.