Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo kể chuyện bắt rắn hổ mang dài hơn 1 mét

Phát hiện bóng người tiến lại gần, con rắn hổ mang bất ngờ thả lỏng miếng mồi rồi giương cao đầu, thè lưỡi, sẵn sàng tấn công.

Phút đối mặt hổ mang chúa dài 3,1 mét ở miền Tây

Bị người vây quanh, rắn hổ mang chúa nặng 6,3 kg chui vào hang chuột tìm cách trốn thoát. Tuy nhiên, do quá dài nên chui không lọt, rắn bị người dân đánh nhừ tử rồi bắt bỏ vào bao.

Anh Nguyễn Văn Cầu (46 tuổi, thôn Dương Thanh, xã Hoằng Trung, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hiện là giáo viên thể dục song còn được người trong làng gọi là "anh Cầu rắn".

Anh tâm sự, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thời thơ ấu, hằng ngày sau giờ tan học, anh phải tranh thủ ra đồng mò cua bắt ốc đem về bán phụ giúp bố mẹ lo bữa ăn. Việc dùng tay móc cua trong hang hốc khiến Cầu không ít lần chạm nhầm ổ rắn. 

“Những lần đầu bị rắn cắn, tôi rất sợ. Sau này quen dần. Nhờ bố mẹ chỉ dạy nên tôi có thể phân biệt được đâu là rắn độc, đâu là rắn lành”, anh Cầu chia sẻ.

Thầy giáo Cầu thuật lại động tác vây bắt các loài rắn độc.
Thầy giáo Cầu thuật lại động tác vây bắt các loài rắn độc.

Việc bắt rắn ban đầu với anh chỉ để giải trí, song, sau này do cuộc sống khó khăn, anh đã coi đó như một nghề để kiếm tiền nuôi vợ con. Từng ấy năm sống với nghề "tay trái", thầy giáo Cầu đã bắt được cả nghìn con rắn, trong đó có rất nhiều rắn độc như hổ mang, cạp nia, hổ chúa, rắn lục đuôi đỏ...

Chỉ tay vào ba bình rượu ngâm hàng chục con rắn quý hiếm, anh Cầu khoe, đây đều là chiến tích sau nhiều năm đi săn. Chiếc bình lớn nhất được gia chủ sử dụng để ngâm con rắn hổ mang vừa bắt được. Theo anh Cầu, con rắn hổ mang này dài hơn 1 m, nặng tới gần 4 kg.

Anh Cầu cho biết, hàng chục năm hành nghề, anh vẫn rợn người khi nhớ lại lần vây bắt con rắn hổ mang bò vào nhà. Hôm đó, gia đình anh đang ngồi trên nhà lớn ăn cơm thì bất ngờ nghe thấy tiếng gà kêu dưới gian bếp. Nghĩ có kẻ lạ đột nhập, anh liền chạy xuống dùng đèn pin rọi thì phát hiện con rắn hổ mang đang quấn chặt con gà.

“Ban đầu, tôi không nghĩ vật đang quấn chặt con gà lại là con rắn hổ mang. Thân mình nó to lù lù, màu da đen xám”, anh Cầu nhớ lại.

Phát hiện bóng người tiến lại gần, con rắn hổ mang bất ngờ thả lỏng miếng mồi rồi giương cao đầu, thè lưỡi, sẵn sàng tấn công. Đề phòng rắn độc phun nọc xa, vợ chồng anh Cầu vội vàng đứng dạt ra xa để tìm cách khống chế.

Cận cảnh những con rắn do chính tay anh Cầu bắt, gồm rắn hổ mang, rắn cạp nia, rắn hổ trâu...
Cận cảnh những con rắn do chính tay anh Cầu bắt, gồm rắn hổ mang, rắn cạp nia, rắn hổ trâu...

Anh Cầu sau đó chạy ra trước nhà cầm một đoạn cây lựa miếng đè vào đầu rắn. Bị đoạn cây đè ngang đầu, con rắn hổ mang bất ngờ vùng dậy, quấn mình vào thân cây.

“Sau khi nuốt trọn một con gà nhỏ trước đó, con rắn tỏ ra rất khỏe mạnh. Nó vùng dậy, nhoài mình rồi quấn chặt lấy thân cây để tìm kiếm cơ hội phản công”, anh Cầu kể. Sau gần 20 phút, anh mới khống chế được con vật.

Theo lời thầy giáo thể dục này, đây là lần đầu tiên anh gặp con rắn hung giữ và khỏe mạnh đến vậy, dù trước đó từng khống chế nhiều rắn độc khác.

“Công việc bắt rắn từ lâu đã thành sở thích khiến tôi thấy cuộc sống này đỡ nhàm chán. Tôi nghiện thú vui đó mất rồi nên không thể từ bỏ được”, anh Cầu chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm khống chế rắn, người thầy giáo cho biết, trước hết, người bắt phải xác định con rắn đó thuộc loại độc hay lành. “Nếu có điều kiện thì hãy trang bị dụng cụ hỗ trợ vây bắt, tránh chủ quan”, anh chia sẻ.

Dù gần 40 năm đeo đuổi với sở thích bắt rắn và chưa một lần bị rắn độc cắn song người thân vẫn hết sức lo lắng và khuyên anh từ bỏ. 

“Tôi hiểu lương giáo viên thấp nên anh ấy tranh thủ đi bắt bán kiếm thêm. Song, thường xuyên tiếp cận rắn độc như vậy rất nguy hiểm”, chị Lan, vợ anh Cầu chia sẻ.

Những loài rắn cực độc ở trại rắn lớn nhất Việt Nam

Hổ mang chúa, hổ mèo, cạp nia, đẻn biển hay rắn lục đuôi đỏ đang được nuôi dưỡng và trưng bày tại trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang).

Duy Cảnh

Bạn có thể quan tâm