Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới ngầm của người già chuyển giới Indonesia

Hơn chục phụ nữ già cùng ở trong một ngôi nhà tăm tối nằm trên con đường nhỏ lôi thôi ở ngoại ô Jakarta. Họ là những người phụ nữ mang thân xác đàn ông và có phận đời khá trớ trêu.

Thế giới ngầm của người già chuyển giới Indonesia

Hơn chục phụ nữ già cùng ở trong một ngôi nhà tăm tối nằm trên con đường nhỏ lôi thôi ở ngoại ô Jakarta. Họ là những người phụ nữ mang thân xác đàn ông và có phận đời khá trớ trêu.

Waria ở Indonesia.

Ở Indonesia, người ta gọi họ là waria, từ dùng cho những người chuyển giới (Waria trong tiếng Indonesia là sự kết hợp của wanita (phụ nữ) và pria (nam giới). Waria thường dùng để mô tả một bản sắc giới tính, đặc biệt chỉ những người đàn ông cảm thấy họ là phụ nữ, họ có thể trải qua phẫu thuật hoặc không phẫu thuật.

Ngôi nhà họ ở là trung tâm đầu tiên dành cho người chuyển giới ở Indonesia. Cách đây 2 năm, cái nhìn về người chuyển giới ở đất nước đông người Hồi giáo này còn rất hà khắc, người chuyển giới thường bị coi là tâm thần.

Đến nay, cái nhìn về thế giới thứ 3 đã thoáng hơn. Tháng 3 tới, Chính phủ Indonesia sẽ bắt đầu hỗ trợ trung tâm với chương trình dinh dưỡng cơ bản. Chính phủ cũng sẽ phụ cấp vốn làm ăn cho 200 hộ gia đình có người chuyển giới ở Jakarta.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn kinh phí để trung tâm hoạt động vẫn là từ người thành lập, bà Yulianus Rettoblaut, một người chuyển giới và cũng là một nhà hoạt động nổi tiếng thường được gọi là Mami Yuli. Năm ngoái, bà Yuli biến căn nhà bà ở thành trung tâm cưu mang những người cùng cảnh ngộ với mình.

Yuli, người thành lập ra trung tâm cho người già chuyển giới.

Bà Yuli năm nay 51 tuổi, chia sẻ: “Chúng tôi thường tập trung giúp đỡ những waria già vì các tổ chức phi Chính phủ thường quan tâm hơn đến những người trẻ”.

Bà Rettoblaut bắt đầu biến ngôi nhà riêng của mình thành ngôi nhà chung cho các waria khi thấy những người đồng cảnh lang thang trên phố, đau ốm, không công ăn việc làm và phải sống trong điều kiện tồi tệ. Một vài waria may mắn tìm được công việc tốt nhưng nhiều người khác không có được điều đó.

Bà Rettoblaut nói: “Cuộc sống của waria rất khó khăn. Nhiều người sống dưới mức nghèo khổ. Họ không có sự lựa chọn nào khác, đành phải ngủ dưới gầm cầu”.

Các waria ở Indonesia.

Trong khi trung tâm vẫn còn thiếu kinh phí, bà Yuli vẫn cố gắng lo đủ 3 bữa cho những waria sống trong trung tâm, những người đang học may vá, nướng bánh và làm tóc nếu họ không có việc làm.

Điều kiện trong trung tâm vẫn còn rất thiếu thốn. 12 waria hiện vẫn ngủ trên những chiếu cũ kỹ trong cùng một phòng ngủ trên gác xép hẹp.

Khi bà Yuli không có đủ 36 USD/ngày để trung tâm hoạt động, bà tổ chức cho các thành viên trong trung tâm hát và nhảy trên đường phố. Mặc cho tuổi tác đã cao, các waria vẫn nhiệt tình nhảy hát trong khả năng để kiếm sống.

Bà Yuli cho hay, hiện 70 nhà thờ ở Jakarta đồng ý hỗ trợ trung tâm, cho ở nhờ trong trường hợp lũ lụt. Tuy nhiên, chỉ 4 trung tâm hỗ trợ tiền.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, bà Yuli vẫn hy vọng trong tương lai trung tâm của bà có thể là chỗ ở cho toàn bộ 800 waria trong thành phố, nếu bà có đủ kinh phí và tìm được nguồn hỗ trợ từ Chính phủ.

Indonesia có khoảng 35.000 người chuyển giới, tuy nhiên các nhà hoạt động cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Mặc dù, quan niệm về người chuyển giới ở quốc gia này đã thoáng hơn nhưng waria vẫn là đối tượng bị đe dọa và sách nhiễu.

Mặt trận bảo vệ hồi giáo theo đường lối cứng rắn (FPI) là “kẻ thù” lớn nhất của waria. Tổ chức này thường dùng bạo lực và đe dọa để cản trở các hoạt động của waria vì theo họ waria “đe dọa các giá trị Hồi giáo của Indonesia”, trong đó có cuộc thi hoa hậu của waria.

Habib Salim Alatas, người đứng đầu FPI, nói: “Chúng tôi cho ngừng hoạt động thi hoa hậu của waria và sẵn sàng “phá hủy” các hoạt động tụ tập khác của waria”.

Theo con số của Bộ Y tế, sự phân biệt đối xử khiến nhiều waria phải tìm đến công việc bán thân, khiến tỷ lệ nhiễm HIV của waria tăng từ 6% lên tới 34% từ năm 1997 đến 2007.

Ở tuổi 70, Yoti Oktosea là một người chuyển giới từ nam sang nữ và hiện đang sống trong trung tâm của bà Yuli. Dù tuổi cao nhưng bà Oktosea vẫn trang điểm, ăn mặc trẻ trung và tự hào khoe bức ảnh bà chụp khi còn là tiếp khách làng chơi. Bà cười lớn khi nói rằng, bây giờ bà đã "xuống cấp" rồi.

 

Đỗ quyên

Theo Infonet

Đỗ quyên

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm