Ngày 12/11, trang 163 đưa tin phim truyền hình Hộc Châu phu nhân có sự tham gia của Dương Mịch, Trần Vỹ Đình, Từ Khai Sính, Trần Tiểu Vân là bộ phim gây chú ý nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, sau khi ra mắt, đánh giá về phim không khả quan.
Một thất phẩm khác của Dương Mịch
Trong phim Dương Mịch thủ vai Hải Thị, vốn là thôn nữ làng chài. Hải Thị may mắn thoát nạn và được đệ nhất quyền thần Phương Chư (Trần Vỹ Đình) cứu giúp khi thôn làng bị tàn sát. Cả hai có chuyện tình đẹp nhưng bị Đế Húc (Từ Khai Sính) chia cắt bằng cách ép Hải Thị làm phi.
Trong những tập đầu, QQ đánh giá phim có kỹ xảo tốt, bối cảnh đẹp. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nằm ở diễn xuất của dàn diễn viên. Nam phụ Từ Khai Sính bị đánh giá ngoại hình không hợp phim cổ trang, khẩu hình kém duyên, cách diễn khoa trương.
Dương Mịch bị chê già, diễn kém trong Hộc Châu phu nhân. Ảnh: QQ. |
Nam chính Trần Vỹ Đình vốn thể hiện vai sư phụ lạnh lùng, cao ngạo, nhưng si tình. Tuy nhiên, cách diễn của tài tử Hong Kong không thể hiện được nội tâm giằng xé cần có của nhân vật. Anh biến nhân vật của mình từ người lạnh lùng thành kẻ mang khuôn mặt đơ, vô hồn.
Dương Mịch đảm nhiệm nữ chính, có vai trò quan trọng nắm giữ tiết tấu phim. Nhưng diễn xuất của nữ diễn viên không được đánh giá cao. Cô bị chê khi thể hiện vai thiếu nữ lúc đã 35 tuổi. Dấu vết thời gian hiện rõ trên khuôn mặt của Dương Mịch như khóe mắt trũng sâu, phần cổ nhiều nếp nhăn. Khán giả khó chịu khi xem cô diễn cảnh nũng nịu với sư phụ Trần Vỹ Đình.
Bên cạnh đó, Dương Mịch tự mình lồng tiếng cho nhân vật. Đài từ của nữ diễn viên vốn yếu. Trước đó, vai diễn của cô thường xuyên được lồng tiếng. Trong 6 tập đầu, đa số cảnh Hải Thị đều giả trang nam giới, nhưng Dương Mịch vẫn trang điểm môi đỏ, lông mi cong.
Theo số liệu trên trang QQ Video, hiện tại, sau 2 ngày bộ phim mới đạt 300 triệu lượt xem, con số này không bằng lượt view một ngày của các tác phẩm hot khác. Đa số ý kiến đánh giá phim chỉ có tính giải trí, chất lượng ở mức trung bình, có nhiều vấn đề ở khâu diễn xuất.
Định hướng sai lầm của Dương Mịch
Theo 163, dự án tiếp của Dương Mịch đã được xác định là Kiều tàng. Đây cũng là một phim cổ trang, nhân vật nữ chính có tính cách mạnh mẽ.
Dù bối cảnh khác nhau, song lựa chọn phim Kiều tàng cho thấy Dương Mịch vẫn trung thành với định hướng diễn phim cổ trang thần tượng, không có ý định chuyển sang dạng vai khác phù hợp với lứa tuổi.
Sina bình luận phim cổ trang là đặc sản của giới giải trí Hoa ngữ, cũng là nội dung được khán giả yêu thích. Song, mãi đóng dòng phim này không phải là sự lựa chọn tốt với nghệ sĩ đã có tuổi đời và tuổi nghề cao như Dương Mịch. Cô dễ rơi vào lối mòn diễn xuất nên Phù Dao hoàng hậu, Hộc Châu phu nhân đều không thành công như mong đợi.
Dương Mịch trung thành với thể loại phim cổ trang ngôn tình. Ảnh: QQ. |
Trong khi Dương Mịch trung thành với dạng phim "ngôn tình tuổi trung niên" thì các minh tinh cùng lứa như Triệu Lệ Dĩnh, Đường Yên, Lưu Diệc Phi, Nghê Ni... đã bắt đầu tìm tới những bộ phim chính kịch, đề tài xã hội, nội dung có chiều sâu để nâng cao diễn xuất.
Ngoài ra, 10 năm qua, Dương Mịch cũng không nhận được thêm đề cử Nữ chính xuất sắc tại giải Bạch Ngọc Lan. Bạch Ngọc Lan là một trong 3 giải phim truyền hình uy tín nhất Trung Quốc. Theo đó, giải này đại diện cho sự đánh giá của giới chuyên môn với diễn xuất diễn viên.
Dương Mịch chỉ được đề cử Thị hậu một lần nhờ phim Cung tỏa tâm ngọc (2011). Từ đó đến nay, nữ diễn viên đóng hàng chục phim, song đều là những tác phẩm thần tượng, những câu chuyện tình yêu được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình, không phù hợp với tiêu chí đánh giá của giải Bạch Ngọc Lan. Diễn xuất của cô cũng bị nhận xét là thiếu chiều sâu, phong độ thất thường. Do đó, Dương Mịch không nhận được đề cử nào.
Lựa chọn làm nghệ sĩ giải trí
Theo Sina, Dương Mịch hiện là minh tinh nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc. Cô ăn mặc thời thượng, được các nhãn hàng săn đón, thường xuyên là gương mặt trang bìa của tạp chí lớn. Xét về giá trị thương mại và sức ảnh hưởng truyền thông, Dương Mịch là minh tinh đứng đầu giới giải trí Hoa ngữ.
Nữ diễn viên đầu tư vào trang phục thảm đỏ, thời trang sân bay, cô cũng thường xuyên tham gia chương trình giải trí. Lịch làm việc của Dương Mịch luôn dày đặc. Do đó, tên tuổi của Dương Mịch phổ biến với công chúng.
Nữ diễn viên còn được gọi là "nữ hoàng mang hàng", với ý nghĩa những món đồ mà cô mặc đều trở thành xu hướng, được giới trẻ săn lùng và nhanh chóng bán hết. Danh xưng thể hiện sự đầu tư vào trang phục, phong cách của Dương Mịch.
Tuy nhiên, hơn 10 năm đóng phim, diễn xuất của Dương Mịch không được giới chuyên môn đánh giá đi lên, thậm chí bị chê giậm chân tại chỗ hoặc đi xuống. Điều này cho thấy cô không chú trọng phát triển về diễn xuất.
Sina cho rằng Dương Mịch lựa chọn trở thành biểu tượng giải trí thay vì là một diễn viên giỏi.
Dương Mịch đầu tư vào vẻ ngoài, xây dựng thương hiệu "nữ hoàng mang hàng" thay vì trau dồi diễn xuất. Ảnh: QQ. |
Điều này cũng được thể hiện ở việc Dương Mịch lựa chọn các phim thần tượng, chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình. Nhiều dự án trong số đó do chính công ty của Dương Mịch là Gia Hành Thiên Hạ đầu tư. Nữ diễn viên cũng dẫn dắt các nghệ sĩ trẻ của công ty tham gia, đóng vai phụ.
Cô đang dùng chính danh tiếng của mình để nâng đỡ đàn em, tạo nên những nghệ sĩ danh tiếng, thu lợi cho công ty. Nhờ đó, Dương Mịch được vinh danh là bà chủ mát tay.