Sáng 30/3, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X đã khai mạc Hội nghị lần thứ 26. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là hội nghị có ý nghĩa rất đặc biệt, bên cạnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 sẽ có dự báo khả năng hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố (TP) và các vấn đề khác đến năm 2020.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, một trong những vấn đề thảo luận trong hội nghị lần này là kết quả thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ nghe báo cáo kết quả thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. |
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về chương trình giám sát, thanh tra, kiểm tra của toàn hệ thống chính trị năm 2019 trên địa bàn TP; chương trình công tác phòng chống tham nhũng và thông qua chương trình công tác các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, trong đó có vấn đề chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Đánh giá về kinh tế - xã hội quý I/2019, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết qua làm việc với các quận, huyện, một trong những vấn đề các quận, huyện lo là về chỉ tiêu thu thuế; thu thuế gắn với phát triển kinh tế và kinh tế hàng đầu là dịch vụ. Trong quý I, trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của TP.HCM có 3 ngành tăng và 6 ngành giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, thương mại cùng kỳ năm 2018 đạt 7,8%, quý I năm nay còn 7,7%, tài chính - ngân hàng cùng kỳ là 9,9% năm nay giảm còn 9,1%; kho bãi - vận tải cùng kỳ đạt 9,1% giảm mạng, còn 6,6%; du lịch cùng kỳ là 11,7% hiện nay còn 8,4%; bất động sản cùng kỳ là 9,3% còn 6,9%, y tế cùng kỳ là 7,1% còn 6,7%.
“Tuy chưa phải nhiều nhưng đây là dấu hiệu cần lưu ý, vì sao các lĩnh vực này giảm trong khi nhu cầu xã hội tăng lên. Một trong những lý do chính là hạ tầng dịch vụ không sẵn sàng nên phát triển không như mong muốn. Hiện nay muốn phát triển dịch vụ nhưng về thương mại, khách sạn, y tế, giáo dục đất không còn, nhà, đường chưa sẵn sàng. Dịch vụ là một trong những trọng tâm lớn nhất của kinh tế TP.HCM nhưng lâu nay quy hoạch hạ tầng cho dịch vụ không có. Nếu không có thay đổi thời gian tới phát triển rất khó khăn”, ông Nhân lưu ý.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng lưu ý các số liệu báo cáo về cải cách hành chính có sự mâu thuẫn. Cụ thể, các quận huyện đánh giá sự hài lòng của người dân đạt hơn 80%, thậm chí hơn 90%, còn giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt từ 95 - 99%. Trong khi đó, số liệu tổng hợp của cả thành phố chưa được kết quả này.
Đề cập đến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh vừa được công bố, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói: 5 năm trước, TP.HCM xếp hạng thứ 10 cả nước. Hai năm trước, TP.HCM đứng hạng 8 nhưng kết quả vừa công bố cho thấy TP.HCM lại tụt xuống hạng 10.
“Sau 5 năm, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của TP.HCM trở lại như cũ. Hội nghị cần thảo luận các tiêu chí nào còn hạn chế. Đây là vấn đề năm nay phải quyết liệt để nâng cao môi trường cạnh tranh, sức hấp dẫn của TP”, ông Nhân nhấn mạnh.
Về kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá của TP.HCM, ông Nhân chỉ ra có nhiều chương trình khả năng hoàn thành rất cao nhưng cũng có một số chương trình như chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch kết quả đạt được rất thấp, phải tìm giải pháp khắc phục những khó khăn hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ của cả năm và nhiệm kỳ.
Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết trong 13 chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đến cuối 2020 đạt 9.800 USD khó đạt.
Ông Liêm phân tích năm 2016, thu nhập bình quân đầu người TP.HCM đạt hơn 5.400 USD, năm 2018 đạt hơn 6.000 USD. Như vậy, cố gắng lắm thì cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 7.500 USD.
Ngoài ra, chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, có một chỉ tiêu khó đạt là khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15-20% nhu cầu giao thông đô thị. Hiện nay, con số này mới đạt xấp xỉ 9%.
“Ngoài ra, chỉ tiêu giảm thiểu 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt cũng khó hoàn thành vào năm 2020. Chương trình chỉnh trang phát triển đô thị, chỉ tiêu về di dời nhà trên và ven kênh rạch dự kiến cũng không hoàn thành”, ông Liêm nhận xét.