Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành tỷ phú sau 4 năm bán mỹ phẩm online ở Trung Quốc

Từ một hãng vô danh, công ty của Huang Jinfeng (Trung Quốc) đã sánh ngang với các ông lớn ngành mỹ phẩm, giúp anh trở thành tỷ phú trẻ được ngưỡng mộ.

Huang Jinfeng (tên tiếng Anh là David Huang, 37 tuổi) gia nhập hàng ngũ tỷ phú thế giới sau khi công ty khởi nghiệp làm đẹp và thương mại điện tử Yatsen Holding của anh ra mắt ở Mỹ, Forbes đưa tin.

Yatsen Holding có trụ sở tại Quảng Châu, hiện điều hành 3 thương hiệu làm đẹp Perfect Diary, Little Ondine và Abby’s Choice. ​​Cổ phiếu của công ty tăng tới 75% trong lần đầu giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ).

Công ty huy động được 617 triệu USD thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu tiên, hiện có giá trị thị trường là 7,8 tỷ USD.

ty phu tre anh 1

Huang Jinfeng (thứ 2 từ trái sang) gia nhập hàng ngũ tỷ phú khi công ty khởi nghiệp của mình gặt hái thành công.

Theo ước tính của Forbes, Huang - người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Yatsen Holding - có khối tài sản ròng 3 tỷ USD, thu được từ 25% quyền sở hữu của anh trong công ty.

Mới được thành lập cách đây 4 năm, Yatsen đã trở thành doanh nghiệp nổi bật trên thị trường làm đẹp của Trung Quốc nhờ giá cả cạnh tranh và chiến lược truyền thông xã hội thông minh.

Công ty chủ trương cắt giảm các nhà phân phối để bán các sản phẩm trực tiếp cho người dùng trẻ tuổi với mức giá rẻ, ví dụ như sản phẩm phấn mắt chỉ 4,5 USD.

Các nhà chiến lược của doanh nghiệp làm việc với những người nổi tiếng và influencer (người có ảnh hưởng trên mạng) để tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng online như Douyin hay Weibo.

Theo báo cáo, 3 thương hiệu thuộc công ty này đã phục vụ 23,5 triệu khách hàng trong 9 tháng đầu năm. Khoảng 91% tổng doanh thu trong giai đoạn đó được tạo ra thông qua các kênh trực tuyến như WeChat và Tmall. Yatsen cũng có mạng lưới hơn 200 cửa hàng bán lẻ truyền thống, theo Caixin Global.

ty phu tre anh 2

Yatsen chủ trương bán hàng thông qua nền tảng mạng xã hội, cắt giảm khâu trung gian để đưa sản phẩm với giá rẻ nhất đến tay khách hàng.

Sofya Bakhta, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu Daxue Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: "Mặc dù phương thức tiếp thị kỹ thuật số không mới, nhưng Yatsen đã trở thành người dẫn đầu và là 'đối thủ cạnh tranh xứng đáng' với các thương hiệu phương Tây lâu đời hơn như L’Oreal".

"Họ nhanh chóng xây dựng nhận thức về thương hiệu và danh tiếng tại thị trường địa phương. Thương hiệu này cung cấp sản phẩm với giá cả rất phải chăng, tiếp thị mạnh mẽ và trên hết nó là thương hiệu nội địa, gợi lên niềm tự hào và tình cảm yêu nước trong các khách hàng Trung Quốc", Bakhta phân tích.

Năm ngoái, doanh thu của Yatsen đã tăng gần 5 lần, lên 446 triệu USD so với năm 2018.

Tuy nhiên năm nay, công ty không tránh được ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Hơn 200 cửa hàng truyền thống của Yatsen có thời gian buộc phải đóng cửa để thực hiện quy định kiểm dịch nghiêm ngặt. Hiện tại, khi đã mở cửa trở lại, họ vẫn phải đối mặt với tâm lý tiêu dùng và chi tiêu dè chừng hơn khi nền kinh tế Trung Quốc dần hồi phục.

Hiện tượng mạng Trung Quốc sống dưới áp lực bị soi mói đời tư

Dù không phải ngôi sao làng giải trí, nhiều hiện tượng mạng như "hot girl trà sữa" Chương Trạch Thiên, "hot boy Tây Tạng" bị công chúng mặc sức soi mói, áp đặt để thỏa mãn kỳ vọng.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm