Bình luận
Thể loại: Chính kịch, tâm lý
Đạo diễn: Florian Zeller
Diễn viên: Anthony Hopkins, Olivia Colman, Olivia Williams
Đánh giá: 8/10
Là tác phẩm điện ảnh đầu tay của tiểu thuyết gia kiêm biên kịch sân khấu người Pháp Florian Zeller, The Father mang đến cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về hội chứng mất trí (dementia).
Chuyện phim kể về một ông lão 80 tuổi phải vật lộn với căn bệnh mất trí ở thời khắc gần đất xa trời. Người thân duy nhất của ông là con gái, nhưng cô cũng không thể nào chia sẻ cùng cha. Trái lại, khoảng cách giữa hai người càng trở nên xa cách khi hình ảnh cô nhòa dần trong tâm trí ông.
Tại Oscar 2021, The Father nhận được 6 đề cử, trong đó có Phim truyện xuất sắc. Đặc biệt, Anthony Hopkins hiện là ứng cử viên nặng ký cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Diễn xuất của ông khiến người xem đi từ run rẩy đến sững sờ, rồi bùi ngùi xúc động khi cảnh quay cuối cùng khép lại.
Ký ức là một chiếc cốc vỡ
Trong The Father, có một cảnh buồn bã đáng nhớ.
Đó là khi Anne (Olivia Colman) đánh rơi chiếc cốc trong nhà bếp. Nó nhẹ nhàng rơi xuống, rồi vỡ toang trên sàn nhà.
Anne quỳ gối nhặt từng mảnh vỡ đặt vào lòng bàn tay, máy quay sau đó hướng lên gương mặt người phụ nữ. Cô bất chợt òa khóc một mình giữa màn đêm, rồi nghẹn ngào kìm nước mắt và cố gắng đứng dậy.
Trong phim, ký ức của cha cô - Anthony (Anthony Hopkins) - cũng như những mảnh thủy tinh đã vỡ, không thể nào hàn gắn trở lại.
The Father là câu chuyện về hai cha con Anthony - Anne. |
Ở độ tuổi 80, Anthony hiện sống một mình trong căn hộ sang trọng, rộng lớn ở London (Anh). Ông có sở thích tự nhốt mình trong thư phòng để thưởng thức nhạc opera bằng tai nghe.
Như mọi hôm, Anne thường sẽ ghé thăm cha và mua cho ông những vật dụng cần thiết. Hôm nay thì khác, cô đến để thông báo rằng mình đã yêu một người và sẽ cùng anh đến Paris (Pháp).
Để chuẩn bị cho kế hoạch, Anne bèn tìm người chăm sóc cha, nhưng liên tục bị ông đuổi việc. Anthony dùng những lời lẽ thậm tệ để kết tội người làm thuê lấy cắp chiếc đồng hồ đeo tay yêu thích - thứ mà ông luôn cất trong phòng tắm cùng những vật dụng quý giá khác.
“Mọi thứ vẫn ổn”, Anthony nói với con gái. Song, thực ra mọi chuyện không hề ổn.
Ông không chỉ lãng quên bí mật về chiếc đồng hồ. Ký ức của Anthony dần mờ đi như màn sương trên cửa kính. Ông quên mặt Anne, quên chồng cô, quên mất mình đang ở đâu. Thậm chí, ở thời khắc đỉnh điểm, Anthony còn liên tục gặp ác mộng. Ông thức dậy và quên cả việc thay đồ ngủ khi bước sang phòng khách để ăn sáng.
Người cha già bắt đầu hoài nghi về mục đích của con gái. “Con đang ruồng bỏ cha”, ông buồn bã nhận xét.
Từ sân khấu kịch lên màn ảnh rộng
Kịch bản của The Father được chuyển thể từ vở kịch Le Père nổi tiếng của Florian Zeller. Từ khi công diễn năm 2012, vở kịch đã nhận được nhiều giải thưởng, và từng được đạo diễn Pháp Philippe Le Guay dùng làm chất liệu cho bộ phim Floride (2015).
Lần này, đích thân Zeller đưa bản gốc tiếng Pháp sang tiếng Anh cùng biên kịch người Anh Christopher Hampton - người từng nhào nặn kịch bản cho Dangerous Liaisons (1988) và Atonement (2007).
Bộ phim được thực hiện dựa trên vở kịch Le Père, với số lượng nhân vật tối thiểu. |
Giống vở kịch gốc, phiên bản điện ảnh của Le Père gây ngạc nhiên bởi sự đơn giản đến bất ngờ. Thời lượng 90 phút gói gọn trong bối cảnh căn hộ của Anthony với ít sự kiện, nhiều lời thoại. Khi phim kết thúc, dòng danh đề (credits) cuộn lên với số diễn viên đếm trên đầu ngón tay. Một vài nhân vật không có tên, mà chỉ được gọi là “người đàn ông”, “người phụ nữ, “cậu nhóc”.
Được xây dựng như một tác phẩm chính kịch (drama), nhưng The Father mang bầu không khí của thể loại giật gân (thriller). Bộ phim khơi gợi một nỗi sợ chung của toàn nhân loại: sợ chết.
