"Bật hẳn 5 tông so với da mộc. Một bước thôi, thay đổi cả làn da. Da trắng phát sáng” là dòng quảng cáo của diễn viên Vân Trang cho một loại mỹ phẩm. Và nó lập tức gây tranh cãi trên mạng xã hội. Sau khi vướng tranh cãi, Vân Trang giải thích loại mỹ phẩm cô quảng cáo là BB cream để trang điểm, do đó việc nâng tông, giúp da trắng sáng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, Vân Trang thừa nhận nội dung quảng cáo của cô quá ngắn, lại “hơi giật tít” nên khiến khán giả hiểu sai ý. Trước Vân Trang, nhiều nghệ sĩ Việt vướng tranh cãi với lý do tương tự.
Nghệ sĩ xin lỗi vì quảng cáo thổi phồng
Trước khi Vân Trang lên tiếng giải thích và xin lỗi, công chúng chỉ trích cô vì cho rằng bài viết quảng cáo của nữ diễn viên dùng ngôn từ hơi thổi phồng quá mức so với công dụng của sản phẩm.
Chưa bàn tới chất lượng sản phẩm có thực sự tốt và hiệu quả hay không, nhưng xu hướng quảng cáo chung của nhiều nghệ sĩ hiện giờ là chèn ảnh so sánh sự thay đổi của làn da, vóc dáng... kèm theo đó là bài đăng có nhiều từ khen ngợi, chẳng hạn: “Bóng khỏe như da mấy chị Hàn Quốc”, “Chấp mọi loại nám”, “Mi mọc nhanh một cách khủng khiếp”…
Ở phần bình luận, họ sẽ đăng kèm tên, hình ảnh và địa chỉ mua sản phẩm kèm theo lời khẳng định đã sử dụng suốt thời gian dài để nhận được sự thay đổi rõ rệt.
Các sản phẩm quảng cáo phổ biến nhất là thực phẩm chức năng, giảm cân, mỹ phẩm chăm sóc da, ngừa nám…
“Nhìn nền da em sau một tháng đắp mặt nạ tươi của Hàn này, có mê không chị em. Lúc đầu không nghĩ nó hiệu quả thế này đâu, thấy nhiều chị em review quá nên em cũng mua thử thôi mà không nghĩ nó lại hơn cả mong đợi. Mỗi lần đắp xong da mềm mịn như baby, căng bóng như gương, không khác gì đi tiêm meso với botox đắt đỏ, lỗ chân lông bé tí, nhìn mê cực”, là nội dung bài viết của một nghệ sĩ.
Trước đó, nhiều nghệ sĩ Việt cũng vướng tranh luận vì vấn đề quảng cáo. Họ bị chỉ trích quảng cáo lố hoặc thậm chí sai chức năng. Khi tranh cãi nổ ra, họ lên tiếng xin lỗi.
Tháng 5, Dương Cẩm Lynh thừa nhận đưa hình ảnh sai trong nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Cô quảng cáo sữa non canxi Hàn Quốc, đi kèm là hình ảnh của Dương Cẩm Lynh với con trai ở hai thời điểm: tháng 10/2022 và tháng 5/2023.
Dương Cẩm Lynh và Vân Trang vướng tranh cãi quảng cáo lố. |
Tuy nhiên, một số người phát hiện hình ảnh mà Dương Cẩm Lynh cho là tháng 10/2022 thực chất được chụp tại sự kiện sinh nhật nữ diễn viên vào tháng 10/2020.
Cách đây không lâu, MC Cát Tường cũng xin lỗi vì quảng cáo sản phẩm nhưng nói quá về công dụng. Nữ MC đã gây tranh cãi từ lâu trước đó nhưng giữ im lặng suốt nhiều tháng rồi mới lên tiếng. MC mong khán giả tha thứ do nói chưa đúng những từ chuyên môn được cho phép trong Luật Quảng cáo.
