Indonesia không phải là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng chính sách phá hủy tàu cá bất hợp pháp bị bắt để ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không thể kiểm soát (IUU), vốn diễn ra ở khắp các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Indonesia là nước sử dụng biện pháp này mạnh tay nhất, với hơn 500 tàu đã bị đánh đắm, tính đến tháng 5.
"Kể từ năm 2006, Malaysia đã bắt 748 tàu của Việt Nam và 7.203 thuyền viên Việt Nam nhưng không hề đánh chìm con tàu nào", giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, trả lời Zing.vn.
Cách giải quyết của Indonesia cũng kéo theo tranh cãi trong khu vực khi họ không phải là nước duy nhất có vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bị tàu cá nước ngoài xâm phạm. Cách xử lý mạnh tay còn gây ra lo ngại cho mối quan hệ với các nước láng giềng.
Tàu cá nước ngoài bị chính quyền Indonesia cho nổ vào năm 2016. Ảnh: Reuters. |
- Hầu hết các nước, kể cả giữa ASEAN với tàu Trung Quốc, sẽ bắt rồi thả tàu thay vì đánh đắm như Indonesia. Chính sách của Indonesia quá gây tranh cãi?
- Chính sách của Indonesia đặc biệt ngay từ số lượng tàu cá có liên quan. Nước này được cho đã đánh chìm 488 tàu cá kể từ tháng 10/2014 (sau đợt đánh chìm đầu tháng 5, con số này đã lên trên 500 - PV). Ngược lại, kể từ năm 2006, Malaysia đã bắt 748 tàu của Việt Nam và 7.203 thuyền viên Việt Nam nhưng không đánh chìm con tàu nào.
Indonesia đã tạm ngưng đánh chìm thuyền, nhưng hôm 4/5 đã cho đánh chìm 53 tàu, phần lớn trong số đó là từ Việt Nam.
Đôi khi Australia cũng đốt và đánh chìm tàu cá Indonesia đánh bắt trái phép trong vùng đánh bắt cá của họ với lý do cảnh báo những hành động tương tự. Tháng 12/2017, Australia đốt cháy 3 tàu cá Indonesia và phạt mỗi chủ tàu 1.000 USD.
Chính sách của Indonesia gây tranh cãi vì luật quốc tế yêu cầu việc nhanh chóng thả các ngư dân nước ngoài và thuyền bị bắt.
- Việc này sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự đoàn kết của ASEAN?
- Tình trạng đánh bắt cá trái phép, không thể báo cáo, không thể kiểm soát là vấn đề ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia ASEAN có bờ biển. Điều này được thể hiện trong Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hợp tác ASEAN về nghề cá giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch kêu gọi các nước ASEAN tương tác ở cấp khu vực và quốc tế để tăng cường quản lý nghề cá xuyên quốc gia và khả năng truy vết các sản phẩm của nghề cá, từ đó chống lại việc đánh bắt cá trái phép, không thể báo cáo, không thể kiểm soát.
Cụ thể, các nước cần cải thiện luật lệ và kiểm soát các thuyền cá thông qua hệ thống đăng ký, sử dụng hệ thống kiểm soát tàu thuyền và hệ thống hiệu quả để thu thập tài liệu về việc đánh bắt.
Một chợ cá tại Kota Bharu, Malaysia. Ảnh: Reuters. |
Kế hoạch hành động khuyến khích 5 hướng tiếp cận:
Thứ nhất, các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế, khu vực hợp tác để chống lại tình trạng đánh bắt cá trái phép, không thể báo cáo, không thể kiểm soát.
Thứ hai, ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia để thắt chặt chính sách quốc gia và khu vực để áp dụng các biện pháp chống lại đánh bắt cá trái phép, không thể báo cáo, không thể kiểm soát.
Thứ ba, thắt chặt hợp tác vùng và tiểu vùng để quản lý việc đánh bắt cá, bao gồm mạng lưới kiểm soát cấp vùng.
Thứ tư, xây dựng năng lực cho các thành viên ASEAN để đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận về các Biện pháp dành cho các Quốc gia Hải cảng và thỏa thuận Trách nhiệm của Quốc gia Tàu đã đăng ký của Liên Hợp Quốc.
Thứ năm, áp dụng Bộ quy tắc ASEAN để ngăn ngừa cá và sản phẩm ngành cá có từ các hoạt động đánh bắt cá trái phép, không thể báo cáo, không thể kiểm soát lọt vào chuỗi cung ứng.
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: AFP. |
Kế hoạch Hành động của ASEAN trong phối hợp về nghề cá sẽ là cơ chế để thảo luận về chính sách đánh chìm thuyền của Indonesia. Hiện không có cơ chế nào bắt tuân thủ việc này. Vì vậy, việc Indonesia đánh chìm tàu hiện vẫn là vấn đề song phương giữa các nước có liên quan trực tiếp.
Điểm cốt yếu là khu vực đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam đã bị quá tải và ô nhiễm, buộc ngư dân phải đi về phía nam, lọt vào vùng biển tranh chấp. Việt Nam và Indonesia có thỏa thuận phân chia thềm lục địa nhưng chưa thỏa thuận về phân định biên giới trên biển.
Vụ việc gần đây khi tàu Việt Nam va chạm với tàu hải quân Indonesia là một sự cố nguy hiểm, trái với Quy tắc Quốc tế về Ngăn chặn Va chạm trên Biển (COLREG) năm 1972.
Indonesia và Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của ASEAN và là đối tác chiến lược của nhau. Đôi bên nên tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tiến đến phân định đường biên giới trên biển. Trước đó, họ cần áp dụng các biện pháp thực tiễn để ngăn chặn tranh chấp leo thang.
Việt Nam và Indonesia cần phải nhận diện các khu vực tranh chấp trên biển, và đồng ý với nhau làm sao để kiểm soát các tranh chấp này, bất kể các tuyên bố của mỗi bên. Cả hai cũng nên đối xử nhân đạo với ngư dân bị bắt giữ, nhanh chóng giải quyết sự cố và trả lại thuyền viên cũng như phương tiện bị giữ.
- Xin cảm ơn ông.
Về vụ việc Indonesia đâm, đánh chìm và phá hủy tàu của ngư dân Việt Nam ở vùng biển chồng lấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 9/5 cho biết "Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá của Indonesia bắt giữ và tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982)".
Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này, đề nghị Bộ Biển và Nghề cá cùng các lực lượng của Indonesia hành xử phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam trên cơ sở tôn trọng quan hệ song phương.
Trước đó, Cục Lãnh sự cho biết vào ngày 27/04, trong khi đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, thuộc khu vực Việt Nam và Indonesia đang tiến hành phân định vùng đặc quyền kinh tế (tọa độ 06026’N-106047’E, cách đường phân định thềm lục địa năm 2003 5,5 hải lý về phía bắc), tàu cá Việt Nam mang số hiệu BĐ 97916 TS cùng 14 ngư dân bị tàu mang số hiệu 381 của Indonesia bắt giữ và lai kéo với tốc độ cao khiến tàu cá Việt Nam bị chìm.
Hai ngư dân đã được giải cứu, 12 ngư dân còn lại bị tàu 381 của Indonesia bắt giữ, đưa về vùng biển Indonesia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc; không lặp lại hành động tương tự trong tương lai, đồng thời thả ngay các ngư dân của tàu cá BĐ 97916 TS, đối xử nhân đạo và đền bù thoả đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam.