Ồ ạt thâu tóm siêu thị Việt
Cuối tháng 1/2015, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon trở thành cái tên được chú ý trên thị trường bán lẻ, khi Japan Times đưa tin công ty này quyết định đầu tư vốn vào 2 chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Việt Nam, là Fivimart và Citimart. Theo đó, Aeon sẽ mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Đây là hai siêu thị khá lớn tại Việt Nam. Fivimart đang có 20 siêu thị tại Hà Nội, Citimart có 27 siêu thị, chủ yếu tại TP HCM.
Việt Nam được Aeon coi là thị trường quan trọng thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia. Aeon dự kiến mở 200 siêu thị, cửa hàng trên khắp cả nước. Doanh số mong muốn của “ông lớn” bán lẻ Nhật Bản là 100 tỷ Yên, tương đương hơn 18.000 tỷ đồng.
Hàng loạt siêu thị tại Việt Nam bị đại gia ngoại thâu tóm. |
Thông tin này không khiến những người trong nghề bất ngờ. Vì ngay từ năm 2013, tin đồn Aeon thâu tóm Fivimart và Citimart đã rộ lên trong khoảng thời gian khá dài. Trước đó, Aeon khá thành công với trung tâm thương mại ở Bình Dương. Năm 2011, qua Ministop, thành viên của Aeon, “ông lớn” Nhật Bản bắt tay với Trung Nguyên phát triển chuỗi G7 Mart Ministop. Trong liên doanh này, Ministop nắm 25% cổ phần và G7 Mart nắm 75% còn lại, tổng số vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD.
Thực tế, năm 2013 là khoảng thời gian các tỷ phú Thái Lan thể hiện khá nhiều trên thị trường phân phối Việt Nam. Đây cũng là thời điểm tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi âm thầm thâu tóm chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam. Thương vụ được tiến hành thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group. Thương vụ kết thúc, FamilyMart được đổi tên thành B’s mart.
BJC thậm chí còn gây chú ý hơn khi có kế hoạch thâu tóm “ông lớn” Metro Việt Nam. Giữa tháng 8/2014, tập đoàn Metro (Đức) tiết lộ vừa ký thỏa thuận với BJC về việc chuyển nhượng mảng kinh doanh sỉ (bán buôn) tại Việt Nam.
Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan. Thương vụ có tổng giá trị lên tới 879 triệu USD. Với mức giá này, thương vụ càng được chú ý vì Metro Việt Nam liên tục báo lỗ.
Lotte khá nổi danh tại Việt Nam khi gây ồn ào với thương vụ thâu tóm Bibica. Không dừng lại ở mảng bánh kẹo, Lotte dồn sức xây dựng Lotte Tower – tòa nhà cao thứ hai Hà Nội. Trước khi tòa nhà này hoàn thiện, Lotte Mart kịp mua lại Pico Plaza (Đống Đa, Hà Nội) để mở rộng hoạt động.
Cũng có lúc gặp đá tảng
Có tiềm lực và kinh nghiệm nên rất nhiều đại gia ngoại hoạt động khá suôn sẻ sau khi thâu tóm doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, không ít “cá mập” lại gặp trở ngại lớn.
Khi thâu tóm Pico Mall, Lotte khá tự tin với nhiều kế hoạch táo bạo. Tuy nhiên, giới chuyên gia không đánh giá cao động thái này của Lotte. Knight Frank Việt Nam đánh giá đây là hành động đầu tư mạo hiểm của Lotte, bởi trước đó Pico Mall không đạt thành công như kỳ vọng. Và kết quả không diễn ra như những gì Lotte kỳ vọng. Lotte Mart thường xuyên rơi vào cảnh đìu hiu. Thậm chí, siêu thị này còn nhiều lần bị tố bán sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Hiện tại, Aeon đang đình đám với thương vụ thâu tóm hai siêu thị lớn của Việt Nam là Citimart và Fivimart, nhưng trước đó Aeon chưa thực sự thành công với G7 Mart Ministop. G7 Mart Ministop vẫn chưa phải là cái tên phổ biến trên thị trường phân phối.
Tuy vậy, cả Aeon và Lotte đều đã thâu tóm thành công các doanh nghiệp Việt. Còn BJC, cứ ngỡ rằng thương vụ “nuốt trọn” Metro Việt Nam của ông lớn Thái Lan sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng đến phút cuối, thương vụ lại đổ bể. Đầu năm 2015, Bangkok Post đưa tin nỗ lực của mua lại Metro Việt Nam của BJC đã thất bại hôm 8/1, sau khi các cổ đông của BJC nhất trí bỏ phiếu không thông qua thỏa thuận trị giá 655 triệu euro (879 triệu USD).
Các cổ đông nhỏ có nhiều lý do để phản đối thương vụ “khủng” này. Cổ đông lo ngại BJC sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính và nguy cơ kiện tụng cao, nếu theo đuổi thương vụ này theo các điều kiện bổ sung liên quan đến việc thanh toán hợp đồng. Tài chính cũng là vấn đề khiến “người nhà BJC” lo lắng. Weerawong Chittmittrapap, một giám đốc độc lập của BJC tiết lộ, công ty này có thể phải huy động tới 1,31 tỷ euro để hoàn tất việc mua lại Metro Việt Nam. Con số này cao gấp đôi giá trị mua lại Metro Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thương vụ này đã đi vào ngõ cụt. Ông Weerawong tiết lộ TCC Holding, đơn vị thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - cổ đông lớn nhất trong BJC, sẽ tiếp tục đàm phán với Metro về việc làm sao để việc mua lại Metro Việt Nam sẽ diễn ra công bằng và thành công hơn đối với cả hai bên. "Nếu cả hai bên có thể giải quyết tất cả những trở ngại và thúc đẩy thương vụ với những điều kiện công bằng hơn, TCC Holding sẽ một lần nữa đưa thương vụ này ra đại hội cổ đông”, ông Weerawong khẳng định.