Nhà văn, nhà biên kịch Mỹ gốc Italy Mario Gianluigi Puzo (1920 – 1999) nổi tiếng với những tác phẩm viết về giới tội phạm. Tên tuổi của ông gắn với tiểu thuyết Bố già, sau này được chuyển thể thành phim, và giành giải Osar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc. Tuy nhiên, bên cạnh Bố già, Mario Puzo còn nhiều tác phẩm về đề tài mafia, tội phạm. Đầu tháng 8, bốn cuốn sách hấp dẫn của Mario Puzo và Bố già kinh điển đã được tái bản. Dự kiến vào trung tuần tháng 8, đơn vị phát hành sẽ tung ra hộp sách gồm năm ấn phẩm đồng bộ của Mario Puzo cho những người yêu sách hay, sách đẹp.
Năm tác phẩm của Mario Puzo. |
Cùng với Bố già, Mario Puzo còn gây tiếng vang với tác phẩm đề tài mafia là Ông trùm cuối cùng (The Last Don). Tác phẩm dựng nên một góc đời sống đầy rẫy âm mưu, thủ đoạn, bí ẩn đen tối pha trộn cùng một tình yêu không kém phần lãng mạn ngọt ngào. Ông đã kể câu chuyện về nhà Clericuzio - gia đình mafia hùng mạnh, cùng ông trùm già Domenico Clericuzio và những mưu tính của ông nhằm đưa tất cả các thành viên hòa nhập với xã hội hợp pháp. Nhưng ông trùm đã không tính được bí ẩn đẫm máu của quá khứ sẽ trở về ám ảnh hiện tại. Ông chẳng thể ngờ rằng trong đầu đứa cháu ông chất đầy những mưu đồ bẩn thỉu đe dọa làm chao đảo gia đình mình.
Luật im lặng (Omerta) là tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp của Puzo. Sách tạo nên bộ ba tác phẩm về đề tài mafia. Ở tiểu thuyết này, tác giả cho thấy cách tổ chức mafia củng cố uy quyền bằng luật omerta (nghĩa là làm thinh, câm nín). Omerta trở thành luật sống của mọi người. Nhưng liệu luật im lặng – bức tường thành của mafia tại đất máu Sicily – có giữ được quyền năng để bảo vệ các ông trùm trên đất Mỹ?
Nhà văn Mario Puzo. |
Đất máu Sicily (The Sicilian) đưa độc giả đến quê hương của mafia những năm 1940. Tác phẩm dựng lên một thế giới chằng chịt những âm mưu và thù hận, bạo lực sinh bạo lực, phản trắc sinh phản trắc. Ở trung tâm của thế giới ấy là thủ lĩnh băng cướp Turi Guiliano – nhân vật được khắc họa đầy lãng mạn như một chiến binh, một người tình, và trên hết là một người Sicily từ trong máu thịt.
Tác phẩm cuối cùng trong bộ ấn phẩm là Cha con Giáo hoàng lấy bối cảnh Italy thời kỳ Phục hưng. Tiểu thuyết là câu chuyện về những dã tâm chính trị của nhà Borgia - “gia đình tội phạm đầu tiên” theo nhận định của Puzo. Ở đó, Giáo hội nắm quyền thống trị tối cao, nhưng ẩn dưới tấm áo choàng đỏ luôn là lửa tham vọng rực cháy.