Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Diplomat: Chăn nuôi hổ trái phép là vấn nạn lớn ở Đông Nam Á

Tại một số nước Đông Nam Á, nạn săn bắn và nuôi hổ trái phép ngày càng báo động. Theo thống kê, còn rất ít cá thể hổ ở Malaysia, Myanmar, thậm chí không tìm thấy ở Campuchia.

dong vat hoang da anh 1
Thống kê từ TRAFFIC, mạng lưới giám sát buôn bán động vật quý hiếm,  cho thấy rằng chưa đến 4.000 cá thể hổ hiện tồn tại ngoài thiên nhiên hoang dã, nhưng có khoảng 8.000 con lại đang bị giam cầm tại các cơ sở chăn nuôi khắp châu Á. Ảnh: Getty. 
dong vat hoang da anh 2
Hầu hết hổ sống tại các trang trại Trung Quốc, một số khác đang được nhân giống ở những quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Lào nhưng với mục đích lợi nhuận chứ không phải bảo tồn. Cũng theo TRAFFIC, trong 20 năm qua, hơn một nửa số cá thể hổ trong các vụ buôn bán trái phép ở Thái Lan đến từ những cơ sở nuôi nhốt. Ảnh: The Independent.
dong vat hoang da anh 3
Tiến sĩ Richard Thomas, chuyên viên truyền thông toàn cầu từ TRAFFIC chia sẻ với The Diplomat rằng việc nuôi hổ có thể dẫn đến tình trạng buôn bán bộ phận, nội tạng của loài thú này cũng như kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Nat Geo. 
dong vat hoang da anh 4
Công ước Thương mại Quốc tế về Động vật Quý hiếm (CITES) năm 2007 đã cấm nuôi hổ vì mục đích buôn bán. Nhưng nhiều trang trại tại châu Á vẫn vi phạm lệnh cấm này và chủ yếu phục vụ khách hàng Trung Quốc. Ảnh: Nat Geo.
dong vat hoang da anh 5
Thực trạng này không chỉ dừng lại ở châu Á. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), hàng nghìn cá thể hổ có thể được tìm thấy tại các chuồng thú tư nhân trên khắp nước Mỹ. Ảnh: WWF.
dong vat hoang da anh 6
Steve Galster, đồng sáng lập tổ chức bảo tồn thiên nhiên Freeland, khẳng định chăn nuôi hổ để buôn bán còn thúc đẩy nạn săn bắn động vật trái phép. Nguyên nhân chính đến từ việc lợi nhuận lớn của ngành này làm dấy lên lòng tham từ những tên thợ săn. Ảnh: AFP. 
dong vat hoang da anh 7
Galster đã liệt kê một số trường hợp hổ hoang dã tại Malaysia bị săn bắt và sau đó đem bán giá rẻ để cạnh tranh với những cơ sở chăn nuôi. Ngoài sở thích trang trí nội thất từ da hổ, các khách hàng châu Á cũng thường tin rằng những dược phẩm từ con thú này rất có lợi cho sức khỏe, điều mà y học hiện đại vẫn chưa chứng minh. Ảnh: Endangered Species. 
dong vat hoang da anh 8
TRAFFIC ước tính số cá thể hổ tự do ngoài môi trường tự nhiên chỉ còn khoảng 3.890 con. Trong khi con số đó cách đây một thế kỷ là 100.000 cá thể. Số lượng loài động vật này đã tăng nhẹ ở Ấn Độ trong những năm gần đây, nhưng lại dần biến mất ở một số nước Đông Nam Á. Ảnh: New York Times.
dong vat hoang da anh 9
Hổ thậm chí không còn tồn tại ở Campuchia. Chúng bị “tuyệt chủng về chức năng” ở Lào. Quần thể hổ tại Malaysia hay Myanmar dần thu hẹp và khắp Indonesia chỉ còn xấp xỉ 400 con. Ảnh: Nat Geo.
dong vat hoang da anh 10
Năm 2016, Lào đã cam kết loại bỏ các trang trại hổ để phục vụ buôn bán, nhưng cơ quan điều tra môi trường của nước này đã phát hiện một số cơ sở chăn nuôi mới được thành lập ở quốc gia này vào các năm 2017, 2018. Ảnh: Washington Post. 
dong vat hoang da anh 11
Tờ Washington Post gần đây cũng đã làm phóng sự về việc các cơ sở chăn nuôi ở Lào bán những bộ phận của hổ với giá hàng chục nghìn USD, hay thậm chí là bán thịt hổ cho các nhà hàng địa phương. Ảnh: Washington Post.
dong vat hoang da anh 12
Tại Thái Lan, các cơ quan chức năng đã đột kích vào ngôi đền hổ nổi tiếng vào năm 2016 và thu giữ được hơn 180 cá thể. Một số vườn thú ở quốc gia này hiện chỉ đóng vai vỏ bọc cho những cơ sở chăn nuôi trái phép để thực hiện hành vi buôn bán tại các chợ đen. Ảnh: ABC. 
dong vat hoang da anh 13
Trung Quốc gần đây đã có những bước đi thành công trong việc bảo tồn động vật hoang dã, đơn cử là lệnh cấm buôn bán ngà voi. Steve Galster cho rằng nếu Trung Quốc tiên phong trong quá trình này, họ cũng sẽ thúc đẩy động thái tương tự từ các quốc gia láng giềng, đặc biệt tại Đông Nam Á. Ảnh: Washington Post. 
dong vat hoang da anh 14
Trong cuộc họp mới nhất của CITES ở Geneva, Thụy Sỹ, các quốc gia tham dự đã thảo luận để đưa ra những quy định chặt chẽ hơn cho các cơ sở chăn nuôi hổ. Ảnh: Nat Geo.

Bị nhốt làm thú cưng trong dinh thự Arab, loài báo bên bờ tuyệt chủng

Bị nuôi nhốt trong những biệt thự ở vùng vịnh Arab, những con báo được buôn lậu từ châu Phi thường không sống sót nổi sau 2 năm, càng đẩy loài vật này tới bờ vực tuyệt chủng.


Minh Đức

Theo The Diplomat

Bạn có thể quan tâm