Vào thời điểm vi khuẩn đang ngày càng phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh thông thường, những công ty đang làm việc để tạo ra những loại thuốc kháng sinh mới ở Mỹ lại đang lần lượt gặp khó khăn về tài chính và phá sản. Điều này đang đe doạ nghiêm trọng đến những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của các loài vi khuẩn kháng thuốc có khả năng gây chết người.
Các startup dược chuyên sản xuất thuốc kháng sinh như Achaogen hay Aradigm đã tuyên bố phá sản trong những tháng gần đây. Trong khi đó, những gã khổng lồ trong ngành như Novartis hay Allergan đã rời bỏ lĩnh vực này, còn các công ty kháng sinh khác của Mỹ cũng đang phải vật lộn với viễn cảnh không mấy sáng sủa.
Liên Hợp Quốc dự báo tình trạng kháng khánh sinh có thể gây ra cái chết của 10 triệu người vào năm 2050. Ảnh: Alamy. |
"Ai cũng nên lo lắng"
Những chuyên gia trong ngành cho biết tình trạng này xảy ra do khả năng sinh lời của thuốc kháng sinh mới rất kém, khiến các nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với thị trường. Và cuối cùng, điều này dẫn tới một tương lai u ám khi những loại thuốc kháng sinh mới không được phát triển, còn tình trạng kháng thuốc thì ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Đây là một cuộc khủng hoảng mà ai cũng nên thấy lo lắng", theo tiến sĩ Helen Boucher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thành viên hội đồng tư vấn tổng thống về ngăn ngừa vi khuẩn kháng kháng sinh.
Vấn đề khá dễ hiểu: các công ty dược - bên đã bỏ hàng tỷ USD để phát triển thuốc kháng sinh - không thể tìm cách bán chúng sao cho có lợi nhuận. Hầu hết thuốc kháng sinh đều chỉ được kê đơn trong vài ngày hoặc vài tuần, không giống các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính như tiểu đường hay viêm khớp dạng thấp. Trong khi đó, các bệnh viện lại không muốn kê các loại thuốc kháng sinh mới vì giá cao.
Khó khăn đến với các công ty dược đúng vào thời điểm mà tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi những loại kháng sinh cũ không còn hiệu quả trong việc chống lại những sinh vật đã phát triển cơ chế phòng thủ riêng.
Tình trạng kháng thuốc gây ra 35.000 cái chết/năm ở Mỹ, và khiến 2,8 triệu người khác bị ảnh hưởng sức khoẻ, theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ. Nếu không có phương pháp chữa trị mới, Liên Hợp Quốc dự báo tình trạng này có thể khiến 10 triệu người thiệt mạng vào năm 2050.
Các loại thuốc kháng sinh mới đã chứng minh hiệu quả trong việc điều trị một số vi khuẩn cứng đầu như bệnh than, viêm phổi do vi khuẩn, E.coli và nhiễm trùng da đa kháng thuốc.
Câu chuyện của công ty công nghệ sinh học Archaogen là một trường hợp điển hình. Họ đã mất 15 năm và khoản đầu tư 1 tỷ USD để có được sự chấp thuận của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) đối với Zemdri, một loại thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu khó điều trị. Vào tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới đã thêm Zemdri vào danh sách các loại thuốc mới cần thiết.
Tòa nhà trụ sở cũ của Achaogen ở San Francisco, bang California. Công ty hiện đã tuyên bố phá sản do triển vọng lợi nhuận kém của thuốc kháng sinh Zemdri. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên lúc đó, chẳng có ai ở Achaogen ăn mừng. Đơn giản là vì cổ phiếu công ty đã chạm đáy, và họ không còn tiền để chi cho công tác marketing, đưa thuốc ra thị trường. Achaogen tuyên bố phá sản vào tháng 4/2019 .
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng cần có sự can thiệp của chính phủ Mỹ vào cuộc khủng hoảng này. Một trong số các ý tưởng nhận được sự ủng hộ rộng rãi là việc chính phủ Mỹ sẽ tăng khoản trợ giá cho các loại thuốc kháng sinh mới, tăng tài trợ ngân sách liên bang nhằm mua dự trữ các loại thuốc chống lại hiệu quả vi khuẩn kháng kháng sinh. Thêm vào đó là một chính sách thân thiện hơn cho các startup dược trong lĩnh vực này, cũng như việc thu hút các đại gia dược phẩm quay trở lại sân chơi.