Hội chứng mất trí và căn bệnh Alzheimer là chủ đề quen thuộc trong điện ảnh. Song, chưa có tác phẩm nào thuộc đề tài này vừa run rẩy vì hồi hộp, vừa buồn bã đến nhói lòng như bộ phim của Florian Zeller.
Kể lại toàn bộ câu chuyện dưới góc nhìn của Anthony, Florian Zeller mong muốn người xem cảm nhận nỗi sợ hãi mà ông đang phải đối mặt. Đạo diễn và đội ngũ thiết kế sản xuất đã liên tục thay đổi những chi tiết trong bối cảnh, nhằm tái hiện tâm trí hỗn loạn của Anthony.
Kiến trúc căn hộ không đổi, nhưng vật dụng trong nhà liên tục khác trước. Tường đổi màu sơn, rèm cửa đổi chất liệu, bức tranh treo trên tường biến mất, còn những chiếc ghế bị di dời vị trí.
Ngay cả nhân vật Anne hay chồng cô là Paul cũng do hai diễn viên cùng lúc đảm nhận. Khán giả hoang mang như chính Anthony khi thấy cô con gái trở thành một người hoàn toàn khác. Từ một phụ nữ đầy đặn (Olivia Colman), Anne biến thành người đàn bà gầy gò với gương mặt xa lạ (Olivia Williams).
Sững sờ trước diễn xuất của Anthony Hopkins
Dường như không ai thấu hiểu cảm giác thực sự của ông lão Anthony, ngoại trừ người hóa thân thành Anthony.
Phải nói rằng độ hay của The Father sẽ giảm đi một nửa nếu thiếu vắng diễn xuất của Anthony Hopkins. Ông là lựa chọn duy nhất trong đầu Florian Zeller. Để mời diễn viên gạo cội đóng vai chính, vị đạo diễn đã phải đổi tên nhân vật trong tác phẩm gốc thành tên ngôi sao. Thậm chí, Zeller còn tuyên bố nếu Hopkins không gật đầu, anh sẽ thực hiện dự án bằng tiếng Pháp.
Với The Father, Anthony Hopkins trở thành người lớn tuổi nhất từng nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar. |
Với mái đầu bạc phếch và gương mặt in hằn nếp gấp thời gian, nam diễn viên xứ Wales lay động trái tim người xem bằng những cử chỉ rất nhỏ: từng cái thở dài không thành tiếng, đôi môi mím chặt không bật thành lời, ánh mắt đi từ mệt mỏi cho đến nghi ngại tất cả mọi thứ, kể cả bản thân.
Người ta thường nói người già giống như trẻ con. Anthony quả là một cậu bé bên trong lớp da nhăn nheo. Xuyên suốt bộ phim, ông nhặt nhạnh những ký ức đã mất một cách đau đớn.
Anthony đi vòng quanh căn hộ, gọi tên con gái như đứa trẻ lạc mẹ. Ông liên tục hỏi về em gái của Anne mà quên rằng cô đã chết. Ông lục tìm chiếc đồng hồ đeo tay như lo sợ thời gian còn lại ở cõi tạm cũng sắp tận.
Căn hộ - “bảo tàng ngây thơ” mà Anthony dùng để lưu trữ kỷ niệm đã qua - trở thành mê cung khiến ông lạc lối. Đến cuối phim, nhân vật rốt cuộc chỉ là tù nhân không thể thoát khỏi trại giam của trí nhớ.
Đời nhẹ như chiếc lá rơi
Tâm trí chơi đùa với Anthony, nhưng nhịp đập trái tim ông thì bất biến. Hình ảnh của Anne và em gái cứ đến rồi đi trong ký ức của Anthony, nhưng tình cảm ông dành cho hai người con vẫn luôn tồn tại trong một ngăn kéo nào đó của não bộ.
Có một cảnh quay liên tục được tái hiện xuyên suốt bộ phim. Đó là người cha già lặng lẽ đứng bên khung cửa sổ, ngó ra bên ngoài để dõi theo bóng hình con gái khi cô rời khỏi căn hộ. Anne chỉ xuất hiện ở lần đầu tiên và không bao giờ trở lại. Cô giống như vệt ký ức nhỏ nhoi kẹt lại trong đầu cha, khiến ông lặp đi lặp lại hành động một cách vô thức.
Giống như ông lão Anthony, con người ai cũng đến lúc phải đối diện với cái chết mà không thể trốn tránh. |
Đến cuối phim, Anthony không còn giữ lại nhiều ký ức. Ngay cả thú vui nghe nhạc trong thư phòng sang trọng cũng không còn. Ông co rúp người trong chiếc áo thun màu trắng, rồi òa khóc đòi gặp mẹ. Đó là hành động đầu tiên mà con người thực hiện khi ra đời, chẳng cần bất cứ ý niệm nào về ký ức.
Bi kịch của Anthony là bi kịch mà bất kỳ ai cũng sẽ phải trải qua vào những phút cuối đời. Càng đi sâu vào hành trình của ông lão, người xem càng thấm thía nỗi sợ hãi lớn nhất trong cuộc đời con người. Cái chết là điều không ai có thể tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn.
Giống như truyện ngắn nổi tiếng của O. Henry được nhắc đến trong phim, thứ duy nhất Anthony còn lại trên đời quả thực chỉ là những “chiếc lá cuối cùng”.