Thảo Điền - khu nhà giàu ngập nước, kẹt xe triền miên
Thứ sáu, 4/10/2019 06:00 (GMT+7)
06:00 4/10/2019
Phường Thảo Điền (TP.HCM) được xem là khu nhà giàu ở Sài Gòn với vô số biệt thự, căn hộ sang trọng. Tuy nhiên, bán đảo này còn nổi tiếng bởi ngập lụt và kẹt xe như cơm bữa.
Vào các giờ cao điểm hàng ngày, một số tuyến đường như Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương, Xuân Thủy (phường Thảo Điền, quận 2) rơi vào cảnh ùn ứ, xung đột xe cộ kéo dài khi diễn ra cảnh đưa đón bằng ôtô ở một số trường quốc tế trên địa bàn.
Đặc điểm chung của các trường này khi học sinh các cấp ra về cùng lúc, hàng trăm tài xế ôtô dừng đợi dài trước cổng trường, các bảo vệ thường chặn dòng xe hai đầu để phụ huynh đưa học sinh qua đường gây nên cảnh ùn tắc.
Từ 15h, trên đường Thảo Điền, ôtô xếp hàng dài nhích từng chút trước cổng các trường quốc tế. Con hẻm 76 bên cạnh trường các phương tiện ra vào kẹt cứng. Các tài xế sốt ruột, phải xuống xe theo dõi phía trước.
Công trình đào lắp cống đang thi công gần cổng trường khiến tình hình giao thông càng thêm khó khăn. Bảo vệ dân phố, bảo vệ trường phải đứng từ xa để điều tiết xe cộ.
Từ 15h30, trên đường Nguyễn Văn Hưởng (khu phố 3, phường Thảo Điền), hai bên đường là những hàng dài ôtô cá nhân, xe đưa đón dừng chờ 1-2 hàng.
Cũng trên đường Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Cừ, trước cổng chung cư Hoàng Anh Gia Lai là những dãy ôtô 4-7 chỗ dừng chờ đón học sinh.
Đến 16h, dòng ôtô bắt đầu xếp thành một hàng dài cả cây số trên đường Quốc Hương, Xuân Thủy, Thảo Điền để ra Xa lộ Hà Nội. Anh Huỳnh Minh Luân, tài xế đưa đón học sinh đi về tỉnh Bình Dương cho biết quãng đường từ ngã ba Nguyễn Văn Hưởng - Nguyễn Cừ ra cầu Sài Gòn dài chưa đến 1 km nhưng hàng ngày anh phải di chuyển hơn 30 phút mới thoát được.
Ngã ba Quốc Hương - Xuân Thủy thường xuyên xảy ra xung đột giữa các phương tiện. Có lực lượng CSGT và dân phòng điều tiết nhưng ôtô vẫn phải xếp hàng dài gần 2 km trên đường Quốc Hương vào giờ cao điểm.
Phần lớn những tuyến phố ở khu nhà giàu này đều nhỏ, hẹp, hai làn ôtô chiếm hết phần đường của xe máy.
Ông Hùng, thợ sửa đồng hồ trên đường Xuân Thủy, cho biết từ 16h ôtô đã xếp thành hàng dài nhích từng chút một, kéo dài đến tối. Tình trạng giao thông ùn ứ ở khu vực đã diễn ra triền miên.
Hướng ngược lại, dòng xe từ Xa lộ Hà Nội vào phường Thảo Điền cũng ùn ứ dưới dạ cầu Sài Gòn, kéo dài qua phường An Phú (quận 2).
Những tuyến này mặt cắt nhỏ hẹp, nhiều đoạn vỉa hè dựng kín xe máy khiến người đi bộ phải bước xuống lòng đường.
Không chỉ kẹt xe thường xuyên, khu nhà giàu Thảo Điền nhiều năm nay được xem là một trong những rốn ngập ở TP.HCM khi mưa lớn và triều cường. Trong đó, các đường như Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương, Tống Hữu Đình, số 41, số 65 thường xuyên chìm trong nước nhiều giờ liền mỗi khi mưa lớn.
Người dân hai bên đường Quốc Hương cho biết tuyến đường bị trũng thấp nhiều đoạn. Sau những cơn mưa lớn kéo dài khoảng 30 phút, nơi đây thường ngập sâu khiến nhiều ôtô, xe máy bị chết máy.
Người dân khu vực và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây thường xuyên phải bì bõm lội nước về nhà.
"Mỗi lần mưa lớn khoảng 30 phút và triều cường thì đoạn đường này lại bị ngập sâu, vài tiếng đồng hồ nước mới thoát hết. Xe thường bị chết máy nên tôi phải dắt bộ giữa bồng bềnh rác", chị Nguyễn Thị Mai Trâm, ngụ đường số 65, phường Thảo Điền cho hay.
Nước tràn vào nhà, dân hai bên đường phải bơm, tát nước ra ngoài là cảnh thường xuyên xảy ra.
Không chỉ ngập do mưa, đường Nguyễn Văn Hưởng cũng rơi vào cảnh mênh mông nước trong những đợt triều cường những gần đây. Trong đợt triều cường dâng cao từ 28/9 đến 2/10 vừa qua, đoạn đường trước chung cư Hoàng Anh Gia Lai lênh láng nước.
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, cho biết ngày 30/9, đỉnh triều đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua là 1,74 m vào lúc 18h. Trong đỉnh triều, toàn TP có 13 điểm ngập, đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, quận 2) là nơi ngập sâu nhất.
Ôtô trôi bồng bềnh vì bị chết máy, đoạn đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 trở nên vắng so với ngày thường do bị ngập sâu. Nhiều tài xế phải tìm đường khác để di chuyển.