Tương lai u ám
Ngành công nghiệp cũng phải đối mặt với một thách thức khác: sau nhiều năm bị lên án với việc kê thuốc kháng sinh bừa bãi, các bác sĩ giờ đây sẽ miễn cưỡng gợi ý những loại thuốc kháng sinh cơ bản thay vì những loại thuốc kháng sinh mới nhất. Và cũng để tiết kiệm tiền, nhà thuốc bệnh viện sẽ phân phối những loại kháng sinh cũ rẻ hơn, ngay cả khi có một loại mới vượt trội.
Những loại thuốc mới không hề rẻ, nhất là khi so sánh với các kháng sinh cơ bản, vốn chỉ có giá vài USD. Một liệu trình điều trị sử dụng Xerava - loại thuốc kháng sinh mới được chỉ định cho các bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc - có giá lên tới 2.000 USD.
Tetraphase, công ty sản xuất ra Xerava có trụ ở tại Watertown, Massachusetts, phải mất tới hơn một thập kỷ để phát triển loại thuốc kháng sinh này, nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường. Cổ phiếu của hãng đang ở mức 2 USD, so với 40 USD cách đây một năm.
Việc phát triển thuốc kháng sinh mới không hề đơn giản. Trong vòng 20 năm qua, chỉ có 2 dòng thuốc kháng sinh mới được đưa ra thị trường. Triển vọng lợi nhuận u ám cũng khiến cho các công ty dược không còn mặn mà với lĩnh vực này. Vào thập niên 1980, có 18 công ty dược lớn nghiên cứu chế tạo thuốc kháng sinh, nhưng hiện nay con số này chỉ là 3.
Chi phí để phát triển một dòng thuốc kháng sinh mới có thể lên tới 2,6 tỷ USD. Nhưng theo quy định trong ngành dược, công thức chế tạo một loại thuốc sẽ được công bố miễn phí sau một khoảng thời gian nhất định, và các công ty đơn giản là không có đủ thời gian để thu về chi phí đầu tư.
Dự luật DISARM đã được giới thiệu ở quốc hội Mỹ trong năm nay với mục đích sử dụng kinh phí từ chương trình Medicare để trợ giá cho các bệnh viện đối với những loại thuốc kháng sinh mới đắt tiền. Nó được sự ủng hộ của cả hai đảng, nhưng điện Capitol cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị của riêng nó, với rất nhiều dự luật bị tắc nghẽn.
Ông Ryan Cirz, một trong những nhà sáng lập của Achaogen, lo ngại về tương lai khi các loài vi khuẩn thông thường trở nên cứng đầu hơn, trong khi nguồn cung thuốc kháng sinh mới trở nên hạn chế. Ảnh: New York Times. |
Cách đây 2 năm, thị giá của Achaogen vẫn còn ở mức 2 tỷ USD, và Zemdri có triển vọng tới mức nó trở thành thuốc kháng sinh đầu tiên được FDA công nhận là sản phẩm đột phá.
Tiến sĩ Ryan Cirz, một trong những nhà sáng lập của công ty, nhớ lại cái ngày mà các nhà đầu tư tranh nhau mua cổ phiếu Achaogen.
"Đó không phải là một cơn sốt. Nó là về việc cứu người", ông Cirz chia sẻ.
Tháng 6 vừa qua, các nhà đầu tư mua lại công ty phá sản, đi kèm cả quyền sản xuất Zemdri, với mức giá chỉ 16 triệu USD. Nhiều nhà khoa học của Achaogen đã chuyển sang làm việc trong những lĩnh vực có lợi nhuận hơn, như nghiên cứu phát triển thuốc trị ung thư.
Tiến sĩ Cirz mất hết số tiền tiết kiệm cả đời mình, nhưng chia sẻ rằng ông có một nỗi lo lớn hơn. Thiếu đi những loại thuốc kháng sinh hiệu quả, một số bệnh bình thường có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng vào một ngày nào đó.
"Đây là một vấn đề có thể giải quyết được, nó không hề phức tạp. Chúng ta có thể giải quyết nó bây giờ, hoặc chúng ta có thể ngồi đây cho đến khi bắt đầu có một lượng lớn người chết. Điều đó sẽ là thảm kịch", ông Cirz nói.