"Nghệ sĩ chưa nhận thức rõ vai trò"
Dù lắng nghe và ghi nhận lời xin lỗi của nghệ sĩ, nhiều khán giả vẫn đặt câu hỏi vậy họ chịu trách nhiệm thế nào với những khán giả đã vì bài quảng cáo từ thần tượng mà tin dùng sản phẩm đó trong thời gian dài. Phải chăng nghệ sĩ nên kiểm chứng rõ ràng hơn trước khi đăng bài thay vì làm lố xong lại xin lỗi, để rồi khán giả có thể gánh chịu hậu quả.
Ngoài ra, theo chuyên gia truyền thông Phan Vĩnh Phúc, việc nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu nhưng quảng cáo, bán nhiều sản phẩm đôi khi có thể gây mất thiện cảm trong công chúng.
Chuyên gia Phan Vĩnh Phúc cho rằng thực trạng hiện tại, nhiều nghệ sĩ chưa nhận thức đúng vai trò của mình. Nghệ sĩ được chọn dựa trên uy tín, tần suất xuất hiện, độ tương thích với nhân khẩu học và khách hàng mục tiêu. Tính cách nghệ sĩ cũng cần phù hợp với tính cách thương hiệu. Do đó, thường nhãn hàng lớn không dùng nghệ sĩ để bán hàng, chốt sale. Như ông tổ ngành quảng cáo hiện đại David Ogilvy từng cho biết, nghệ sĩ là 1 trong 14 cách để nhãn hàng tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách uy tín.
MC Cát Tường lên tiếng xin lỗi sau khi bị tẩy chay. |
“Phải chăng nhiều nghệ sĩ đã và đang quảng cáo, bán hàng mà chưa nhận thức được vai trò của mình. Họ lẫn lộn nghệ sĩ với KOL (người dẫn dắt quan điểm), KOC (người dẫn dắt những người mua hàng). Trong khi đó, nghệ sĩ có đủ các chức năng truyền thông như nhận thức, tuyên truyền, thẩm mỹ, giáo dục và thông tin mang tính định hướng. Nghệ sĩ chưa nhận thức rõ vấn đề này, chưa rành về thương mại, phát ngôn. Do đó nghệ sĩ khi nhận đơn đặt hàng không đủ năng lực để thẩm định và chưa tìm hiểu kỹ về luật quảng cáo, nhất là giấy phép quảng cáo”, chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, để tránh những sai lầm, nghệ sĩ cũng cần nhận thức rõ loại hình truyền thông. Họ phải phân biệt rõ truyền thông nội nhân (của cá nhân), liên nhân (tin nhắn), truyền thông nhóm, truyền thông xã hội hay truyền thông đại chúng. Trong đó, truyền thông đại chúng là khi nghệ sĩ là pháp nhân và có yếu tố chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, nghệ sĩ cần áp dụng rõ quy tắc ứng xử ban hành theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Một số người áp lực tài chính rất lớn, đặc biệt sau thời gian dịch nên dễ dãi trong việc nhận quảng cáo mà không ý thức được hệ lụy. Khi nhận quảng cáo, nghệ sĩ sẽ bị nhãn hàng tận dụng tối đa bởi nhận được số tiền lớn. Nhãn hàng sẽ dồn toàn lực để quảng cáo và chuyển đổi ra đơn hàng trong thời gian cụ thể theo hợp đồng.
Họ sử dụng các thuật toán khiến quảng cáo của nghệ sĩ xuất hiện liên tục, có thể tiếp xúc một khán giả hàng trăm lần trên các nền tảng xã hội. Điều đó dẫn đến cảm giác khó chịu. Nghệ sĩ rất đẹp trên thánh đường sân khấu mà giờ bán hàng lộ liễu khiến khán giả thất vọng.
Cuốn sách Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình là tập hợp những ghi chép về trải nghiệm của tác giả sau quãng thời gian dài gắn bó với lĩnh vực điện ảnh. "… không rõ nhờ cơ duyên hay sự say mê thôi thúc nào gắn bó đã khiến tôi khó dứt ra được nghiệp truyền nghề trong lĩnh vực này", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.