"Người bu lại rất đông, nhưng chỉ vài người giúp"
Ngay sau vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu vượt Tây Sơn - Thái Hà đêm 8/11, nickname T.T.T đã chia sẻ cảm nhận của mình trên Facebook với bài viết “1 giây và cuộc đời”. Ý kiến này lập tức nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận.
Mặc dù khẳng định mình là người "cứng vía" nhưng nam thanh niên sinh năm 1991 thừa nhận, sự việc diễn ra quá nhanh và "sau một tiếng, tôi vẫn còn ngồi thở dốc, vã mồ hôi, lạnh toát cả sống lưng".
Khi chứng kiến những người bị thương nằm la liệt trên cầu vượt, T.T.T cho hay, anh chả kịp nghĩ gì, thấy người bên cạnh hô lao vào cứu người là lao theo, với tay tắt máy từng xe với chiếc chìa khóa gẫy gập, kéo từng người ra khỏi chỗ bị nạn, bế một người lên xe taxi và run.
"Thực sự là run. Một cảm giác lạnh sống lưng chưa bao giờ trải qua" - T. cho hay.
Còn nickname Tr.H.Tr ghi lại lời kể của một nhân chứng thoát chết sau tai nạn: "Người bu lại rất đông, nhưng mình để ý ngoài mình chỉ còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ".
Theo nhân chứng này, một cậu trai mặt non choẹt, tay xăm kín thốt lên "em đau tay" khi bác sĩ nhờ cậu ta nhấc người gẫy 2 chân ra khỏi đầu xe taxi. "Dù cậu trai này là kẻ nhiệt tình đứng ngó nghiêng nhất, nhưng chắc cậu ta vẫn nghe rõ được lời của mình: 'Đồ hèn, tránh ra'"...
Từng thoát chết trong vụ tai nạn giao thông gần đây, chị Tr. cho hay, cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là nỗi đau thân thể hay cái xe hỏng mà là cảm giác không biết bao nhiêu người đi đường quần áo đẹp đẽ... phóng qua, đi chậm lại, hạ kính ôtô, dừng xe tay ga chen nhau giơ điện thoại và... quay lại.
"Tôi vẫn nhớ như in cảm giác mình lơ mơ tỉnh dậy choáng váng nơi ghế lái... Bên đống kính vỡ vụn và cánh cửa kẹt không thể mở được, tôi lồm cồm chui ra, đám tiền lẻ bay quanh tôi những tờ 1.000, 2.000 đồng của người đi đường thả (chắc họ đoán tôi... nghoẻo rồi).
Tôi gần như van xin đừng quay nữa và kêu đau đớn thì từng lớp lớp người đi đường vẫn quay, vẫn chen nhau vào, tiếng cười nói rôm rả cả đoạn đường xen lẫn tạp âm quốc lộ..." - chị Tr. nhớ lại.
Chị cho biết, mình đã gần như ngất xỉu vì đám đông vây quanh khiến chị không có chút không khí để thở. Và những cái smartphone vô tâm như vậy.
Bài viết của chị Tr. đã nhận được sự quan tâm, đồng cảm. Nhiều người cho biết, họ từng chứng kiến những vụ tai nạn mà người dân xúm vào lo quay phim, chụp ảnh đăng Facebook thay vì giúp đỡ nạn nhân.
Thiếu hiểu biết và sợ liên lụy
Thảo luận trên Fangape Zing.vn về việc có nên giúp người bị tai nạn giao thông, phần lớn bạn đọc cho rằng, khi gặp tai nạn chỉ đứng chỉ chỏ, bàn tán là vô tâm, vô cảm. Nhưng ở góc độ khác, không ít ý kiến cho hay, muốn cứu người cũng cần có hiểu biết.
Độc giả Hoằng Thắng (Hà Đông) cho rằng, việc lao vào cứu người bị tai nạn giao thông chưa hẳn đã đúng vì không phải ai cũng được học qua sơ cứu, nếu sai cách có thể khiến nạn nhân đau đớn hơn, vì vậy cách tốt nhất là gọi cấp cứu 115.
“Tôi đọc trên mạng có nhiều trường hợp vì cứu người trên đường lại bị oan gia, trở thành người gây tai nạn nhẹ là bị chửi bới, nặng là bị đánh đập, bắt bồi thường, bị cảnh sát hỏi thăm. Vì vậy tôi buộc phải lựa chọn giải pháp an toàn cho mình”, anh Thắng cho hay.
Đồng tính với ý kiến này, bạn đọc Mai Hà chia sẻ, mấu chốt của vấn đề là mọi người không biết mình phải làm gì trong trường hợp này hơn là do vô cảm. Rất nhiều người bối rối khi chứng kiến tai nạn, thậm chí đó là người thân của mình.
Do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên nhiều người cảm thấy lo lắng và không dám hỗ trợ các nạn nhân. Họ lo sợ người đó lại bị nặng hơn. Tâm lý "ngại", "sợ đen đủi", hoặc tránh rắc rối cũng rất hay gặp trong cuộc sống.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Vũ Ngọc Chi - Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định rõ người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Ông Chi cũng cho hay, luật quy định rõ, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tuy nhiên, luật sư khẳng định, việc chứng minh điều kiện của người cứu giúp là rất khó khăn. "Đối với vụ việc này hầu như chưa có vụ án nào được đưa ra xét xử", ông Chi nhận định.