Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thất bại kinh doanh, thành chủ trại chim quý nhất miền Bắc

Thất bại trên thương trường, vay bạn bè được gần 40 triệu đồng, anh Trần Nhữ Giáp (Lý Nhân, Hà Nam) đã quyết tâm làm lại từ đầu với trại nuôi chim quý.

Da ngăm đen, để râu dài và cách ăn nói đầy chất nghệ sĩ, thỉnh thoảng lại châm thuốc, ngồi suy tư, ít ai biết anh Giáp là ông chủ của 2 trang trại chim quý hiếm rộng 4ha với hơn 2.000 cá thể ở Lý Nhân, Hà Nam và Thanh Trì, Hà Nội.

Anh Giáp sinh ra và lớn lên ở Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam). Sau khi tốt nghiệp Đại học Thương mại khoa Quản trị kinh doanh năm 2001, anh làm nhân viên cho một công ty tư vấn đầu tư. 5 năm sau, có chút vốn liếng và kinh nghiệm nên anh rủ bạn bè thành lập công ty riêng. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, thị trường cạnh tranh khốc liệt, khiến anh không trụ được. Vốn liếng có được sau những năm tích cóp tan biến dần.

Anh Trần Nhữ Giáp bên những chú chim quý của mình. Ảnh: Ngọc Lan.

Chán nản với thương trường, anh quay lại với sở thích chơi chim từ nhỏ để thư giãn tinh thần. 2 chú chim trĩ đỏ anh nuôi chơi không ngờ cứ thể phát triển và sinh sản ra nhiều chim con khỏe mạnh. Tìm hiểu trên mạng, anh được biết đây là loài chim rất hiếm, giá đắt đỏ ở Việt Nam. Anh chợt nghĩ, biết đâu đây chính là cơ hội để mình làm lại từ đầu, hơn  nữa, cũng là công việc thực sự yêu thích của anh. 

Hơn 40 triệu đồng vay từ gia đình, bạn bè, anh Giáp đầu tư hết vào chim giống, xây chuồng trại. Chỉ sau một thời gian ngắn, 200m2 đất ruộng anh thuyết phục người thân cho mượn đã trở thành trang trại chim có quy mô.

"Trời cũng không phụ lòng người, đàn chim trĩ, chim công cứ thế lớn dần, rồi phát triển, sinh sản. Chăm những chú chim mà hơn cả chăm con của mình vậy. Mỗi khi chim không ăn, hay có biểu hiện ốm bệnh là tôi lại thao thức cả đêm, tìm bằng được cách chữa trị. Thậm chí, tiền thuốc chữa bệnh của chim còn đắt gấp nhiều lần tiền thuốc của con”, anh Giáp kể.

Trang trại của anh Giáp nuôi nhiều loại chim quý, hiếm và giá đắt. Ảnh: Ngọc Lan.

Năm 2007, từ những thành công ban đầu, anh Giáp tiếp tục vay mượn bạn bè, ngân hàng số tiền lên đến 600 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại nuôi chim ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam). Số lượng loài chim phong phú hơn, với gần 600 cá thể trong trang trại 5.000m2.

“Lãi lời thì chưa thấy đâu, chỉ thấy anh ấy suốt ngày phơi nắng dầm sương ở trại chim. Bao nhiêu tiền vốn, lãi đổ hết vào trang trại. Khi ấy bệnh dịch nhiều, tôi đâm lo nên phản đối kịch liệt. Nhưng rồi anh Giáp cứ hì hục làm”, chị Hạnh, vợ anh chia sẻ.

Do kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi chưa nhiều nên có thời gian chim trĩ, chim công ở trang trại anh chết gần 1 nửa. Một số loài chim quý nằm trong sách đỏ, nên việc cấp giấy phép nuôi, mua bán thành trở ngại rất lớn, trong khi đồng vốn thì có hạn.

“Ở Việt Nam lúc này chưa có mô hình nào nuôi thử nghiệm những loài chim này, nên tôi phải tự tìm hiểu trên mạng, rút ra những kinh nghiệm thực tế của mình để viết tài liệu, minh chứng những loài vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo ở Việt Nam. Mất nhiều năm thuyết phục, đến tháng 6/2009, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam mới cấp giấy phép chính thức cho trang trại nuôi sinh sản và bảo tồn những loài chim quý hiếm”, anh Giáp cho biết.  

Sau khi trả hết số nợ, anh Giáp lại tiếp tục đầu tư thêm trang trại rộng 2ha ở Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội). Bên cạnh đó, anh còn sang tận Thái Lan, Malaysia, Australia… để tìm nguồn giống và học hỏi phương pháp chăn nuôi.  

Anh Giáp là người đầu tiên đưa một số loài quý, hiếm như công, chim trĩ, sâm cầm... được nuôi phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Lan.
Hiện tại, ngoài các loại chim trĩ đỏ, chim công, anh Giáp còn nuôi thử nghiệm và nhân thêm nhiều loài chim quý như vịt uyên ương, vịt trời, gà lôi trắng, gà rừng, sâm cầm, ngỗng trời, le le.... Hầu hết chúng là những loại chim quý, hiếm, có giá rất cao trên thị trường. Một chú chim công cảnh có giá 7 đến 20 triệu đồng/con; vịt uyên ương 11 đến 12 triệu đồng/cặp; sâm cầm 900.000 đồng/con; le le, mòng két, mòng rụt 300.000 đến 600.000 đồng/con, chim trĩ 400.000 đến 900.000 đồng/con…

Mỗi tháng, trang trại của anh Giáp cung cấp ra thị trường hơn 1.000 chim trĩ, 4.000 con vịt thương phẩm và hàng trăm chim công, uyên ương, sâm cầm…, cho thu lãi hàng năm lên đến vài tỷ đồng.

Ngoài bán chim giống và thương phẩm, anh Giáp còn bao tiêu đầu ra cho bà con nuôi ở các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai,…và một số tỉnh miền Nam. Hiện nay, các trang trại của anh có hơn 20 công nhân, đảm bảo thu nhập cho  họ từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng và tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình ở các tỉnh khác.

NSƯT Quang Tèo (Nguyễn Tiến Quang), người bạn đồng sở thích chơi chim cảnh với anh Giáp, cho biết anh Giáp rất mê chim cảnh. Cứ có loài chim mới nào là mày mò nghiên cứu, tìm hiểu đến cùng. Trang trại của anh Giáp có nhiều giống quý, hiếm mà nhiều người nghĩ chắc chỉ được nhìn trong chương trình “Thế giới động vật” trên vô tuyến.

“Sự say mê và chơi chim cảnh rất tâm huyết và nhiệt tình của Giáp khiến người ta phải nể phục và trân trọng. Giáp là 'đại gia chân đất' chính hiệu, với tài sản khổng lồ từ các loài chim quý nhưng anh sống chân thành, mộc mạc và cởi mở như đúng một người nông dân”, NSƯT Quang Tèo chia sẻ.

Đại gia chi 8,5 tỷ đồng mua một con chim bồ câu

Trong số 10 con chim đắt nhất của cuộc đấu giá, thì có tới 9/10 chú chim đắt nhất được bán cho khách Trung Quốc đại lục và Đài Loan và kỷ lục thuộc về chú chim bồ câu một năm tuổi tên Bolt.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm