Về lý thuyết, ai cũng có thể nói rằng thủ môn là một nửa sức mạnh của hàng thủ. Lịch sử cả trăm năm của bóng đá chưa có ai dám phủ định vai trò của thủ môn. Tuy nhiên, liệu thế giới đã đánh giá đúng tầm ảnh hưởng của những người gác đền hay chỉ khen suông cho vui miệng? Hãy tham khảo một vài so sánh sau.
Trong 2 năm qua, có tới 10 kỷ lục chuyển nhượng được xác lập, đánh dấu quãng thời gian thế giới bóng đá chi nhiều tiền chưa từng có cho hoạt động mua sắm cầu thủ. Giá một cầu thủ hiện tại đã có thể vượt quá con số 200 triệu euro.
Thủ môn Ederson được Man City "chồng tiền" mua về từ Benfica. |
16 năm cho một kỷ lục
Tuy nhiên, trong 10 kỷ lục thế giới về chuyển nhượng lại chỉ xuất hiện đúng một thủ môn: Ederson Moraes. Anh được Man City mua về với giá 35 triệu bảng, phá vỡ kỷ lục 33 triệu bảng dành cho Gianluigi Buffon cách thời điểm đó tới 16 năm.
Phải mất tới 16 năm ròng rã, kỷ lục về giá chuyển nhượng dành cho thủ môn mới bị phá. Trong khi đó, chỉ trong vỏn vẹn 10 năm qua, mức giá dành cho những vị trí khác trên sân tăng nhanh tới không tưởng tượng nổi.
Theo thống kê của Opta, kể từ sau vụ West Ham mua thủ thành Phil Parkes từ QPR với giá 565.000 bảng năm 1979 (kỷ lục thế giới dành cho một thủ môn vào thời điểm đó), giá của thủ môn đắt nhất thế giới tăng 118 lần.
Trong khi đó, tính từ năm 1979 đến nay, giá dành cho cầu thủ đắt nhất thế giới đã tăng… 500 lần. Sự chênh lệch quá rõ ràng về mức tăng trưởng đã chứng minh, các câu lạc bộ luôn đánh giá cao những cầu thủ trên sân hơn người gác đền.
Gianluigi Buffon lập kỷ lục chuyển nhượng năm 2001. |
Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. Năm 2017, Man City chi ra mức giá bị đánh giá là điên rồ để mua Ederson, xác lập kỷ lục chuyển nhượng mới dành cho thủ môn. Chỉ một năm sau, kỷ lục ấy bị phá bởi Liverpool. Giá trị của một thủ môn đã tăng từ 35 triệu bảng lên thành 67 triệu bảng.
Nếu như một năm về trước số tiền 35 triệu bảng dành cho thủ môn bị coi là điên rồ thì giờ đây, sau vụ Liverpool mua Alisson, con số này bỗng dưng trở nên tầm thường. Mức giá sàn dành cho thủ môn sẽ tăng lên, cùng với sự trân trọng dành cho họ cũng tăng lên.
Nếu Liverpool có một thủ môn giỏi, họ chưa chắc đã thua tan nát Real Madrid trong trận chung kết Champions League mùa vừa qua - trận đấu mà người gác đền Karius đã mắc 2 sai lầm không thể tin nổi.
Xa hơn, nếu Man United không bất ngờ có được một Van der Sar quá xuất sắc trước khung gỗ, họ chắc gì đã thắng Chelsea trong trận chung kết tại Moscow năm nào.
Alisson đáng đồng tiền bát gạo
Trở lại với thương vụ Alisson. Có rất nhiều người cho rằng bỏ ra số tiền 67 triệu bảng dành cho một thủ môn là phi lý (giống hệt như cách họ tư duy sau khi Man City mua Ederson).
Trong mùa bóng vừa qua, Alisson chỉ giữ sạch lưới 46,8% số trận - thành tích rất bình thường nếu so sánh với tỷ lệ sạch lưới 58,3% số trận của Ederson (Man City). Tuy nhiên, đừng nhìn vào tỷ lệ sạch lưới để đánh giá trình độ của một thủ môn.
Lý do rất đơn giản: Ederson bắt cho Man City, đội bóng thống trị Premier League, trong khi đó Roma của Alisson chỉ thuộc dạng giỏi ở Serie A, chưa nằm trong nhóm xuất sắc. Bắt cho một đội bóng có hàng thủ tốt, át vía được đối phương nên Alisson sạch lưới nhiều hơn Ederson là đương nhiên.
Alisson chính thức trở thành bản hợp đồng thủ môn đắt giá nhất thế giới. |
Để đánh giá năng lực của một thủ môn thì phải tham khảo thống kê về tỷ lệ cản phá/số bàn thua mà anh ta phải nhận. Ví dụ đối phương phải tung ra 4,1 cú dứt điểm liên tiếp mới hạ nổi Allison, trong khi đó chỉ là 2,17 cú dứt điểm là buộc Ederson phải vào lưới nhặt bóng.
Cá biệt vào giai đoạn từ giữa tháng 12/2017 đến giữa tháng 2/2018, Alisson còn đạt thành tích trung bình 7 lần cản phá với chịu một bàn thua - cao nhất Serie A vào thời điểm đó. Đây mới là thống kê quan trọng chứng minh đẳng cấp của Alisson và cũng giải thích tại sao anh lại bắt chính ở đội tuyển Brazil chứ không phải Ederson.
Tựu trung lại, Alisson là một thương vụ đầu tư dù tốn kém, nhưng nhiều khả năng là giá trị tới từng xu với Liverpool. Lữ đoàn đỏ Merseyside đã quá lâu không có một thủ môn tử tế rồi.