Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thảo luận về chuyển đổi cơ cấu năng lượng tại Việt Nam

Các chuyên gia tham dự diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững" đã đưa ra nhiều nhận định và ý kiến đóng góp giá trị.

Diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững" do Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương phối hợp tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 13/10 tại Hà Nội. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP…

Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, theo báo cáo về chỉ số rủi ro khó hậu toàn cầu năm 2020.

Những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực thực hiện các cam kết của "Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", tham gia "Thỏa thuận chung Paris" trong khuôn khổ "Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu" (COP 21).

Trong đó, một yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính. Các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới cũng đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Chuyen dich nang luong anh 1

Toàn cảnh diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững".

Cũng theo ông Hiển, cơ cấu tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA, do tác động của đại dịch, nhu cầu năng lượng sơ cấp giảm gần 4% vào năm 2020. Lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu giảm 5,8%; mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh (năm 2020 dầu giảm 8,6%, than giảm 4%) trong khi năng lượng tái tạo và xe điện hầu như không bị ảnh hưởng.

Đồng thời, nhiên liệu và công nghệ carbon thấp, đặc biệt là điện mặt trời và gió, đạt tỷ trọng tăng trưởng hàng năm cao nhất từ trước đến nay trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu (tăng hơn 1%). Năm 2020, điện tái tạo thế giới đã bổ sung thêm 261 GW công suất (chiếm 82% tổng công suất phát điện bổ sung trên toàn cầu).

Chuyen dich nang luong anh 2

TS Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại diễn đàn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) bằng nguồn năng lượng xanh và sạch hơn (gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh, methanol…). Trong đó, khí tự nhiên đóng vai trò là bước trung gian cho quá trình chuyển đổi này.

Song song, hiệu quả sử dụng năng lượng ngày càng được cải thiện. Các dạng năng lượng cuối được sử dụng dưới dạng điện cũng phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này có được là nhờ ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một số xu hướng chính trong phát triển năng lượng được quan tâm gồm: Dịch chuyển dần từ dầu sang khí; tăng cường tích hợp lọc - hóa dầu; phát triển năng lượng tái tạo; sự phát triển của nền kinh tế methanol, nền kinh tế hydro; chuyển hóa CO2; tiết kiệm năng lượng…

Nhiều tập đoàn dầu khí trên thế giới đã vạch ra định hướng chiến lược là chuyển đổi từ mô hình tập đoàn dầu khí thành tập đoàn năng lượng, để thích ứng với xu thế và yêu cầu chuyển dịch.

Chuyen dich nang luong anh 3

Bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương - phát biểu tại diễn đàn.

Cũng trong diễn đàn, những nhà quản lý và chuyên gia đã thảo luận về chủ đề an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng. Các bên đã đề cập mục tiêu khu vực, đồng thời đưa ra giải pháp hữu ích về sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, các hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nền kinh tế ít carbon trong cộng đồng.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp, giảm 32% cường độ năng lượng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năng lượng.

Diệp Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm